Người có rối loạn nhân cách chống đối xã hội có hành động trái pháp luật, lừa dối, bóc lột, liều lĩnh vì lợi ích hoặc sự thích thú cá nhân và không hối hận. Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội và những điều cần biết nhé.
Tổng quan chung
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD – Antisocial personality disorder) là một bệnh lý phức tạp và khó chẩn đoán được từ thời thơ ấu. Người bệnh thường trải qua một thời gian dài, khi những suy nghĩ rối loạn đã “ăn sâu” và trở nên cứng nhắc. Người bệnh gây ra những hành vi vô trách nhiệm, phạm pháp nhưng không hề có cảm giác hối hận về hành động của mình. Nói cụ thể hơn đó là sự chống đối luật pháp, lừa dối và thao túng chỉ vì những lợi ích của bản thân.
Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, môi trường sống và di truyền được đánh giá là những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến sự phát triển rối loạn nhân cách chống đối. Người bệnh có thể đã phải trải qua bệnh lý tâm thần khi còn nhỏ hoặc phải chịu những nỗi ám ảnh từ thời thơ ấu, chẳng hạn như bị bố mẹ bỏ rơi, bị lạm dụng tình dục, bị bóc lột sức lao động,..
Đây là căn bệnh khá nhạy cảm vì thuật ngữ để chỉ bệnh như “chống đối xã hội” mang ý nghĩa tiêu cực, liên quan đến chuẩn mực đạo đức. Vì thế, khi chưa có sự khẳng định của bác sĩ chuyên khoa Tâm thần thì không nên gán cho ai đó chứng bệnh này.
Triệu chứng
Các triệu chứng ban đầu của rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể xuất hiện ở thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Những hành vi xuất hiện trước 18 tuổi có liên quan đến chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội sau này bao gồm:
- Thể hiện sự tàn ác với động vật
- Cố tình phóng hỏa
- Thường xuyên phá vỡ các quy tắc mà không có lý do rõ ràng
- Bắt nạt người khác
- Trộm cắp
- Phá hoại
- Gặp khó khăn trong việc kết bạn
Ở tuổi trưởng thành, những người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể cố ý làm hại người khác nhưng họ không hề thấy tội lỗi hay hối hận về những tổn hại mà họ gây ra. Các hành vi khác liên quan đến rối loạn nhân cách bao gồm:
- Thường xuyên nói dối
- Hành động bốc đồng
- Tâng bốc người khác để đạt được một điều nào đó
- Thường xuyên đánh nhau
- Có hành vi tấn công thể chất hoặc tình dục
- Thể hiện niềm vui trong sự đau khổ của người khác
Nguyên nhân
Nguyên nhân của rối loạn nhân cách chống đối xã hội như:
- Cả hai yếu tố di truyền và môi trường (ví dụ: bị cha mẹ bạo hành, nuông chiều quá mức, bạo lực học đường,…) đều góp phần vào sự phát triển của rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Một cơ chế có thể là sự hiếu chiến mang tính xung động, liên quan đến chức năng vận chuyển serotonin bất thường. Không quan tâm đến sự đau đớn của người khác trong thời thơ ấu có liên quan với hành vi chống đối xã hội vào giai đoạn sau của thời kì thanh thiếu niên.
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội phổ biến hơn trong số những họ hàng bậc 1 của bệnh nhân so với trong dân số chung. Nguy cơ phát triển rối loạn này tăng lên ở cả trẻ được nhận nuôi và cả trẻ là con đẻ của cha mẹ có rối loạn.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Từng bị lạm dụng khi còn nhỏ
- Cha mẹ mắc chứng rối loạn nghiện rượu hoặc ma túy
- Cha mẹ mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội
- Gia đình bất hòa không hạnh phúc
- Do gen
- Cuộc sống nghèo khó
Chẩn đoán
Để chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội, bệnh nhân phải có:
- Sự coi thường quyền lợi của người khác
Nó được xác định bởi sự có mặt của ≥ 3 trong số những rối loạn sau đây:
- Không quan tâm đến luật pháp, được thể hiện bằng cách liên tục thực hiện các hành vi bị bắt giữ
- Lừa dối, được thể hiện bằng cách nói dối lặp đi lặp lại, sử dụng các bí danh, hoặc chỉ huy người khác để đạt được lợi ích hoặc sự thích thú cá nhân
- Hành động bốc đồng hoặc không có kế hoạch trước
- Dễ dàng bị khiêu khích hoặc kích động, được thể hiện bởi việc liên tục đánh nhau hoặc tấn công người khác
- Không quan tâm đến sự an toàn của họ hoặc sự an toàn của người khác
- Liên tục hành động vô trách nhiệm, được thể hiện bằng cách bỏ việc mà không có kế hoạch cho một công việc khác hoặc không thanh toán hóa đơn
- Không cảm thấy hối hận, được biểu hiện bởi sự thờ ơ hoặc hợp lý hóa việc gây tổn thương hoặc ngược đãi người khác
Ngoài ra, bệnh nhân phải có bằng chứng chứng minh rằng một rối loạn hành vi đã xuất hiện từ 15 tuổi. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội được chẩn đoán chỉ ở người ≥ 18 tuổi.
Chẩn đoán phân biệt
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội nên được phân biệt với những rối loạn sau:
- Rối loạn sử dụng chất: Xác định liệu sự bốc đồng và thiếu trách nhiệm là do rối loạn sử dụng chất hoặc do rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể là một việc khó khăn nhưng có thể dựa trên việc xem xét lại tiền sử của bệnh nhân, bao gồm cả tiền sử từ nhỏ, để kiểm tra giai đoạn không sử dụng chất. Đôi khi rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể được chẩn đoán dễ dàng hơn sau khi rối loạn sử dụng chất đồng thời được điều trị, nhưng rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể được chẩn đoán ngay cả khi có biểu hiện của rối loạn sử dụng chất.
- Rối loạn hành vi: Rối loạn hành vi có một khuôn mẫu phổ biến tương tự của việc vi phạm các chuẩn mực và quy tắc xã hội, nhưng rối loạn hành vi phải xuất hiện trước tuổi 15.
- Rối loạn nhân cách ái kỷ: Bệnh nhân đều có sự tương tự về tính khai thác và thiếu sự đồng cảm, nhưng họ không có khuynh hướng hung hăng và lừa dối như xảy ra trong rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
- Rối loạn nhân cách ranh giới: Bệnh nhân có sự tương tự về sự thao túng nhưng làm như vậy để được nuôi dưỡng hơn là nhận được những gì họ muốn (ví dụ, tiền, quyền lực) như xảy ra trong rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
Phòng ngừa bệnh
- Hiện tại không có cách nào để ngăn chặn rối loạn nhân cách chống đối xã hội, mặc dù những thay đổi xã hội nhằm giảm thiểu các yếu tố rủi ro, chẳng hạn như nghèo đói và lạm dụng trẻ em, có thể giúp giảm số lượng người mắc chứng rối loạn này.
- Phát hiện và can thiệp sớm cũng có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của rối loạn này và tác hại mà tình trạng này có thể gây ra cho gia đình và bạn bè.
Điều trị
Hiện nay, để điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội, có thể áp dụng những phương pháp sau:
Đối với trẻ em
- Việc can thiệp điều trị sớm có thể mang đến những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, những liệu pháp tâm lý có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến khi trưởng thành nên cần cân nhắc kỹ và áp dụng những biện pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
- Liệu pháp tâm lý cần được can thiệp sớm để nâng cao hiệu quả điều trị.
Đối với người lớn
- Có thể áp dụng thuốc điều trị triệu chứng kết hợp với các liệu pháp tâm lý. Bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú, nhưng với những trường hợp đã gây biến chứng thì cần nhập viện, chẳng hạn như cai nghiện chất kích thích hoặc những trường hợp có hành vi tự sát.
- Người bệnh mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể gây ra áp lực và gánh nặng cho mọi người xung quanh. Vì thế, cần điều trị sớm để giúp bệnh nhân có thể hòa nhập với cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là một bệnh lý phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người bệnh và những người xung quanh. Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng để giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu tác động tiêu cực lên gia đình và xã hội. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu của ASPD, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế. Sự kiên nhẫn và hỗ trợ từ người thân sẽ là nguồn động viên lớn giúp người bệnh vượt qua khó khăn. Hãy luôn chăm sóc sức khỏe tâm thần của mình và nhớ rằng, chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn trên hành trình này.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.