Rối loạn tiêu hóa là gì?
Rối loạn tiêu hóa là một nhóm các triệu chứng xảy ra khi hệ thống tiêu hóa không hoạt động như bình thường. Theo y học, rối loạn tiêu hóa thường được chia thành 2 loại:
- Bệnh lý tiêu hóa thực thể: Xảy ra khi hệ tiêu hóa có những biểu hiện bất thường về cấu trúc dẫn đến không thể hoạt động bình thường.
- Rối loạn tiêu hóa chức năng: Xảy ra khi đường tiêu hóa có cấu trúc bình thường nhưng vẫn không hoạt động tốt.
Rối loạn tiêu hóa cũng có thể thường gặp do thức ăn, lối sống, thói quen hàng ngày, cùng tìm hiểu thêm một vài thông tin để có thể phòng và điều trị rối loạn tiêu hoá.
Nhóm đối tượng có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi đối tượng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số đối tượng có nguy cơ hay gặp bao gồm:
- Trẻ em và thanh thiếu niên: Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, khả năng miễn dịch còn non kém, nên trẻ rất dễ mắc phải các bệnh đường tiêu hóa. Trẻ thường có dấu hiệu: đau bụng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy… Trong đó, rối loạn tiêu hóa chức năng chiếm ít nhất 40 – 50% các trường hợp, phần lớn liên quan đến dấu hiệu đau bụng.
- Người cao tuổi: Tuổi càng cao, quá trình lão hóa diễn ra mạnh mẽ, từ đó ảnh hưởng đến các bộ phận của hệ tiêu hóa như: Thực quản, dạ dày, ruột non, nồng độc lactase giảm, sự phát triển quá mức của vi khuẩn…
- Phụ nữ mang thai: Tử cung có thể bị chạm vào ruột và dạ dày trong quá trình mang thai, hay do sự thay đổi của nội tiết tố ảnh hưởng đến vận động của dạ dày và ruột.
- Vận động viên hay những người tập luyện thể thao yêu cầu sức bền: do cơ thể có nguy cơ bị mất nước, đang trong chế độ ăn kiêng…
- Những người thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng và phiền muộn: tâm lý cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
- Những người đang mắc các bệnh mãn tính: bệnh tiểu đường loại 2, đau nửa đầu, suy giáp…
Nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa có thể xuất phát từ tiền sử bệnh lý, lối sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày như: sinh hoạt không đảm bảo khoa học, ăn uống không hợp lý, thường xuyên sử dụng rượu bia, lạm dụng thuốc kháng sinh, ít vận động, tâm lý căng thẳng, thường xuyên lo lắng, áp lực,…
Nguyên nhân do chế độ ăn và thói quen sinh hoạt hàng ngày
Nguyên nhân rối loạn tiêu hoá thường gặp do ăn uống thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hay ăn thức ăn để lâu ngày, thường gây rối loạn tiêu hóa cấp tính (hay thường gọi là ngộ độc thực phẩm).
Ngoài ra còn do chế độ và thói quen ăn uống không hợp lý: ăn uống quá nhiều chất béo, chất đạm hoặc tinh bột, trong khi lại ăn ít rau củ quả, vitamin và khoáng chất, uống ít nước. Chế độ ăn thất thường như ăn không đúng bữa, ăn vào lúc quá đói hoặc ăn quá no, thói quen ăn trước khi đi ngủ, ăn quá nhanh nhai không kỹ, vừa ăn vừa làm việc, xem tivi, ăn quá nhiều gia vị cũng có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa. Do sử dụng nhiều đồ uống có cồn như bia, rượu (làm tăng tiết acid dịch vị, gây mất cân bằng trong hệ sinh thái vi sinh đường ruột).
Những đối tượng thường xuyên đối diện với tâm lý căng thẳng, cảm xúc quá mạnh như lo buồn, đau khổ, sợ hãi… cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Nguyên nhân do bệnh lý
Nguyên nhân rối loạn tiêu hoá có thể do một số bệnh lý liên quan như bệnh gan mật, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, viêm ruột, viêm đại tràng cấp, mãn tính…
Ngoài ra rối loạn tiêu hóa còn có thể do người bệnh đang dùng một số loại thuốc để điều trị bệnh, chẳng hạn như: thuốc kháng viêm không steroid hoặc aspirin có thể gây đau dạ dày, thuốc kháng sinh dài ngày gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột,…
Dấu hiệu nhận biết rối loạn tiêu hóa
Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa khác nhau phụ thuộc vào từng nguyên nhân (bệnh lý dạ dày, ruột, do chế độ ăn, lối sống, thuốc đang dùng,…). Tuy nhiên, tình trạng này thường xuất hiện với một số dấu hiệu dễ nhận biết như sau:
- Chảy máu
- Đầy hơi
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Ợ nóng, đắng miệng
- Buồn nôn và nôn
- Đau bụng
- Thay đổi thói quen đi đại tiện
- Khó nuốt
- Tăng hoặc giảm cân bất thường
Làm cách nào để phát hiện và chẩn đoán chính xác rối loạn tiêu hóa?
Rối loạn tiêu hóa là vấn đề tiêu hóa phổ biến mà mọi người thỉnh thoảng gặp phải, có thể là biểu hiện của tình trạng bệnh lý đường tiêu hóa nhẹ thoáng qua với các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thường gặp và dễ nhận biết sớm như: táo bón, tiêu chảy, ợ nóng, đầy hơi, đau bụng, nôn và buồn nôn. Hầu hết các triệu chứng có thể diễn ra trong vài ngày rồi tự khỏi hoặc có thể cải thiện nhờ các biện pháp:
- men tiêu hóa hoặc một số thực phẩm chứa men vi sinh như sữa chua.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng.
- Tránh tiêu thụ thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, thức ăn có nguồn gốc từ sữa, bơ động vật.
- Sử dụng một số loại thuốc không kê đơn để điều trị triệu chứng (tiêu chảy, táo bón,…)
Tuy nhiên, khi triệu chứng không thuyên giảm và kéo dài, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị vì như đã đề cập, rối loạn tiêu hóa có nhiều nguyên nhân, có thể do bất thường cấu trúc hệ tiêu hóa (bệnh lý thực thể) hay bất thường về chức năng của hệ tiêu hóa (rối loạn tiêu hóa chức năng). Đặc biệt người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Đau bụng không rõ nguyên nhân và kéo dài.
- Chứng ợ nóng kéo dài.
- Khó nuốt, đau khi nuốt.
- Khàn tiếng, đau họng dai dẳng.
- Đầy hơi, khó tiêu kéo dài.
- Cảm giác có thức ăn mắc kẹt trong cổ họng hoặc ngực.
- Nôn mửa hoặc buồn nôn kéo dài.
- Nôn ra máu.
- Tiêu chảy, táo bón kéo dài.
- Phân có máu hoặc đen.
- Sút cân không rõ nguyên nhân.
Rối loạn tiêu hóa tuy thường gặp nhưng không nên chủ quan, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí sẽ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm do đó khi xuất hiện triệu chứng dai dẳng và nghiêm trọng người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.