Rối loạn khí sắc là vấn đề sức khỏe liên quan đến sự căng thẳng quá mức. Mỗi người bệnh sẽ có những phản ứng khác nhau phụ thuộc vào những yếu tố như tính chất sự việc gây căng thẳng, tính cách và kinh nghiệm sống của bệnh nhân. Chúng ta có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Trong tâm thần học, đôi khi sử dụng thuật ngữ cảm xúc và khí sắc với những ý nghĩa gần tương đồng nhau. Tuy nhiên đây là hai trạng thái có sự khác biệt nhất định.
- Cảm xúc là một trạng thái biểu hiện tạm thời và ngắn ngủi như giận dữ, vui, buồn, hờn dỗi,…
- Khí sắc lại là tâm trạng, tính khí thể hiện cho một trạng thái tình cảm kéo dài bền vững và có cường độ mạnh mẽ hơn.
Khí sắc của con người được xem như một trương lực tình cảm, chúng sẽ bắt đầu dao động từ mức khí sắc cao như hưng phấn, vui vẻ, phấn khích cho đến những mức thấp hơn như buồn bã, chán nản, ủ rũ.
Rối loạn khí sắc là một trạng thái bệnh lý biểu hiện bằng các rối loạn trầm cảm đơn thuần xen kẽ với những rối loạn khí sắc chu kỳ biểu hiện ở mức độ cao kéo dài trong một thời gian hoặc các rối loạn hưng cảm hoặc những rối loạn hành vi, tác phong một cách rõ rệt. Những hoạt động này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, làm cho họ dần mất khả năng hoạt động và khó có thể thích ứng được với môi trường xung quanh.
Triệu chứng
Biểu hiện hay triệu chứng giúp bạn nhận biết được rối loạn khí sắc chu kỳ còn phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người. Tuy nhiên, căn bệnh thường được thể hiện ra ngoài qua các hành động, năng lượng tiêu cực.
- Người bệnh thường cảm thấy buồn bã vu vơ, không có cảm hứng để làm bất kỳ một công việc gì, kể cả những việc đã thích và đam mê trước đó.
- Tinh thần luôn luôn ở trong trạng thái căng thẳng, bồn chồn và không thể chịu đựng được.
- Những tác động nhỏ cũng có thể khiến người bệnh cảm thấy bất an, tự ti và tránh né. Các hoạt động xã hội, tập thể nơi đông người sẽ là những điều khiến họ lo sợ, ám ảnh.
- Người bệnh thường gặp khó khăn trong sinh hoạt mỗi ngày, quên đi cảm giác thèm ăn, trở nên khó ngủ và không thể tập trung làm bất kỳ việc gì.
- Đối với những người gặp tình trạng nặng hơn, hành vi tự sát là một trong những biểu hiện có thể xuất hiện.
Những triệu chứng này thường kéo dài trong vòng 3 tháng khi người bệnh gặp phải sự kiện tiêu cực. Thời gian kéo dài của bệnh không nên quá 6 tháng. Nếu nghi ngờ bản thân có những dấu hiệu của bệnh, người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được hỗ trợ điều trị kịp thời.
Nguyên nhân
Rối loạn khí sắc được gây ra bởi những thay đổi đáng kể hoặc căng thẳng trong cuộc sống. Di truyền học, kinh nghiệm sống và tính cách của bạn có thể làm tăng khả năng mắc chứng rối loạn khí sắc.
Ngoài ra có một số yếu tố nguy cơ gây rối loạn sắc khí sau:
- Sự kiện gây căng thẳng: Bao gồm cả tích cực và tiêu cực, có thể khiến bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn khí sắc. Ví dụ:
- Vấn đề ly hôn hoặc hôn nhân.
- Vấn đề liên quan đến các mối quan hệ.
- Thay đổi điều kiện sống như nghỉ hưu, sinh con hoặc đi học.
- Các tình huống bất lợi như mất việc, mất người thân hoặc gặp vấn đề tài chính.
- Vấn đề ở trường hoặc tại nơi làm việc.
- Bị đe dọa tính mạng, như tấn công vật lý, chiến đấu hoặc thiên tai.
- Những yếu tố gây căng thẳng đang diễn ra, chẳng hạn như mắc bệnh hoặc sống trong một khu phố đầy rẫy tội phạm.
- Kinh nghiệm sống: Có thể tác động đến cách bạn đối phó với căng thẳng. Nguy cơ phát triển rối loạn khí sắc có thể tăng lên nếu bạn:
- Trải qua căng thẳng trầm trọng trong thời thơ ấu.
- Có vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
- Có nhiều sự việc khó khăn xảy ra cùng một lúc.
Đối tượng nguy cơ
- Người vừa ly hôn.
- Người có những mâu thuẫn liên quan đến các mối quan hệ.
- Người có thay đổi lớn về điều kiện sống như sinh con, trẻ bắt đầu đến trường, người già trong thời gian nghỉ hưu,…
- Người đang gặp phải một số vấn đề về lớn như mất việc, nỗi đau mất người thân và những vấn đề về tài chính.
- Người bị tấn công vật lý, đe dọa tính mạng, hay phải chống lại thiên tai.
- Người mắc bệnh hay sống trong môi trường có nhiều tội phạm.
- Người đã từng phải trải qua căng thẳng khi còn quá nhỏ.
- Người mắc phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần.
- Có quá nhiều sự việc khó khăn xảy ra cùng lúc khiến người bệnh khó có thể giải quyết.
Chẩn đoán
Tiêu chuẩn chẩn đoán của trầm cảm theo ICD-10F (1992):
Giai đoạn rối loạn trầm cảm điển hình bao gồm:
- Có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng chủ yếu là:
- Khí sắc trầm cảm.
- Mất mọi quan tâm và thích thú.
- Giảm năng lượng dẫn đến mệt mỏi và giảm hoạt động.
- Có ít nhất 3 triệu chứng phổ biến khác là:
- Giảm tập trung chú ý.
- Giảm tự trọng và lòng tự tin.
- Những ý tưởng bị tội và không xứng đáng.
- Nhìn tương lai ảm đạm và bi quan.
- Có ý tưởng và hành vi tự sát.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Ăn không ngon miệng.
Chú ý:
Thời gian tồn tại ít nhất là 2 tuần.
Không phải là hậu quả của nghiện rượu, ma túy, chấn thương sọ não.
Mức độ nặng của trầm cảm:
- Trầm cảm nhẹ: có 5-6 triệu chứng (vừa đủ chẩn đoán trầm cảm), các chức năng xã hội, nghề nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa trầm trọng.
- Trầm cảm vừa: có 7-8 triệu chứng, các chức năng xã hội nghề nghiệp bị ảnh hưởng rất rõ ràng.
- Trầm cảm nặng: có 9-10 triệu chứng, các chức năng xã hội, nghề nghiệp của bệnh nhân bị ảnh hưởng trầm trọng. Trầm cảm nặng được chia thành:
- Trầm cảm nặng không loạn thần
- Trầm cảm nặng có loạn thần: loạn thần phù hợp với khí sắc (hoang tưởng nghi bệnh, hoang tưởng tự buộc tội), loạn thần không phù hợp với khí sắc (hoang tưởng bị hại, hoang tưởng bị chi phối).
Tiêu chuẩn chẩn đoán cho giai đoạn hưng cảm
Khí sắc tăng, kéo dài ít nhất 1 tuần.
Có thêm ít nhất 4 triệu chứng sau:
- Tăng tự tin hoặc tự cao.
- Giảm nhu cầu ngủ.
- Nói nhiều, nói liên tục.
- Bùng nổ ý nghĩ.
- Vui vẻ quá mức.
- Tăng hoạt động hoặc kích động tâm thần vận động.
- Tăng quá mức các hoạt động ưa thích.
Mức độ nặng của cơn hưng cảm:
- Nhẹ: bệnh nhân chỉ có 5 triệu chứng đủ để chẩn đoán, các triệu chứng này ít ảnh hưởng đến chức năng lao động và xã hội của bệnh nhân.
- Vừa: bệnh nhân có 6-7 triệu chứng, chức năng lao động và xã hội bị ảnh hưởng rõ ràng.
- Nặng: bệnh nhân có tất cả các triệu chứng (8), các chức năng xã hội và nghề nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng. Mức độ nặng chia làm:
- Nặng không có triệu chứng loạn thần.
- Nặng có triệu chứng loạn thần, bao gồm loạn thần phù hợp với khí sắc (hoang tưởng tự cao, hoang tưởng phát minh) và loạn thần không phù hợp với khí sắc (hoang tưởng bị hại, bị chi phối, bị theo dõi).
Phòng ngừa bệnh
- Các kỹ năng đối phó lành mạnh và học cách kiên cường có thể giúp ích trong thời gian bạn trong trạng thái căng thẳng cao.
- Nên dựa vào sức mạnh tâm hồn, tăng cường các thói quen lành mạnh và kêu gọi sự hỗ trợ từ các mối quan hệ xã hội khi đang đứng trước các tình huống gây căng thẳng như nghỉ hưu, thất nghiệp, chuyển nơi làm việc.
- Nên tự nhắc nhở bản thân rằng trạng thái căng thẳng chỉ tạm thời, nó sẽ trôi qua nhanh.
- Có thể đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để tìm cách kiểm soát trạng thái căng thẳng đang gặp phải.
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc chung:
- Điều trị các rối loạn khí sắc phải tùy thuộc vào tính chất của các rối loạn khác nhau. Hiện nay, việc điều trị chủ yếu là dùng hoá dược điều chỉnh các triệu chứng riêng lẻ, chưa có thuốc dự phòng các trạng thái bệnh lý này.
- Tùy thuộc vào khả năng trang bị kỹ thuật, thuốc men, tùy thuộc vào trình độ chuyên khoa của mỗi cơ sở, tùy thuộc vào từng trạng thái bệnh lý nhất định trên từng bệnh nhân cụ thể mà người ta áp dụng các phương pháp xử trí thích hợp. Vì vậy, cho đến nay chưa thấy có một phác đồ điều trị nào chung cho cả nhóm rối loạn này. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đấy người ta vẫn có thể khái quát được một số cách thức xử trí cụ thể.
Điều trị các rối loạn hưng cảm:
- Sử dụng các thuốc an thần và các thuốc bình thần (neuroleptics và tranquillisants):
- Các thuốc tác động đến khí sắc và vận động thường được quan tâm nhiều hơn cả. Theo các tài liệu kinh điển, chống rối loạn hưng cảm có thể dùng aminazin với liều 200 – 800mg/ngày chia làm nhiều lần.
- Có thể dùng triphtazin (stelazine) 40 – 60mg/ngày.
- Nếu có trạng thái kích động vận động và các hoang tưởng khuếch đại có thể dùng haloperidol 10-30mg/ngày.
- Nếu có rối loạn thực vật có thể cho các thuốc bình thần…
Chú ý:
- Khi bệnh thuyên giảm phải giảm liều thuốc rất từ từ, không được cắt thuốc đột ngột vì sẽ gây ra trạng thái rối loạn hưng cảm tái diễn.
- Khi xuất hiện các triệu chứng hỗn hợp, cần cắt thuốc đề phòng chuyển sang rối loạn trầm cảm.
- Sử dụng các thuốc chống loạn thần cần chú ý nâng đỡ thể trạng, bù nước và điện giải, chống bội nhiễm hô hấp, đề phòng abces tại chỗ tiêm, vệ sinh cơ thể, vệ sinh răng miệng, đề phòng trạng thái kiệt quệ về thể chất và tinh thần.
- Đề phòng các hành vi gây thương tích cho người xung quanh và đề phòng hành vi loạn dâm, cưỡng dâm do các cơn rối loạn hưng cảm gây ra.
Liệu pháp sốc điện:
- Đôi khi thuốc hướng tâm thần không đạt được hiệu quả do kháng thuốc hoặc do một nguyên nhân nào đó hạn chế tác dụng của thuốc. Khi đó người ta có thể chỉ định liệu pháp sốc điện. Việc chỉ định liệu pháp sốc điện kết hợp với liệu pháp hoá dược cũng tùy thuộc vào từng bệnh nhân, cơ sở điều trị và kinh nghiệm của thầy thuốc chuyên khoa.
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về rối loạn khí sắc.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.