Tổng quan chung
Rối loạn ngôn ngữ là một loại rối loạn về giao tiếp. Trẻ mắc bệnh này thường gặp khó khăn để hiểu và giao tiếp hằng ngày. Ngoài ra, trẻ cũng gặp khó khăn với việc viết và trình bày bằng chữ viết.
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ được chia thành 2 dạng là:
- Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận: Trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu những gì mà mình nghe và đọc.
- Rối loạn ngôn ngữ biểu đạt: Ở dạng này, có thể trẻ hiểu vấn đề nhưng lại cảm thấy khó khăn khi nói, diễn đạt và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Triệu chứng
Bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ có thể bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt, rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận hay cả hai. Bạn hãy tham khảo những triệu chứng sau để hiểu rõ hơn về hai dạng rối loạn ngôn ngữ này.
Triệu chứng rối loạn ngôn ngữ diễn đạt
Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt là khi khả năng nói hay viết của người bệnh bị ảnh hưởng. Những ai mắc chứng này thường gặp vấn đề trong việc nhớ từ vựng, ngữ pháp và chọn từ. Một triệu chứng dễ thấy là người bệnh thường dùng những từ như “ờm”, “ừm” khi không kiếm được từ ngữ phù hợp.
Một số triệu chứng khác của rối loạn ngôn ngữ diễn đạt bao gồm:
- Bỏ mất chữ khi nói
- Nói sai thứ tự từ trong câu
- Khả năng thành lập câu bị hạn chế
- Lặp lại câu hỏi khi suy nghĩ câu trả lời
- Giảm khả năng xây dựng một cuộc đối thoại
- Vốn từ vựng ít hơn so với những người cùng trang lứa
- Giảm khả năng sử dụng từ ngữ và kết nối các câu để giải thích hoặc mô tả một cái gì đó
- Không xác định đúng thời gian xảy ra các hành động trong câu nói (ví dụ như “đang ăn” nói thành “đã ăn”)
Triệu chứng rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận
Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận là khi bạn không thể tiếp thu hay hiểu thông tin mình nghe được. Điều này có thể khiến sinh hoạt hằng ngày ở trường, nơi làm hay ở nhà trở nên khó khăn.
Ví dụ như một bé 18 tháng tuổi không thể làm theo những hướng dẫn đơn giản như “nhặt đồ chơi lên”, “ngồi xuống” hay “đi vào phòng” thì có thể đã mắc rối loạn ngôn ngữ. Bé trên 30 tháng tuổi không trả lời những câu hỏi của người khác bằng lời nói hoặc bằng cách gật hay lắc đầu cũng là một dấu hiệu của rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận.
Giao tiếp hiệu quả là một phần quan trọng của việc hình thành các mối quan hệ trong xã hội. Những triệu chứng của rối loạn ngôn ngữ nếu không được chữa trị sẽ dẫn đến trầm cảm và các vấn đề về hành vi khác.
Nguyên nhân gây bệnh
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ có thể xuất phát từ ba nguyên nhân chính, bao gồm các hội chứng bệnh bẩm sinh, rối loạn phát âm và rối loạn giọng nói.
Do yếu tố bẩm sinh
- Rối loạn não bộ: Trẻ có thể trải qua rối loạn ngôn ngữ nếu họ mắc chứng rối loạn não bộ như tự kỷ hoặc các bệnh tương tự.
- Chấn thương não hoặc u não: Rối loạn ngôn ngữ có thể xuất phát từ các chấn thương não hoặc u não mà trẻ đã trải qua.
- Dị tật bẩm sinh: Trẻ sinh ra với các dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, bại não,…các dị tật trên khiến trẻ gặp vấn đề lớn về rối loạn ngôn ngữ.
- Thai kỳ không lành mạnh: Trẻ có thể bị rối loạn ngôn ngữ nếu thai kỳ của bé không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng hoặc mẹ bầu lạm dụng chất kích thích trong thời kỳ mang thai, trẻ sinh non, sinh thiếu tháng.
- Tiền sử gia đình: Nếu có thành viên trong gia đình trẻ mắc các rối loạn ngôn ngữ thì khả năng trẻ cũng có thể mắc bệnh tương tự sẽ tăng
Do rối loạn phát âm
Rối loạn phát âm, còn gọi là hiện tượng “nói lắp”, thường xảy ra khi trẻ lặp đi lặp lại một cụm từ mà không thể kiểm soát, dẫn đến việc nói nhiều mà không có nghĩa. Một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, có thể kể đến:
- Thường xuyên trải qua căng thẳng cảm xúc.
- Bị chấn thương não hoặc nhiễm trùng não.
- Các bộ phận liên quan đến não và hệ thần kinh bị tổn thương, làm cho các cơ quá trình nói bị khó khăn và không hoạt động bình thường.
- Mất thính giác có thể gây ra hiện tượng này.
Do rối loạn giọng nói
Khác với rối loạn phát âm, rối loạn giọng nói xảy ra khi trẻ không thể phát âm đúng được từ ngữ mình muốn diễn đạt. Từ đó dẫn đến tình trạng trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, diễn đạt kém. Một số nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể kể đến:
- Dạ dày bị trào ngược.
- Các vấn đề liên quan tới khoang miệng, hở hàm ếch.
- Tổn thương dây thanh quản, khiến âm thanh phát ra không chuẩn, khó phát âm.
Đối tượng nguy cơ
- Nếu trẻ nhỏ ít khi được tiếp xúc với người thân, không được nghe những người xung quanh giao tiếp, trò chuyện thì sẽ rất khó để có thể phát triển tốt về ngôn ngữ.
- Bên cạnh đó, những trẻ sinh non sẽ dễ gặp phải nhiều vấn đề về phát triển, trong đó có tình trạng rối loạn ngôn ngữ.
- Gia đình có những thành viên đã từng bị khiếm khuyết về mặt ngôn ngữ.
Chẩn đoán
Bài kiểm tra sàng lọc cách phát âm
Denver là hệ thống xét nghiệm thông dụng nhất để chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ. Bài kiểm tra này đánh giá sự rõ ràng trong cách phát âm ở trẻ em từ 2 đến 7 tuổi. Bài kiểm tra 5 phút này sử dụng các bài tập khác nhau để đánh giá cách nói của trẻ.
Các giai đoạn phát triển về ngôn ngữ sơ khai mức 2
Bài kiểm tra này xác định sự phát triển ngôn ngữ của đứa trẻ. Thử nghiệm này có thể nhanh chóng xác định những rối loạn ngôn ngữ hoặc sự phát triển ngôn ngữ chậm trễ.
Bài kiểm tra từ vựng bằng hình ảnh Peabody
Bài kiểm tra này đánh giá vốn từ vựng và khả năng nói của một người. Người đó sẽ lắng nghe những từ khác nhau và chọn những hình ảnh để mô tả lại từ đó. Những người có khiếm khuyết về trí tuệ nghiêm trọng và những người mù sẽ không thể thực hiện đánh giá này. Bài kiểm tra từ vựng bằng hình ảnh Peabody đã được sửa đổi nhiều lần kể từ khi phiên bản đầu tiên được thực hiện vào năm 1959.
Phòng ngừa bệnh
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sự phát triển của các bé. Để phòng tránh tình trạng này, ba mẹ nên chủ động có những biện pháp từ sớm, đừng đợi đến khi con bị rối loạn ngôn ngữ mới lo đi chữa.
- Trong giai đoạn trẻ tập nói (0 – 3 tuổi), hãy hạn chế tối đa việc cho trẻ xem tivi, điện thoại, máy tính bảng…. vì việc tập trung ngồi trước màn hình điện tử quá lâu khiến con không có thời gian giao tiếp với mọi người xung quanh, chỉ biết tiếp nhận thông tin qua những gì mà con nhìn thấy trên tivi, điện thoại. Khi trẻ ngồi xem con cũng chỉ biết xem chứ không nói chuyện nên sẽ hạn chế khả năng học nói và luyện tập việc nói, từ đó có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.
- Mỗi ngày, hãy dành thời gian để vui chơi, trò chuyện và hát cùng con để tạo nhiều cơ hội cho con được nói.
- Trong trường hợp con ít nói, nói không rõ… thì đừng trách mắng hay tạo áp lực cho con, hãy khuyến khích và động viên để con cố gắng hoàn thiện hơn.
- Nếu con bị rối loạn ngôn ngữ, chậm nói… ba mẹ có thể đưa con đi khám bác sĩ để bác sĩ chẩn đoán tình trạng của con cũng như đưa ra biện pháp can thiệp sớm để con nhanh chóng được hòa nhập với mọi người và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
Điều trị như thế nào?
Những bệnh nhân rối loạn cần sự hợp tác điều trị của người nhà, thầy cô, chuyên gia ngôn ngữ và bác sĩ. Sau đây là những cách điều trị rối loạn ngôn ngữ mà bạn nên thực hiện càng sớm càng tốt:
Kiểm tra sức khỏe
Việc đầu tiên cần làm khi phát hiện triệu chứng rối loạn ngôn ngữ là đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để kiểm tra thể chất. Điều này sẽ giúp loại trừ các bệnh có liên quan như vấn đề về thính giác hoặc suy giảm giác quan khác.
Âm ngữ trị liệu
Phương pháp điều trị phổ biến cho chứng rối loạn ngôn ngữ là âm ngữ trị liệu. Cách điều trị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, nguyên nhân và mức độ rối loạn của người bệnh. Quá trình trị liệu sớm thường sẽ mang lại những kết quả khả quan hơn.
Chăm sóc tại nhà
Người thân có thể giúp đỡ người bệnh tại nhà bằng các cách như:
- Kiên nhẫn chờ đợi người bệnh tìm câu trả lời
- Giữ sự thoải mái để giảm bớt lo lắng cho người bệnh
- Nói rõ ràng, chậm rãi và chính xác khi đặt câu hỏi cho người bệnh
- Yêu cầu người bệnh nhắc lại hướng dẫn bạn vừa nói bằng từ của riêng họ
Nếu bạn có con bị rối loạn ngôn ngữ ở độ tuổi đi học, bạn nên liên hệ với giáo viên của trẻ để thảo luận về các hoạt động trong lớp.
Tâm lý trị liệu
Những khó khăn trong giao tiếp với mọi người có thể gây tâm lý khó chịu, ức chế và thậm chí có thể dẫn đến một số hành vi vượt ngoài tầm kiểm soát. Vậy nên, bệnh nhân có thể cần đến bác sĩ tâm lý trị liệu để cân bằng cảm xúc và hành vi.
Chứng rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, quá trình học tập và hiệu quả công việc của người bệnh. Tuy nhiên, việc ngừa chứng này rất khó khăn vì nguyên nhân gây bệnh thường không rõ ràng. Cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia ngôn ngữ hay tâm lý, bạn sẽ có thể từng bước vượt qua hoặc giúp người thân cải thiện tình hình khả quan hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.