Tai biến mạch máu não là một biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người bệnh đái tháo đường. Tăng đường huyết đã thúc đẩy quá trình hình thành các mảng xơ vữa nhanh hơn, nhiều hơn ở các bệnh nhân này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguy cơ tai biến mạch máu não ở bệnh nhân tiểu đường.
Nguyên nhân tai biến mạch máu não ở người tiểu đường
Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường gây nên tổn thương sớm ở tế bào nội mạc, làm rối loạn các chức năng nội mạc mạch máu. Khi chức năng nội mạc bị rối loạn các phân tử mỡ dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào trong, kết hợp với tăng khả năng kết dính và xuyên thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc hình thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch.
Bên cạnh đó, khi lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho sự co mạch kết hợp với sự kết dính của tiểu cầu, hình thành nên cục huyết khối trong lòng mạch và gây tắc mạch cấp tính khiến các cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Tổn thương mạch máu não cũng sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu não…; tổn thương ở động mạch chi sẽ dẫn đến biểu hiện viêm tắc động mạch chi (đi cà nhắc cách hồi), hoại tử chi, cắt cụt chi…
Tùy vào phần não bị tổn thương mà những bệnh nhân tai biến sẽ gặp những biến chứng khác nhau, trong đó biến chứng ở người bị đái tháo đường thường gặp là:
- Tê liệt tay, chân, nửa người hoặc toàn thân: Biến chứng có thể khắc phục bằng việc thực hiện vật lý trị liệu.
- Méo miệng: Nguyên nhân là do liệt các cơ vùng mặt khiến người bệnh tai biến gặp khó khăn trong giao tiếp và ăn uống.
- Mất trí, trí nhớ kém.
- Mất khả năng tự chăm sóc bản thân.
Yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não ở người tiểu đường
Một số yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não ở người tiểu đường đó là:
- Lười vận động: Những người lười vận động thì nguy cơ tim mạch tăng cao hơn vì tăng sản xuất cholesterol – một loại mỡ trong máu có thể gây tích tụ trên thành mạch máu nếu như bạn bị béo phì do lười vận động.
- Cholesterol cao hơn bình thường: Hầu hết các bệnh nhân đái tháo đường thường bị nhiễm mỡ máu có lượng cholesterol trong máu vượt quá mức cho phép, nhất là cholesterol có hại làm cho quá trình xơ vữa động mạch càng trở nên trầm trọng hơn, nguy cơ tai biến mạch máu não càng cao. Điều quan trọng là các yếu tố này thường xuất hiện đồng thời ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Tăng huyết áp: Khi bị tăng huyết áp, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu. Tăng huyết áp có thể làm tim căng giãn và tổn thương mạch máu, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, biến chứng mắt và thận.
- Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não, vì vậy, việc ngưng thuốc lá đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường vì hút thuốc lá và đái tháo đường cùng làm hẹp mạch máu.
- Tiền sử gia đình có người bị tai biến mạch máu não: Bạn không thể thay đổi nguy cơ này do yếu tố gia đình.
Nguy cơ đột quỵ tăng lên theo tuổi tác, đặc biệt là sau 55 tuổi. Nam giới có tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn nữ giới, nhưng nữ giới lại có tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao hơn.
Mặc dù các yếu tố nguy cơ không thể bị loại bỏ hoàn toàn, nhưng việc kiểm soát chúng cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát nguy cơ đột quỵ, tăng cơ hội sống lâu, khỏe mạnh và không bị đột quỵ.
Biện pháp phòng ngừa tai biến mạch máu não ở người tiểu đường
Nguy cơ mắc đột quỵ do bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát được nếu thực hiện nghiêm túc các lưu ý sau:
- Kiểm soát đường huyết và huyết áp, mỡ máu (nếu có) ở mức ổn định thường xuyên.
- Định kỳ thăm khám sức khỏe để giúp điều chỉnh liều dùng và kiểm soát bệnh được hiệu quả hơn.
- Kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp như: ăn nhiều trái cây tươi, các loại rau không chứa tinh bột, ít chất béo, giàu chất xơ. Ăn nhạt, hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, đồ ăn chiên xào; sử dụng thực phẩm có lượng đường bổ sung thấp hơn; không nên hút thuốc lá, hạn chế đồ uống có tính kích thích như cà phê, rượu bia…
- Xây dựng lối sống khỏe mạnh, luyện tập thể dục thể thao giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả và ngăn chặn đột quỵ não.
- Khi thấy các trường hợp có biểu hiện tai biến mạch máu não như đột ngột nói khó, méo miệng, yếu liệt, tê nửa người, lơ mơ, nhìn không rõ,… thì cần phải đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời để hạn chế tử vong và tàn phế cho người bệnh.
Phương pháp điều trị tai biến mạch máu não
Một số nguyên tắc điều trị chung cần lưu ý:
- Xử trí tai biến mạch máu não bằng cách thực hiện cấp cứu theo quy trình ABC.
- Thực hiện chống phù não tích cực
- Áp dụng phác đồ điều trị thích hợp đối với mỗi loại bệnh chảy máu não hay nhồi máu não.
- Điều trị làm giảm những triệu chứng nguy hiểm như co giật, rối loạn chỉ số đường máu, thân nhiệt tăng cao.
- Thực hiện điều chỉnh cân bằng nước- điện giải trong cơ thể và điều chỉnh cân bằng kiềm toan.
- Tiến hành chống tình trạng bội nhiễm cơ quan hô hấp và tiết niệu, nhất là phổi.
- Chế độ dinh dưỡng phải cung cấp đủ chất cho bệnh nhân mỗi ngày.
- Thực hiện phục hồi chức năng trên bệnh nhân, chống lở loét, teo cơ, cứng khớp…
- Có thể thực hiện phẫu thuật và phục hồi nhu mô não bằng phương pháp tế bào gốc.
Chảy máu não, chảy máu dưới màng nhện:
- Thuốc tiêm có tác dụng đông hay cầm máu, có thể là Transamin 0.25g/ 2- 4 ống, tiêm đường tĩnh mạch.
- Trong trường hợp chảy máu dưới nhện và chảy máu não lớn kèm theo tình trạng tràn máu não thất thì tiêm Nimotop 10mg/ 50ml đường tĩnh mạch, dùng bơm điện, có tác dụng chống co mạch, ngăn ngừa tình trạng nhồi máu não thứ phát.
- Tiến hành phẫu thuật để lấy ổ máu tụ bán cầu trong trường hợp ổ máu tụ có kích thước lớn hơn 60ml gây nên rối loạn ý thức.
- Lưu ý phải tìm ra nguyên nhân của việc chảy máu não để điều trị triệt để, có thể nguyên nhân chảy máu não là do phình mạch, dị dạng mạch…
Nhồi máu não:
- Tiến hành làm tiêu cục máu đông bằng cách biến đổi Plasminogen thành Plasmin, phân hủy thành Fibrin và Protein đông huyết tương.
- Khi áp dụng rtPA thì cần thực hiện đúng theo chỉ định và chống chỉ định của thuốc.
- Dùng thuốc chống tình trạng tập kết tiểu cầu như Aspirin 100- 325mg, Ticlopidin 200mg, Aggrenox, Clopidogrel 75mg…
- Thực hiện chống đông máu, có thể dùng Heparin, dự phòng bằng thuốc Warfarin, Lovenox.
- Dùng biện pháp can thiệp nội mạch để thực hiện lấy cục máu đông
- Cho bệnh nhân dùng những thuốc nuôi dưỡng tế bào thần kinh vùng bán ảnh như Duxil, Nootropyl, Tanakan…
Khi phát hiện bệnh nhân bị tai biến cần cấp cứu sớm và can thiệp chính xác, nhằm hạn chế các biến chứng cũng như giảm tối đa nguy cơ tử vong.
Tóm lại, đột quỵ là một trong những biến chứng nguy hiểm ở bệnh nhân tiểu đường, cần phải phòng tránh ngay từ khi chưa có triệu chứng. Thay đổi lối sống, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ góp phần làm giảm nguy cơ bị đột quỵ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.