Tập bò là phương pháp đầu tiên để bé tự mình đi di chuyển một cách hiệu quả. Bé sẽ bắt đầu bằng cách học cách giữ thăng bằng trên tay và đầu gối. Sau đó, trẻ sẽ tìm ra cách di chuyển về phía trước và phía sau bằng cách đẩy người tới bằng đầu gối. Đồng thời, trẻ sẽ củng cố các cơ ở phần chi dưới giúp trẻ sớm có thể đi bộ. Việc đạt được cột mốc này sẽ giúp trẻ có thể khám phá được thế giới xung quanh nhiều hơn và giúp trẻ phát triển toàn diện.
Trẻ mấy tháng biết bò? Trẻ chậm tập bò có sao không?
Hầu hết trẻ sẽ tập bò trong độ tuổi từ 6 tháng đến 12 tháng. Một số em bé sử dụng một phương pháp vận động khác trong khoảng thời gian này – chẳng hạn như trườn (xoay người hoặc lăn), nằm sấp hoặc lăn.
Việc bò bằng tay và đầu gối là rất quan trọng để phát triển khả năng phối hợp giữa các chi hai bên, phối hợp chi trên và chi dưới, giúp hỗ trợ sự phát triển thần kinh quan trọng cho việc đọc và viết sau này. Ngoài ra, cảm giác bàn tay và đầu gối chống lại mặt đất cung cấp nhận thức thiết yếu về “cơ thể trong không gian”. Và nó tăng cường sức mạnh cho cơ vai, hỗ trợ các kỹ năng vận động tốt khác như tự xúc thức ăn, mặc quần áo và cầm bút màu hoặc bút chì.
Tuỳ thuộc vào từng cơ địa của mỗi bé mà tốc độ phát triển vận động sẽ có sự khác nhau. Do đó sẽ có những bé phát triển và biết bò sớm; ngược lại cũng có những trẻ chậm biết bò. Vậy trẻ chậm biết bò có sao không? Trên thực tế, đây là điều bình thường, không quá nguy hiểm tới sức khoẻ của bé. Do đó ba mẹ không cần quá lo lắng về vấn đề này.
Tuy nhiên trong trường hợp bé chậm bò hoặc trốn bò kèm theo các biểu hiện bất thường dưới đây; ba mẹ nên đưa bé tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để thăm khám:
- Bé không có phản ứng cử động tay chân hay di chuyển khi cơ thể bị chạm vào
- Bé gặp nhiều khó khăn trong việc nâng đỡ cơ thể.
- Sau 12 tháng tuổi, bé không có biểu hiện cố gắng tập bò hoặc tìm cách di chuyển về phía đồ chơi yêu thích của bé.
- Khi được 6 tháng tuổi, bé ít co gối hơn; thậm chí là không co gối; ít khi quẫy đạp.
- Cử động chân của bé thiếu linh hoạt hơn là cử động tay.
Nguyên nhân khiến bé chậm bò
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho bé chậm biết bò. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng trẻ chậm bò.
Do cấu tạo bàn chân của trẻ
Những đặc điểm của bàn chân khiến cho trẻ chậm bò như: bàn chân cong, bàn chân bẹt và chân vòng kiềng. Trong trường hợp này mẹ nên tập bò cho trẻ bằng cách tập cho bé đứng thẳng, động viên, khuyến khích vé tự di chuyển khám phá thế giới xung quanh dưới sự giám sát của cha mẹ. Cha mẹ hoàn toàn yên tâm vì những đặc điểm đó của trẻ có thể khắc phục được. Cụ thể như sau:
- Các bài tập vật lý trị liệu giúp kéo giãn các chi có thể điều chỉnh được bàn chân cong của các bé.
- Với bàn chân bẹt thì thường sẽ tự khắc phục khi bé được 3 tuổi nhờ quá trình hình thành vòm chân.
- Khuyến khích bé vận động đúng cách là giải pháp giúp các bé có chân vòng kiềng.
Bé không có động lực để bò
Cha mẹ không tạo sự kích thích tập bò cho trẻ bằng những món đồ chơi hoặc những thứ mà bé thích khiến cho bé không có động lực để tập bò. Khi trẻ có bất kỳ một nhu cầu nào đó muốn mẹ giúp đỡ mà trẻ không biết nói thì trẻ sẽ gây chú ý với mẹ bằng cách khóc thật to. Thì việc tập bò của trẻ cũng vậy, cha mẹ cần phải tạo động lực, khuyến khích và kích thích trẻ tập bò thì trẻ mới có thể phát triển được hết khả năng của mình.
Để trẻ được tập bò một cách thoải mái và hiệu quả nhất thì cha mẹ nên chuẩn bị thảm tập bò cho trẻ để tránh những tai nạn không đáng có khi trẻ tập bò. Ngoài ra, mẹ cũng nên chuẩn bị những món đồ chơi thật bắt mắt để kích thích trẻ tập bò.
Thời gian trẻ nằm sấp không đủ lâu
Các bé cần có thời gian nằm sấp đủ lâu để có thể phát cơ cổ và dần hình thành nên phản xạ tập bò. Nhiều cha mẹ sợ hãi về Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh khiến cho các mẹ không dám đặt con nằm sấp vào ban ngày vì sợ ban đêm trẻ sẽ cố gắng lật úp. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trốn bò ở trẻ.
Ngay từ khi mới sinh, khi bé thức, cha mẹ nên đặt con nằm sấp nhiều nhất có thể. Nếu trẻ tỏ ra khó chịu khi nằm sấp thì mẹ nên tập cho bé dần dần. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc cho bé nằm úp chỉ từ 5 đến 15 giây.
Bé bị thừa cân
Cân nặng ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động của trẻ. Những trẻ có cân nặng lớn hơn so với cân nặng trung bình của mốc lứa tuổi sẽ đòi hỏi bé phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tập bò.
Chắc hẳn là bé và đặc biệt là các mẹ đều không muốn bị rơi vào vòng luẩn quẩn của cân nặng thừa cân – lười vận động – tăng cân. Chính vì thế, khi phát hiện trẻ chậm bò do vấn đề cân nặng thì mẹ lại càng phải khuyến khích bé vận động nhiều hơn nữa không chỉ giúp trẻ tiêu hao năng lượng mà còn giúp cơ thể trẻ được linh hoạt hơn, phòng tránh tình trạng phát triển chậm.
Bé chưa sẵn sàng bò
Trẻ chưa thật sự sẵn sàng tập bò khi các cơ của trẻ vẫn còn yếu hoặc con cần có thêm thời gian để có thể thích ứng và chuẩn bị. Mặc dù trẻ vẫn còn bé nhưng cha mẹ vẫn nên tôn trọng khi thấy trẻ chưa sẵn sàng và chỉ nên bắt đầu cho trẻ tập bò khi thấy trẻ có dấu hiệu sắp biết bò.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dạy trẻ tập bò thông qua các bài tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với trẻ, Những bài tập này nhằm giúp trẻ phát triển hệ cơ bắp của trẻ từ đó kích thích khả năng bò của trẻ.
Mặc đồ không phù hợp
Việc cha mẹ cho trẻ mặc những bộ đồ không thoải mái gây ảnh hưởng đến những hoạt động chân tay của trẻ cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm bò. Bé sẽ ngại bò hơn khi mặc quần áo không đủ thoải mái để vận động, mặc quá nhiều đồ vào mùa đông hoặc một chiếc bỉm dày mắc kẹt giữa 2 chân,..
Cha mẹ nên mặc cho trẻ những bộ đồ thoải mái cho trẻ vận động. Nếu thời tiết quá lạnh thì cha mẹ nên chuẩn bị một căn phòng thật ấm áp để trẻ không phải bị cộm vì quần áo trong khi tập bò.
Do các tình trạng bẩm sinh
Các tình trạng chậm phát triển, bại não, những tổn thương não bộ, hội chứng Down, teo cơ tủy SMA ở trẻ có thể là nguyên nhân khiến trẻ chậm bò. Các tổn thương này có thể trẻ gặp phải tình trạng chậm phát triển vận động, và bò là 1 trong những giai đoạn phát triển vận động quan trọng.
Các mốc vận động khác phát triển chậm
Bò là một trong những mốc phát triển vận động quan trọng của trẻ. Hoạt động bò tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là một hoạt động phức đòi hỏi sự phối hợp linh hoạt của nhiều bộ phận trên cơ thể trẻ.
Vì thế, khi trẻ chưa đạt được ốc vận động ở bất kì giai đoạn nào trước đó thì đều có thể gây hạn chế cho giai đoạn tập bò của trẻ. Nên gặp các Nhà chuyên môn về Vật lý trị liệu, vận động trị liệu Nhi khoa để thăm khám và hướng dẫn bài tập cho trẻ.
Bé tập bò như thế nào? Trẻ trốn lẫy tập bò có tốt không?
Bé tập bò như thế nào?
Tập cho bé nằm sấp
Bố mẹ có thể tập bò cho con bằng cách cho con nằm sấp trên sàn
Cho bé nằm sấp trên sàn là một cách để giúp con sớm biết bò nhanh chóng. Hãy đặt món đồ chơi thú vị trước mặt của bé để buộc bé phải trườn người tới lấy. Bạn nên lưu ý là kê thêm một chiếc gối hoặc một chiếc khăn được cuộn lại dưới ngực của bé khi bé nằm sấp. Bạn cũng có thể dùng tay đẩy chân của bé, tạo đà cho bé học bò.
Cho bé bắt chước
Luyện tập phát triển thể chất được xem là cách giúp con học bò hiệu quả. Bên cạnh đó, dạy con học bò theo cách bắt chước cũng mang lại những lợi ích không kém. Với cách này, bạn có thể mời một bé lớn hơn và biết bò thành thạo làm mẫu cho con yêu của bạn. Khi nhìn thấy bé khác biết bò, con yêu cũng muốn bắt chước và có động lực để học bò hơn.
Ngoài ra, có thể gợi ý để chồng bạn cùng hỗ trợ. Một người đối diện với bé trong khi người khác ở phía sau, giúp bé di chuyển tay và chân, giống như đang bò. Cần thao tác chậm và nhẹ nhàng, khi bé không muốn thì đừng cố ép buộc bố mẹ nhé!
Trẻ trốn lẫy trốn bò có tốt không?
Vấn đề trẻ trốn lẫy, trốn bò có rất nhiều quan điểm khác nhau và một phần lớn trong số đó các bậc phụ huynh đều cho rằng đó là điều bình thường và đáng tự hào vì con đang vượt trội hơn những bạn khác. Nhưng theo các chuyên gia thì đó lại là điều lo ngại bởi đó là điều bất thường trong giai đoạn phát triển của trẻ. Trong đó quá trình phát triển của trẻ bị thiếu hụt ở bất kỳ giai đoạn nào cũng sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng về một số chức năng vận động sau này.
Lý do là, khi trẻ lẫy hoặc bò đồng thời trẻ sẽ phát triển và kích thích các bộ phận khác trên cơ thể phát triển như tay, chân, mắt… Kéo theo đó là hệ thống não bộ, thần kinh và thể chất của trẻ cũng phát triển theo. Chính vì vậy việc trẻ trốn lẫy trốn bò không hề tốt bởi điều đó đồng nghĩa với việc sau này vấn đề vận động của trẻ có thể gặp khó khăn như: không thể tự xúc, tập viết, chơi thể thao…
Ngoài ra, khi trẻ trốn bò hoặc trẻ có dấu hiệu bỏ qua các giai đoạn lẫy hoặc bò cho thấy trẻ có thể đang mắc phải vấn đề nào đó liên quan tới sức khoẻ hoặc thậm chí đó còn là nguy cơ sớm của những bệnh lý nguy hiểm như: trẻ bại não, trẻ gặp vấn đề về chức năng vận động, trẻ bị khuyết tật bẩm sinh…
Do đó với những trường hợp trẻ có những dấu hiệu bất thường trong việc bỏ lỡ hay không đạt được mốc phát triển của một đứa trẻ bình thường thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám để nắm bắt được lý do gây nên những bất ổn đó và cũng để bố mẹ có thể cùng các bác sĩ và chuyên gia can thiệp kịp thời cho trẻ để giúp trẻ có thể cải thiện và phục hồi sớm tình trạng trốn lẫy, trốn bò.
Kết luận
Việc hỗ trợ bé tập bò không chỉ giúp bé phát triển các kỹ năng vận động quan trọng mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện sau này. Thông qua quá trình bò, bé không chỉ rèn luyện được sức mạnh cơ bắp mà còn học cách phối hợp nhịp nhàng giữa các chi và phát triển khả năng nhận thức về không gian. Đừng quá lo lắng nếu bé có dấu hiệu chậm bò, bởi mỗi bé có tốc độ phát triển khác nhau. Hãy kiên nhẫn và tạo động lực cho bé bằng cách sử dụng các phương pháp và đồ chơi kích thích phù hợp. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, đừng ngần ngại đưa bé tới gặp bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Bằng tình yêu và sự quan tâm, bạn sẽ giúp bé vượt qua mọi thử thách và phát triển khỏe mạnh, hạnh phúc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.