Rối loạn tiền đình là bệnh rất phổ biến có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, công việc và học tập của người mắc. Bạn có thể gặp một số triệu chứng điển hình của tình trạng này như: Sợ tiếng ồn, sợ ánh sáng, hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm mặt mày, quay cuồng, không thể ngồi, đứng lên hay di chuyển. Vậy khi có dấu hiệu rối loạn tiền đình khám khoa nào ở bệnh viện cho kết quả chính xác?
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình
Trước khi giải đáp thắc mắc rối loạn tiền đình khám khoa nào, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này. Rối loạn tiền đình là bệnh lý xuất hiện đột ngột và hay tái phát gây ra trạng thái mất cân bằng về tư thế. Điều này khiến cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, đi đứng lảo đảo, buồn nôn, nôn, có thể có bị ù tai, mất ngủ… Có 2 loại rối loạn tiền đình là: Rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương.

Bệnh lý ở tai thương là nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ngoại biên
Tương ứng mỗi dạng rối loạn tiền đình lại có những nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Cụ thể:
Rối loạn tiền đình ngoại biên thường liên quan đến:
- Bệnh lý ở tai như: Xơ cứng tai, viêm tai xương chũm mạn tính…
- Các loại thuốc điều trị như: Một số loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc điều trị ung thư, xạ trị, thuốc lợi tiểu…
- Chứng co thắt động mạch cột sống thân nền: Đây là tình trạng thường gặp ở những người làm việc văn phòng, tiếp xúc thường xuyên với máy tính, ngồi lâu trong phòng điều hòa gây nhiễm lạnh vùng cột sống cổ.
Trong khi đó, nguyên nhân gây rối loạn tiền đình trung ương bao gồm:
- Xơ vữa động mạch;
- Hạ huyết áp;
- Thoái hóa cột sống cổ.
Ngoài ra, thời tiết thay đổi, nhiễm độc từ thuốc, thực phẩm, hóa chất… hay các rối loạn tuần hoàn não, tăng huyết áp, các bệnh u dây thần kinh số 8, u não, u tiểu não… cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.

Rối loạn tiền đình khám khoa nào?
Rối loạn tiền đình khám khoa nào để có kết quả chính xác? Chóng mặt là biểu hiện của nhiều bệnh, trong đó có một số bệnh lý nguy hiểm như: Tăng huyết áp, hạ huyết áp, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não… Nếu nhận thấy có dấu hiệu chóng mặt, mất thăng bằng kèm theo mắt nhìn mờ, đầu đau nhức bất thình lình, chân tay run, cảm giác lảo đảo muốn ngã… có thể bạn đã bị rối loạn tiền đình.
Là bệnh lý thuộc nhóm bệnh thần kinh nên để thăm khám và điều trị rối loạn tiền đình, bạn cần đến gặp bác sĩ tại chuyên khoa Thần kinh. Đây là chuyên khoa có ở tất cả các bệnh viện đa khoa. Việc thăm khám tại chuyên khoa này còn giúp bác sĩ phân biệt và loại trừ các bệnh lý cấp cứu của hệ thần kinh khác liên quan đến huyết áp, tai biến và chấn thương sọ não. Để đưa ra chẩn đoán chính xác, người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như: Xét nghiệm máu, chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ… Vì vậy, khi bạn có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc rối loạn tiền đình, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở y tế để được khám, chữa trị.

Bên cạnh đó, nếu đang điều trị rối loạn tiền đình, bạn cũng cần tái khám theo lịch chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp (nếu cần thiết).
Quy trình thăm khám rối loạn tiền đình
Sau khi biết rối loạn tiền đình khám khoa nào chắc hẳn nhiều người bệnh cũng quan tâm muốn biết quy trình thăm khám bệnh lý này. Quy trình thăm khám rối loạn tiền đình cụ thể như sau:
Khám lâm sàng
Bao gồm các bước: Thăm hỏi bệnh nhân về triệu chứng, các thói quen, bệnh sử. Sau đó tiến hành nghe tim, phổi và kiểm tra phản xạ, khả năng giữ thăng bằng cũng như kiểm tra động mạch cổ… Bác sĩ có thể xác định được các bệnh lý và mức độ rối loạn tiền đình thông qua các nghiệm pháp sau:
- Nghiệm pháp căn cứ vào các triệu chứng chóng mặt: Là biểu hiện đặc trưng của rối loạn tiền đình nhưng chóng mặt trong trường hợp này thường có nhiều điểm khác biệt so với chóng mặt vì những nguyên do khác. Do đó, để đưa ra nhận định chính xác bác sĩ phải là người vững chuyên môn.
- Nghiệm pháp khám dựa vào biểu hiện rung giật nhãn cầu: Bác sĩ tiến hành chẩn đoán dựa trên đặc điểm của biểu hiện này như: Hướng, chiều hoặc mức độ rung giật như thế nào.
- Dựa trên biểu hiện rối loạn thăng bằng: Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân đi bộ, đứng thẳng, giơ hai tay thẳng hoặc bước đi hình sao… từ đó chẩn đoán xác định bệnh.
- Sử dụng nhiệt: Là một nghiệm pháp đơn giản, dễ thực hiện bằng cách sử dụng nước ấm 44℃ hoặc nước lạnh 33℃ để bơm vào tai. Sau đó tiến hành đánh giá thông qua các đáp ứng của nhãn cầu.
- Sử dụng ghế xoay: Là nghiệm pháp thường được áp dụng để khảo sát chức năng của tiền đình hai bên ở những người bệnh bị điếc hoàn toàn.
- Nghiệm pháp Nylen-Bárány: Đây là nghiệm pháp để chẩn đoán ở những người có biểu hiện chóng mặt nhẹ, lành tính với mục đích tăng triệu chứng rối loạn tiền đình.

Khám cận lâm sàng
Dựa vào kết quả khám lâm sàng, để kiểm tra chắc chắn hơn các nhận định bác sĩ có thể chỉ định một số chẩn đoán cận lâm sàng. Thông thường, các chẩn đoán người bệnh cần thực hiện khi nghi ngờ bị rối loạn tiền đình bao gồm:
- Xét nghiệm máu giúp kiểm tra lượng hồng cầu, chức năng gan thận và một số yếu tố khác;
- Đo lưu huyết não;
- Đo điện não đồ;
- Chụp X-quang;
- Chụp cộng hưởng từ MRI.
Khi nhận được kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng và tư vấn cho bạn phương pháp điều trị phù hợp.
Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc rối loạn tiền đình khám khoa nào mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn. Cần nhớ rằng, được phát hiện càng sớm thì việc điều trị bệnh càng đơn giản và hiệu quả. Do đó, bạn nên chủ động liên hệ với bác sĩ từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Đồng thời, chọn những cơ sở y tế chất lượng, có chuyên khoa Thần kinh uy tín để quá trình thăm khám, điều trị rối loạn tiền đình đạt hiệu quả cao nhất.
- Rối loạn tiền đình khám ở bệnh viện nào uy tín, chất lượng?
- Rối loạn tiền đình ăn trái cây gì để cải thiện sức khỏe?
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.