Papilloma thanh quản hay còn được gọi là u nhú thanh quản, là tình trạng tổn thương thanh quản và khí quản. Đây là u lành tính, do sự quá sản của các tế bào vảy, hình thành các u nhú nhỏ và phát triển thành một khối sùi trên bề mặt. Bệnh có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em với diễn biến lâm sàng khác nhau.
Tổng quan chung papilloma thanh quản
Papilloma thanh quản, còn được gọi là u nhú đường hô hấp tái phát (Recurrent respiratory papillomatosis – RRP) hoặc u nhú thanh quản. Đây là một tình trạng y tế hiếm gặp, trong đó các khối u lành tính (u nhú) hình thành dọc theo đường hô hấp. Có hai biến thể dựa trên độ tuổi khởi phát: u nhú thanh quản ở trẻ vị thành niên và người lớn.
Các khối u xảy ra là do cơ thể nhiễm virus u nhú ở người (HPV), xảy ra ở thanh quản. Các khối u có thể dẫn đến thu hẹp đường thở, có thể gây ra thay đổi giọng nói hoặc tắc nghẽn đường thở. Bệnh được chẩn đoán sơ bộ thông qua nội soi thanh quản gián tiếp. Thực hiện bằng cách quan sát các khối u trên thanh quản và có thể được xác định thông qua sinh thiết.
Triệu chứng bệnh papilloma thanh quản
Thông thường, giọng nói của con người được tạo ra khi không khí từ phổi được đẩy qua hai cơ chuyên biệt cạnh nhau. Chúng được gọi là nếp gấp thanh quản chịu áp lực đủ để khiến chúng rung lên. Khàn tiếng là triệu chứng của bệnh papilloma thanh quản phổ biến nhất. Nó xảy ra khi u nhú thanh quản cản trở các rung động bình thường của các nếp gấp thanh quản. Cuối cùng, các khối u nhú thanh quản có thể chặn đường thở và gây khó thở.
Các triệu chứng của papilloma thanh quản có xu hướng nghiêm trọng hơn ở trẻ em so với người lớn. Do các khối u phát triển nhanh nên trẻ nhỏ mắc bệnh có thể cảm thấy khó thở khi ngủ hoặc khó nuốt. Một số trẻ sẽ thuyên giảm hoặc bệnh trở nên nhẹ hơn khi bắt đầu dậy thì. Cả trẻ em và người lớn đều có thể bị khàn giọng, ho mãn tính hoặc khó thở. Do các triệu chứng giống nhau, u nhú thanh quản đôi khi bị chẩn đoán nhầm là hen suyễn hoặc viêm phế quản mạn tính.
Nguyên nhân gây bệnh papilloma thanh quản
Papilloma thanh quản do hai loại virus u nhú ở người (HPV) gây ra. Đó chính là HPV 6 và HPV 11. Có hơn 150 loại HPV, và chúng không có các triệu chứng giống nhau. Hầu hết những người bị nhiễm HPV không bao giờ phát triển bệnh liên quan.
Tuy nhiên, ở một số ít người tiếp xúc với virus HPV 6 hoặc 11, u nhú đường hô hấp và mụn cóc sinh dục có thể hình thành. Virus này được cho là lây lan qua quan hệ tình dục. Hoặc khi người mẹ bị mụn cóc sinh dục truyền virus HPV 6 hoặc 11 cho con mình trong khi sinh.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng nhiễm virus u nhú ở người (HPV), nguyên nhân gây ra các tình trạng như ung thư cổ tử cung, mụn cóc sinh dục hay papilloma thanh quản bao gồm:
- Có bạn tình mới;
- Có nhiều bạn tình;
- Có bạn tình không chung thuỷ (bạn tình của bạn có nhiều bạn tình khác);
- Tuổi;
- Hệ thống miễn dịch suy yếu;
- Vùng da bị tổn thương.
Chẩn đoán Papilloma thanh quản
Bệnh có thể được chẩn đoán thông qua việc xem hình ảnh các tổn thương bằng thủ thuật soi thanh quản gián tiếp. Trong nội soi thanh quản gián tiếp, lưỡi được kéo về phía trước. Một gương soi thanh quản hoặc một ống soi cứng được đưa qua miệng để kiểm tra thanh quản.
Một dạng khác của nội soi thanh quản gián tiếp là đưa một ống soi mềm, được gọi là ống soi hoặc ống nội soi. Ống được đưa qua mũi và vào cổ họng để khảo sát thanh quản từ trên cao. Thủ thuật này còn được gọi là nội soi thanh quản bằng ống soi mềm. Sự xuất hiện của u nhú được mô tả là nhiều và hiếm khi mọc đơn lẻ, màu trắng với kết cấu sần sùi tương tự như súp lơ. U nhú thường xuất hiện trong thanh quản. Đặc biệt là trên các nếp gấp thanh quản và trong không gian phía trên các nếp thanh âm.
Chỉ có thể chẩn đoán xác định u nhú thanh quản thông qua sinh thiết. Bao gồm xét nghiệm bằng kính hiển vi và xét nghiệm HPV trên một mẫu sinh thiết. Các mẫu sinh thiết được thu thập dưới gây mê toàn thân, qua nội soi thanh quản trực tiếp hoặc nội soi phế quản sợi quang.
Phòng ngừa bệnh
Đặc hiệu
Vaccine HPV được sử dụng để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và mụn cóc sinh dục liên quan đến virus HPV type 6, 11, 16 và 18 đã được phê duyệt để điều trị u nhú đường hô hấp tái phát, trong đó có papilloma thanh quản. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã khuyến nghị tất cả các bé trai và bé gái trong độ tuổi từ 11 đến 26 nên tiêm phòng vaccine HPV. Nếu bạn từ 27 đến 45 tuổi, có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình và không bị nhiễm HPV, bạn cũng có thể được hưởng lợi từ việc tiêm phòng HPV.
Không đặc hiệu
Các phương pháp khác có thể giúp bạn giảm nguy cơ nhiễm virus u nhú ở người (HPV), là nguyên nhân dẫn đến papilloma thanh quản, như sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục (kể cả bằng miệng hay bằng đường hậu môn). Việc sử dụng bao cao su cũng có thể bảo vệ bạn tình của bạn nếu bạn bị nhiễm HPV. Nếu có quan hệ tình dục bằng miệng, ngoài việc sử dụng bao cao su, nên sử dụng miếng chắn răng khi quan hệ để không làm rách bao cao su.
Điều trị bệnh papilloma thanh quản như thế nào?
Nội khoa
Tiêu chuẩn vàng của điều trị papilloma thanh quản là can thiệp bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, các liệu pháp điều trị bổ trợ khác có thể được sử dụng bao gồm:
- Thuốc kháng virus;
- Hoá trị;
- Thuốc điều trị GERD (trào ngược dạ dày thực quản);
- Liệu pháp quang động.
Tiêm ngừa HPV mặc dù là phương pháp phòng ngừa, nhưng gần đây cũng được chứng minh có thể là một liệu pháp điều trị bổ trợ. Việc tiêm ngừa HPV ở người bệnh papilloma thanh quản làm giảm đáng kể thời gian phẫu thuật, số lượng thủ thuật và gánh nặng bệnh tật cho người bệnh.
Ngoại khoa
Hiện nay chưa có thuốc chữa tiêu chuẩn cho papilloma thanh quản. Tiêu chuẩn vàng trong điều trị hiện nay là phẫu thuật cắt bỏ u nhú và bảo tồn niêm mạc bình thường. Trong trường hợp có tổn thương đường thở, đặt nội khí quản có thể được sử dụng để tránh mở khí quản. Mở khí quản chỉ được thực hiện khi hoàn toàn cần thiết để bảo vệ đường thở.