Sởi, quai bị và rubella đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan qua đường hô hấp. Virus có thể tồn tại trong không khí tới hai giờ sau khi người bệnh hắt hơi hoặc ho và có thể lây lan sang người khác ngay cả khi người nhiễm bệnh không còn ở khu vực đó.
Ảnh hưởng của sởi – quai bị – Rubella đến thai kỳ
Ảnh hưởng của sởi đến thai kỳ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiễm sởi khi đang có thai không gây dị tật cho thai nhi, nhưng tỷ lệ tử vong bà mẹ tăng gấp ba lần so với phụ nữ không mang thai nhiễm sởi, làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc trẻ bị nhẹ cân, hoặc thai nhiễm sởi tiên phát.
Khi nhiễm sởi, thai phụ có triệu chứng sốt cao, làm tăng thân nhiệt và nhịp tim, từ đó làm tăng nhiệt độ buồng ối và tần số tim thai, gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của thai, tim thai phải làm việc quá sức có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu hoặc chuyển dạ sinh non.
Khi mắc sởi vào cuối thai kỳ, virus sởi xâm nhập qua nhau thai vào cơ thể thai nhi làm cho thai nhi bị nhiễm sởi tiên phát, tỷ lệ tử vong sơ sinh cao do biến chứng viêm màng não bán cấp.
Phụ nữ có thai bị phát ban do bệnh sởi
Ảnh hưởng của quai bị đến thai kỳ
Bệnh quai bị khá lành tính, ít khi gây những biến chứng nguy hiểm gì nếu được điều trị và kiêng cữ kịp thời, đúng cách. Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai mắc quai bị thì sẽ nguy hiểm hơn đến cả sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh quai bị trong 3 tháng đầu thai kỳ có khả năng thai nhi dị dạng, sảy thai. Còn nếu nhiễm bệnh trong 3 tháng cuối của thai kỳ làm tăng nguy cơ thai chết lưu, đẻ non.
Hệ miễn dịch của phụ nữ khi mang thai thường kém hơn nên khi mắc quai bị, các triệu chứng bệnh thường phát triển nhanh và nguy hiểm hơn người bình thường.
Sau khi mắc virus, thai phụ sẽ có triệu chứng ban đầu là sốt cao lên tới 39 – 40 độ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, đau họng, amidan bị sưng to. Đặc biệt, nhai nuốt thức ăn rất khó, một hoặc hai bên má sưng
Ảnh hưởng của Rubella đến thai kỳ
Phụ nữ đang mang thai nhiễm Rubella cũng có biểu hiện lâm sàng tương tự với người bình thường. Đối với thai phụ nhiễm Rubella, điều đáng quan tâm nhất chính là những dị tật của thai nhi trong bụng mẹ do hội chứng Rubella bẩm sinh gây ra. Phụ nữ mang thai nhiễm rubella có nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc trẻ sinh ra với những dị tật bẩm sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lâu dài.
Nếu phụ nữ mang thai không miễn dịch với rubella và mắc bệnh này trong 5 tháng đầu của thai kỳ, mẹ thường truyền bệnh cho thai nhi:
- Nếu bị nhiễm rubella trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh, phổ biến nhất là các vấn đề về mắt, thính giác và tổn thương tim.
- Nếu thai nhi bị nhiễm rubella trong khoảng thời gian từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 20 của thai kỳ, các vấn đề thường nhẹ hơn.
- Nếu thai nhi bị nhiễm rubella sau tuần thứ 20 của thai kỳ thường không có vấn đề gì.
Để có thể phòng tránh được hội chứng Rubella bẩm sinh, tiêm vaccine phòng ngừa trước khi mang thai là điều quan trọng và thiết yếu đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Phụ nữ cần tiêm các bệnh trên khi nào?
Vắc xin sởi quai bị Rubella đóng vai trò rất quan trọng trong số các loại vắc xin mà mẹ cần tiêm chủng trước khi mang thai. Vì ba bệnh lý này sẽ ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe của mẹ và bé trong thời kỳ mang thai như khiến mẹ sinh non, sảy thai, thai nhi chậm phát triển, thai gặp dị tật bẩm sinh…
Vắc xin phòng bệnh sởi – quai bị – rubella: tốt nhất nên tiêm trước khi mang thai 3 tháng, để vừa giúp cơ thể mẹ có đủ thời gian sinh ra kháng thể phòng bệnh, vừa không ảnh hưởng đến thai nhi. Cần tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi tùy theo tình huống cụ thể:
- Nếu đã từng tiêm 1 mũi Vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella, cần tiêm thêm 1 mũi trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
- Nếu chưa từng tiêm vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella, cần tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần và hoàn thành 2 mũi trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng.
Tiêm vắc xin sởi – quai bị – rubella ít nhất 3 tháng trước khi mang thai
Nếu đã từng bị các bệnh trên thì mang thai có sao hay không?
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, bệnh sởi – quai bị – rubella chỉ mắc một lần duy nhất trong đời mỗi người. Sau khi bị nhiễm sởi – quai bị – rubella, trong cơ thể đó sẽ tồn tại các kháng thể trung hòa. Các kháng thể này được duy trì ở nồng độ thấp nhưng có tác dụng bảo vệ, có khả năng miễn dịch suốt đời.
Dù đã từng bị sởi – quai bị – rubella, bạn vẫn hoàn toàn có thể mang thai khi đã điều trị khỏi bệnh và không gặp phải bất kì biến chứng nào về sinh sản.
Đã tiêm sởi – quai bị – Rubella muốn mang thai có được không?
Giống như các loại vắc xin sống giảm độc lực khác, thành phần vắc xin Rubella không được tiêm ở phụ nữ biết mình có thai và cần thời gian để vắc xin sinh ra kháng thể phòng bệnh nên khi toàn thành các mũi tiêm sởi – quai bị – rubella đủ 3 tháng, bạn có thể an tâm mang thai.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.