Rám má – Melasma là hiện tượng tăng sắc tố da lành tính, phổ biến. Rám má thường xuất hiện ở các vùng da hở như mặt, cổ và hai cẳng tay, có tính chất đối xứng. Bệnh khiến nhiều người cảm thấy kém tự tin trong cuộc sống hàng ngày. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về rám má qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Rám má (Melasma) là bệnh rối loạn sắc tố da mạn tính, tái phát. Cơ chế bệnh sinh và căn nguyên của bệnh rám má rất phức tạp, chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Các yếu tố làm kích hoạt rám má thường gặp như là: di truyền, hormone sinh dục nữ, ánh sáng mặt trời… ảnh hưởng nhiều đến khởi phát và mức độ bệnh.
Các tổn thương trong rám má thường gặp là các dát màu nâu đen, phân bố đối xứng vị trí ở 2 bên gò má, trán và cằm. Mặc dù đây là một bệnh lý da lành tính, nhưng đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, chất lượng cuộc sống và thẩm mỹ của người bệnh, khiến người bệnh tự ti, xấu hổ trong giao tiếp hàng ngày, và đôi khi rơi vào trầm cảm.
Rám má là một bệnh rất thường gặp, nhưng hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị rám má triệt để, đây cũng là một thách thức rất lớn trong chuyên ngành da liễu.
Triệu chứng
Biểu hiện của rám má:
- Các dát tăng sắc tố màu nâu, nâu đen hoặc xanh đen
- Ranh giới không đồng đều, có tính chất đối xứng
- Thường xuất hiện ở hai bên gò má, thái dương, trán, mũi, quanh miệng, một số ít ở cánh tay
- Bằng phẳng, không ngứa, không đau
Để xác định mức độ của tình trạng rám má, chúng ta sẽ sử dụng đèn Wood chiếu lên vùng da bị rám má, từ đó xác định được loại rám má đó là: rám má thượng bì, rám má trung bì hay rám má hỗn hợp.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của sạm da cũng rất phức tạp.
- Sạm da do di truyền hay bẩm sinh
- Hội chứng Leopard: Bất thường về điện tim, hai mắt cách xa nhau, hẹp động mạch phổi, bất thường bộ phận sinh dục, phát triển chậm, điếc.
- Hội chứng Peutz-Jeghers: Đột biến nhiễm sắc thể làm xuất hiện nhiều nốt ruồi ở môi dưới cùng với polyp ở dạ dày, ruột và các mảng sắc tố trên da.
- Tàn nhang: Là các đốm màu nâu hay cà phê sữa, khu trú ở mặt hoặc lan tràn toàn thân, bệnh nặng lên về mùa xuân hè, giảm về mùa đông.
- Hội chứng Calm: Các mảng màu cà phê sữa kích thước từ 2 – 20cm, xuất hiện rất sớm đẻ ra đã có.
- Bệnh sắc tố Becker
- Bệnh nhiễm sắc tố đầu chi của Dohi
- Tăng sắc tố dạng võng đầu chi của Kitamura
- Bớt sắc tố Mông Cổ, bớt Ito, Ota
- Bệnh nhiễm sắc tố dầm dề: Do di truyền trội trên nhiễm sắc thể X, xuất hiện ngay sau đẻ, bệnh gây sạm da ở nữ giới nhưng gây chết người ở nam giới.
- Sạm da do rối loạn chuyển hóa
-
- Bệnh nhiễm sắc tố sắt: Tăng sắc tố màu thiếc hay màu đá xám, xuất hiện vùng da hở sau lan rộng ra. Bệnh thường xuất hiện ở nam giới tuổi trung niên kèm theo có gan to, tiểu đường và sắt huyết thanh cao.
- Bệnh thoái hóa bột: Tăng sắc tố có tính đối xứng xuất hiện trong bệnh Lichen và thoái hóa bột thành mảng.
- Bệnh sạm da do hóa chất hay thuốc: Hồng ban cố định nhiễm sắc.
- Do dinh dưỡng gây sạm da trong bệnh thiếu vitamin A, B12, PP: Sạm da ở vùng da hở.
- Sạm da cũng do yếu tố vật lý như cháy nắng, rám nắng ở những vùng hở bộc lộ với ánh sáng mặt trời mà không được bảo vệ.
Đôi khi sạm da còn gặp trong một số bệnh:
- Sạm da sau viêm hay nhiễm khuẩn
- Do khối u (các bớt sắc tố, u tế bào sắc tố)
- Do mắc một số bệnh hệ thống
- Nhiễm khuẩn toàn thân
- U lympho
- Bệnh gai đen
- Xơ cứng bì
- Suy thận
Đối tượng nguy cơ
Dưới đây là những yếu tố nguy cơ khiến tình trạng rám má xuất hiện nhiều hơn ở người bệnh, bao gồm:
- Dùng mỹ phẩm kém chất lượng: Hiện nay trên thị trường, rất nhiều loại mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu rõ ràng. Hơn nữa, tình trạng kem trộn được bày bán tràn lan với những công dụng vô cùng “thần thánh”. Điều đó khiến nhiều cả tin và đã sử dụng những loại sản phẩm kém chất lượng. Sử dụng những loại mỹ phẩm kém chất lượng sẽ khiến da yếu đi, gây tăng sinh sắc tố, gặp ánh nắng mặt trời sẽ sinh ra rám má.
- Tác dụng phụ của thuốc: Như thuốc tránh thai thế hệ cũ, thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm… Những nhóm thuốc này có thể gây mất cân bằng hormone trong cơ thể, kích thích tế bào melanocytes sản sinh ra các sắc tố da tối màu, hình thành các vết nám da và mảng rám má.
- Chăm sóc da không đúng cách: Nếu chị em sử dụng các sản phẩm trị mụn, mỹ phẩm nhưng không phù hợp với làn da, hoặc áp dụng sai quy trình chăm sóc có thể khiến da trở nên mỏng hơn, nhạy cảm hơn và dễ bị tác động bởi tác nhân gây sạm da như tia UV, lão hóa… và từ đó sẽ dễ hình thành các mảng rám má.
- Căng thẳng, stress kéo dài: Căng thẳng khiến cơ thể tăng hormone cortisol, đồng thời làm xáo động hormone nội tiết làm tăng nguy cơ gây rám má.
- Chứng tăng sắc tố sau viêm: Sau khi bị mụn nhọt, bỏng hoặc các bệnh về da, người bệnh nếu không chăm sóc da cẩn thận thì có thể gặp phải hiện tượng tăng sắc tố sau viêm, khiến da vùng gò má trở nên đậm màu hơn.
- Rủi ro sau bắn laser: Các liệu pháp làm đẹp như bắn laser dù có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng cũng đi kèm với rủi ro, bao gồm tình trạng kích ứng, thâm, viêm. Bên cạnh đó, da sau khi được xử lý bằng laser thường trở nên nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hơn và việc không bảo vệ da đúng cách có thể khiến tình trạng tăng sắc tố, mà dễ bị nhất chính là vùng da má.
Chẩn đoán
Chẩn đoán lâm sàng
- Các dát tăng sắc tố màu nâu, nâu đen, xanh đen. Màu sắc có thể đồng đều, có thể không.
- Ranh giới tổn thương thường không đều và có tính chất đối xứng, tổn thương nhẵn, không có vảy, không ngứa, không đau.
- Tổn thương thường khu trú ở hai bên gò má, thái dương, trán, mũi, quanh miệng. Đôi khi tổn thương còn xuất hiện ở cánh tay trên.
Dựa vào mức độ tăng sắc tố và diện tích tổn thương, người ta chia rám má thành các thể lâm sàng khác nhau:
- Thể nhẹ: tăng sắc tố nhẹ và tổn thương khu trú ở hai bên gò má.
- Thể trung bình: tăng sắc tố đậm hơn, tổn thương khu trú hai bên gò má, bắt đầu lan ra các vị trí khác.
- Thể nặng: tăng sắc tố đậm, tổn thương lan rộng ra cả thái dương, trán hoặc mũi.
- Thể rất nặng: tăng sắc tố rất đậm, tổn thương lan rộng ngoài mặt còn có thể xuất hiện ở cánh tay trên.
Dựa vào vị trí khu trú của tổn thương người ta chia ra:
- Rám má trung bì: tổn thương khu trú hoàn toàn trung bì, trên lâm sàng là các dát sắc tố xanh, xanh đen, bờ thường rõ, kích thước nhỏ.
- Rám má hỗn hợp: tổn thương khu trú ở cả thượng bì và trung bì, trên lâm sàng các dát tăng sắc tố có màu không đồng đều, chỗ vàng nâu, chỗ nâu đen, xanh đen, xen kẽ nhau.
Chẩn đoán cận lâm sàng
- Xác định vị trí khu trú của tổn thương: dùng một đèn Wood chiếu lên tổn thương vùng mặt trong bóng tối, nếu tổn thương tăng đậm hơn so với nhìn bằng mắt thường thì rám má khu trú ở thượng bì. Nếu tổn thương mờ đi so với nhìn bằng mắt thường thì rám má khu trú ở trung bì, nếu khi chiếu có tổn thương tăng đậm hơn, có tổn thương mờ đi so với bằng mắt thường thì rám má khu trú ở cả thượng bì và trung bì, gọi là rám má hỗn hợp.
- Mô bệnh học của tổn thương:
- Độ dày của thượng bì là hoàn toàn bình thường.
- Tăng sắc tố ở các lớp tế bào thượng bì.
- Số lượng tế bào sắc tố bình thường hoặc tăng nhẹ.
- Có thể thấy tế bào đại thực bào chứa các hạt sắc tố ở trung bì.
- Các xét nghiệm về nội tiết: định lượng các hormon tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến yên, hormon buồng trứng nếu thấy cần thiết cho từng nguyên nhân.
Chẩn đoán xác định
Chủ yếu dựa vào lâm sàng với các đặc điểm sau:
- Thương tổn cơ bản là các dát tăng sắc tố màu nâu, màu nâu đen hoặc xanh đen.
- Ranh giới rõ với da lành.
- Vị trí ở hai bên gò má, trán.
Chẩn đoán phân biệt
- Tăng sắc tố sau viêm: sau khi viêm ở mặt xuất hiện chất tăng sắc tố, các chất sắc tố có màu nâu, hay nâu đen thường tương xứng với tổn thương và không có tính chất đối xứng.
- Bớt tăng sắc tố:
- Có từ lúc mới đẻ hoặc từ khi còn nhỏ.
- Không có tính chất đối xứng.
- Có yếu tố gia đình.
- Tổn thương lớn dần lên theo tuổi.
- Tăng sắc tố do các bệnh da khác: Ngoài tổn thương ở mặt, các dát sắc tố còn có ở các vị trí khác của cơ thể.
Phòng ngừa bệnh
Để hạn chế bệnh, bạn cần thực hiện:
- Bảo vệ da bằng đội mũ rộng vành, đeo kính, áo dài tay, áo chống nắng khi ra nắng.
- Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài trời 30 phút.
- Không sử dụng thuốc tránh thai.
- Điều trị các ổ viêm nhiễm.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe phát hiện các rối loạn nội tiết trong cơ thể để chỉnh kịp thời.
- Sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, ăn nhiều hoa quả, thức ăn có nhiều vitamin và khoáng chất.
- Hạn chế sử dụng mỹ phẩm, các chất tẩy rửa ở mặt.
Điều trị như thế nào?
Để điều trị rám má thì nguyên tắc là phải điều trị theo nguyên nhân:
- Nếu do bẩm sinh, di truyền: Hiệu chỉnh trong cấu trúc gen bệnh.
- Sạm da do nhiễm khuẩn hay viêm: Dùng kháng sinh và thuốc chống viêm.
- Cháy nắng, rám nắng khi đi ra ngoài trời có biện pháp bảo vệ bằng kem chống nắng, áo dài tay, mũ rộng vành, kính…
- Sạm da do hóa chất hay thuốc thì không được sử dụng thuốc hay hóa chất gây sạm da nữa, các khối u thì bằng phẫu thuật hay laser loại bỏ, sạm da do rối loạn nội tiết phải dùng thuốc điều hòa nội tiết…
- Điều trị rám má và các sạm da khu trú: Hydroquinon 2 – 4%, acid Azelaic, vitamin A acid, corticoid, kem chống nắng với thời gian điều trị ít nhất là 6 tháng, các thuốc này có thể bôi đơn thuần hay phối hợp với 1 hoặc 2 loại khác nhau tùy theo chỉ định của thầy thuốc.
- Kết hợp dùng một đợt kháng sinh phổ rộng nếu có viêm nhiễm (viêm phần phụ, viêm xoang, họng, ổ nhiễm trùng sâu…).
- Phối hợp với các biện pháp khác như: Ngừng dùng thuốc tránh thai nếu như đang sử dụng, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và sử dụng các biện pháp bảo vệ khác khi ra nắng.
Trong một số trường hợp đặc biệt, khi các vết sạm da mà ở sâu dưới trung, hạ bì thì phải kết hợp điều trị hóa chất như đã nói ở trên với các phương pháp khác như siêu mài mòn, điều trị bằng laser mới cho hiệu quả mong muốn.
Trên đây là những chia sẻ về rám má. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.