Tổng quan chung
Phì đại tuyến tiền liệt là vấn đề sức khỏe khá thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Các triệu chứng của phì đại tiền liệt tuyến thường không rõ ràng trong giai đoạn đầu nên người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện sớm.
Triệu chứng
Bệnh nhân mắc chứng phì đại tiền liệt tuyến sẽ có một số biểu hiện như sau:
- Dòng tiểu yếu và không đều.
- Nhiều trường hợp phải rặn khi tiểu, khi đã ngừng tiểu vẫn có nước tiểu nhỏ giọt.
- Người bệnh thường xuyên buồn tiểu. Vào ban đêm, tình trạng buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh, thậm chí gây mất ngủ.
- Nhiều bệnh nhân vừa đi tiểu nhưng lại có cảm giác buồn tiểu.
- Không thể kiềm chế khi đi tiểu.
Ở giai đoạn đầu, những biểu hiện của bệnh không nghiêm trọng và chưa ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh. Càng về sau, kích thước tuyến tiền liệt càng tăng lên, gây chèn ép vào bàng quang thì những triệu chứng sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn khiến người bệnh không thể tự chủ khi đi tiểu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của tình trạng phì đại tiền liệt tuyến hiện vẫn có nhiều điều chưa được làm rõ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khẳng định rằng có liên quan đến các yếu tố lão hóa và bất thường tinh hoàn.
- Lão hóa: Trong suốt cuộc đời, một người đàn ông sản xuất cả hormone nam testosterone và một lượng nhỏ hormone nữ estrogen. Khi họ già đi, nồng độ testosterone trong máu giảm xuống, khiến cho tỷ lệ estrogen cao hơn. Các nghiên cứu cho rằng, bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn khi tỷ lệ hormone estrogen cao hơn testosterone.
- Một giả thuyết khác bắt nguồn từ dihydrotestosterone (DHT), hormone sinh dục nam tự nhiên của cơ thể có vai trò giúp phát triển các đặc tính của nam giới. Khi nam giới lớn tuổi, nồng độ testosterone trong máu bắt đầu giảm, nhưng lượng hormone dihydrotestosterone vẫn tích tụ trong tuyến tiền liệt. Điều này có thể thúc đẩy các tế bào của tuyến này tiếp tục phát triển. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, những người đàn ông không có khả năng sản xuất dihydrotestosterone sẽ không bị phì đại tuyến tiền liệt.
- Tinh hoàn: Các yếu tố tiền căn gia đình có vấn đề về tuyến tiền liệt hoặc bất thường về tinh hoàn đều có thể làm tăng nguy cơ phì đại. Do đó, những người đàn ông đã cắt bỏ tinh hoàn khi còn bé sẽ không phát triển tình trạng phì đại tiền liệt tuyến.
Đối tượng nguy cơ
- Nam giới trên 50 tuổi
- Gia đình có người mắc phì đại tiền liệt tuyến
- Béo phì, ít luyện tập thể dục thể thao
- Chủng tộc: người da trắng và da đen có nguy cơ cao hơn
- Lối sống lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá chất kích thích, uống ít nước, ăn nhiều chất béo.
- Rối loạn chức năng cương dương
- Mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim, sử dụng thuốc chẹn beta
- Một số yếu tố khác: môi trường làm việc ô nhiễm, thường xuyên stress, từng mắc bệnh về đường tiết niệu,…
Chẩn đoán
Để xác định tình trạng phì đại tuyến tiền liệt, bác sĩ bắt đầu bằng cách thăm khám và hỏi tiền sử bệnh. Trong đó, dùng ngón tay thăm khám qua đường hậu môn để ước tính kích thước và độ chắc của tuyến tiền liệt.
Một số phương pháp khác cũng được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán bệnh như sau:
- Siêu âm: là phương pháp thông dụng và dễ thực hiện. Siêu âm sẽ cho thấy hình thể, kích thước và trọng lượng của tuyến tiền liệt, đồng thời đo được lượng nước tiểu tồn lưu trong bàng quang sau khi người bệnh đã đi tiểu.
- Nội soi bàng quang: Một ống soi nhỏ được đưa vào niệu đạo của người bệnh để kiểm tra tình trạng niệu đạo và bàng quang.
- Phân tích nước tiểu: giúp tìm ra máu và vi khuẩn tồn tại trong nước tiểu.
- Kiểm tra niệu động học: phương pháp này đánh giá được sức co bóp của bàng quang và tốc độ của dòng nước tiểu.
- Kháng nguyên đặc hiệu PSA (Prostate Specific Antigen): xét nghiệm này giúp xác định tình trạng ung thư tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hỏi về các loại thuốc bạn đang dùng xem có thể ảnh hưởng đến hệ tiết niệu không. Cụ thể như là thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamin, thuốc an thần, thuốc tăng huyết áp,…
Phòng ngừa bệnh
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ phát triển phì đại tuyến tiền liệt là thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe tuyến tiền liệt và tim, đồng thời bổ sung chất dinh dưỡng từ thực phẩm.
Duy trì những thói quen tốt sau để tốt cho sức khỏe tuyến tiền liệt:
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa phì đại tuyến tiền liệt hoặc làm chậm sự phát triển của tuyến tiền liệt.
- Nam giới cần tăng cường vận động và hạn chế ngồi lâu để giảm áp lực lên tuyến tiền liệt.
- Duy trì mức cholesterol, huyết áp và lượng đường trong máu ở mức bình thường.
- Giữ chế độ sinh hoạt tình dục đều đặn, an toàn, lành mạnh.
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Không nhịn tiểu, tập thói quen đi tiểu đúng giờ.
Các chất bổ sung sau đây cũng có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh:
- Beta-sitosterol: là một vi chất dinh dưỡng trong trái cây, rau, quả hạch và hạt, có thể giúp giữ cho trái tim bạn khỏe mạnh.
- Pygeum africanum: là một chiết xuất thảo dược từ vỏ cây cây mận Châu Phi có thể giúp thu nhỏ tuyến tiền liệt của bạn.
- Hạt lanh: là nguồn cung cấp chất xơ và axit béo omega-3 tốt có thể giúp giảm cholesterol.
- Dầu hạt bí ngô: có nguồn gốc từ hạt bí ngô. Nó có thể giúp thu nhỏ tuyến tiền liệt của bạn.
- Tăng cường dinh dưỡng và sử dụng các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau củ quả trái cây. Một số loại thực phẩm tốt bao gồm: bơ, quả mọng, các loại đậu, ớt chuông,…
- Tăng cường ăn các loại cá béo: cá hồi, các thu, cá trích, cá ngừ…
- Hạn chế các loại đồ uống chứa caffeine như cà phê và trà.
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc gây tác dụng phụ đến tuyến tiền liệt.
- Hạn chế mức độ mỡ, thịt đỏ, muối trong thực phẩm.
Điều trị như nào
Phì đại tuyến tiền liệt được xem là vô hại nếu không gây các triệu chứng khó chịu như tiểu chậm, tiểu khó, tiểu són,… Nếu tình trạng này gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống như mất ngủ, mệt mỏi vì phải thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu thì bệnh nhân cần điều trị ngay.
Các phương pháp thường được sử dụng để điều trị bệnh gồm:
Điều trị nội khoa
- Sử dụng thuốc ức chế Alpha 1: Các loại thuốc như Alfuzosin, Doxazosin, Terazosin, và Prazosin có tác dụng làm giãn cơ thành mạch, tuyến tiền liệt và bàng quang, từ đó giảm tình trạng tắc nghẽn niệu đạo và giúp bệnh nhân dễ dàng đi tiểu. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ như giảm huyết áp.
- Thuốc ức chế 5-alpha reductase: Các thuốc như Dutasteride và Finasteride giúp giảm kích thước tuyến tiền liệt bằng cách ức chế hormone dihydrotestosterone (DHT). Dù có hiệu quả, những thuốc này cũng có thể gây ra tác dụng phụ như giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương.
- Thuốc kháng androgen: Nhóm thuốc này hỗ trợ làm giảm triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt nhưng cũng cần được sử dụng cẩn thận do tác dụng phụ có thể xảy ra.
Lưu ý, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về những loại thuốc mình đang sử dụng. Nếu phát hiện có loại thuốc ảnh hưởng tới tình trạng rối loạn tiểu tiện thì bác sĩ sẽ có những điều chỉnh phù hợp như thay đổi liều dùng, thời gian dùng thuốc hoặc đổi phương thuốc khác,…
Điều trị ngoại khoa
Khi bệnh phì đại tiền liệt tuyến trở nặng, việc điều trị bằng thuốc không có nhiều hiệu quả thì bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật khi: Nhiễm khuẩn niệu tái phát, có sỏi bàng quang hoặc túi thừa bàng quang, tái phát tiểu ra máu, bí tiểu hoàn toàn sau khi rút ống thông niệu đạo, suy thận, mất ngủ nặng – gây nhiều ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày. Phương pháp phẫu thuật phổ biến hiện nay là mổ nội soi qua đường niệu đạo.
Kết luận
Phì đại tiền liệt tuyến là một tình trạng khá phổ biến ở nam giới tuổi trung niên và cao niên, nhưng việc nắm rõ các triệu chứng, nguyên nhân và biện pháp điều trị sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc quản lý sức khỏe của mình. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, việc thăm khám định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh là rất quan trọng. Hãy lắng nghe cơ thể mình, đừng ngần ngại chia sẻ với bác sĩ những thay đổi nhỏ nhất để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.