Niêm mạc tử cung là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình mang thai ở phụ nữ. Tuy nhiên, nếu niêm mạc tử cung mỏng hay dày cũng là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh, hiếm muộn ở chị em. Vậy nên, để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách khắc phục niêm mạc tử cung mỏng nội dung sau đây Pharmacity sẽ phân tích chi tiết.
Niêm mạc tử cung là gì?
Niêm mạc tử cung, hay còn gọi là nội mạc tử cung, là lớp mô bao phủ toàn bộ bề mặt bên trong tử cung ở phụ nữ. Nó bao gồm hai phần chính là:
- Lớp nội mạc cơ bản (lớp đáy): Đây là lớp mô gồm các tế bào trụ tuyến và mô đệm. Lớp này khá ổn định và không bị ảnh hưởng nhiều bởi chu kỳ kinh nguyệt.
- Lớp nội mạc tuyến (lớp nông): Phần này chịu ảnh hưởng từ các biến đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, trong chu kỳ hàng tháng, niêm mạc tử cung trải qua sự thay đổi dưới tác động của hormone sinh dục nữ, cụ thể:
- Giai đoạn phát triển: Niêm mạc dày lên, sẵn sàng để làm tổ nếu trứng được thụ tinh.
- Nếu không thụ tinh: Lớp nội mạc tử cung sẽ bong ra, gây hiện tượng chảy máu kinh nguyệt.
- Chu kỳ tiếp theo: Các tế bào ở lớp đáy phát triển lại, hình thành lớp niêm mạc mới.
- Khi thụ tinh xảy ra: Nếu trứng được thụ tinh và làm tổ tại tử cung, các hormone trong thai kỳ sẽ tiếp tục làm dày lớp niêm mạc, thay đổi cấu trúc để hỗ trợ sự phát triển của phôi và nhau thai.
Ảnh hưởng của độ dày niêm mạc tử cung: Theo đó độ dày của niêm mạc tử cung rất quan trọng đối với quá trình thụ thai và duy trì thai kỳ. Nếu độ dày này bất thường, quá trình thụ thai và khả năng mang thai có thể bị ảnh hưởng.
Hình ảnh niêm mạc tử cung
Niêm mạc tử cung thế nào là bình thường? Thế nào là niêm mạc tử cung mỏng?
Sau khi biết được niêm mạc tử cung đóng vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và quá trình thụ thai. Thì trên thực tế, độ dày của niêm mạc tử cung thay đổi theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt. Theo đó:
- Giai đoạn đầu chu kỳ (sau kinh nguyệt): Độ dày niêm mạc thường từ 2-4 mm.
- Giai đoạn giữa chu kỳ (trước rụng trứng): Niêm mạc dày lên, thường từ 6-8 mm.
- Giai đoạn sau rụng trứng: Niêm mạc tiếp tục dày lên, có thể đạt từ 8-14 mm để chuẩn bị cho việc làm tổ của phôi thai nếu có thụ thai.
- Giai đoạn cuối chu kỳ (trước khi kinh nguyệt): Nếu không có thụ thai, niêm mạc sẽ bong ra và gây ra kinh nguyệt, trở lại độ dày mỏng ban đầu.
Vậy nên, niêm mạc tử cung được coi là mỏng khi độ dày của nó dưới mức bình thường cho quá trình thụ thai và duy trì thai kỳ bình thường, khoảng dưới 7-8 mm trong giai đoạn giữa và sau rụng trứng.
Niêm mạc tử cung dưới 7mm thường được đánh giá là mỏng
Dấu hiệu niêm mạc tử cung mỏng
Để có thể biết được độ dày của tử cung chính xác, thường phải có sự can thiệp của y khoa bằng cách siêu âm đầu dò âm đạo. Tuy nhiên, với tình trạng niêm mạc tử cung mỏng thì chị em vẫn có thể phát hiện được dựa vào một số dấu hiệu, triệu chứng sau đây:
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn, lượng máu kinh ít hơn bình thường.
- Gặp khó khăn trong việc mang thai, dù đã cố gắng trong một khoảng thời gian dài.
- Có thể xảy ra sảy thai trong giai đoạn rất sớm của thai kỳ, thường là do phôi không thể bám chắc vào niêm mạc tử cung.
- Cảm thấy đau bụng dưới nghiêm trọng hơn trong kỳ kinh nguyệt, so với trước đây.
- Các dấu hiệu của rối loạn hormone, chẳng hạn như thay đổi cảm xúc, mệt mỏi, mất ngủ, hoặc thay đổi cân nặng không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân khiến niêm mạc tử cung mỏng
Niêm mạc tử cung mỏng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các yếu tố nội tiết, y tế và lối sống. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
- Mất cân bằng hormone: Sự thiếu hụt hoặc mất cân bằng hormone estrogen và progesterone, các hormone quan trọng trong việc làm dày niêm mạc tử cung.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Thường những chị em bị hội chứng PCOS sẽ có nguy cơ bị niêm mạc tử cung mỏng hơn những người phụ nữ không bị.
- Sử dụng thuốc tránh thai lâu dài: Các loại thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến độ dày của niêm mạc tử cung, đặc biệt khi sử dụng lâu dài.
- Mắc một số bệnh lý tử cung: Với những chị em bị viêm nhiễm tử cung, dính tử cung, u xơ,…thường có thể làm tổn thương niêm mạc tử cung, gây ảnh hưởng tới độ dày và chức năng của niêm mạc.
- Nạo phá thai: Thủ thuật nạo phá thai nhiều lần hoặc thủ thuật làm sạch tử cung có thể gây tổn thương niêm mạc.
- Phẫu thuật tử cung: Các phẫu thuật trong tử cung có thể để lại sẹo hoặc làm tổn thương niêm mạc và ảnh hưởng đến độ dày.
- Tuổi tác: Niêm mạc tử cung có xu hướng mỏng đi khi phụ nữ già đi, đặc biệt là sau khi mãn kinh.
- Thiếu máu: Quá trình cung cấp máu không đủ đến tử cung có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của niêm mạc tử cung.
- Thiếu dinh dưỡng: Thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe tử cung, chẳng hạn như vitamin E và folate cũng gây ra tình trạng niêm mạc mỏng.
- Căng thẳng: Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến cân bằng hormone và sức khỏe tổng thể của chị em phụ nữ, bao gồm cả niêm mạc tử cung.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng niêm mạc tử cung mỏng
Niêm mạc tử cung mỏng có sao không? Có thai được không?
Niêm mạc tử cung mỏng có thể gây ra nhiều vấn đề liên quan đến khả năng thụ thai và duy trì thai kỳ. Điền hình như:
- Niêm mạc tử cung đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép phôi bám và làm tổ. Khi niêm mạc tử cung quá mỏng, phôi khó có thể bám vào và phát triển thành thai nhi.
- Độ dày lý tưởng của niêm mạc tử cung trong giai đoạn trước khi rụng trứng là khoảng 8-14 mm. Nếu niêm mạc mỏng hơn 7mm, khả năng thụ thai giảm đáng kể.
- Nếu niêm mạc tử cung không đủ dày, ngay cả khi phôi có thể bám vào, phôi có thể không nhận đủ dinh dưỡng và máu, dẫn đến sảy thai trong giai đoạn rất sớm.
- Niêm mạc tử cung mỏng có thể liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, ít kinh nguyệt, hoặc thậm chí vô kinh.
Vậy nên, với câu hỏi niêm mạc tử cung mỏng có thai được không? thì câu trả lời là CÓ, nhưng tỉ lệ thấp. Bởi vì mặc dù niêm mạc tử cung mỏng có thể làm giảm khả năng thụ thai và duy trì thai kỳ, điều này không có nghĩa là không thể có thai, cũng như chị em cũng có thể cải thiện tình trạng này để nâng cao cơ hội mang thai tốt hơn.
Niêm mạc tử cung mỏng khả năng mang thai sẽ thấp hơn
Cách khắc phục niêm mạc tử cung mỏng
Khắc phục niêm mạc tử cung mỏng đòi hỏi sự can thiệp từ nhiều khía cạnh bao gồm y học, lối sống và dinh dưỡng. Dưới đây là một số phương pháp và biện pháp có thể giúp cải thiện độ dày của niêm mạc tử cung mà chị em có thể tham khảo thêm:
Có nhiều cách khắc phục tình trạng niêm mạc mỏng ở nữ giới
Liệu pháp estrogen
Estrogen là một hormone quan trọng trong việc phát triển và duy trì độ dày của niêm mạc tử cung. Liệu pháp estrogen thường được sử dụng để tăng cường sự phát triển của lớp niêm mạc.
Vậy nên, với phương pháp này chị em thường sẽ được bổ sung estrogen thông qua thuốc uống, miếng dán, hoặc gel bôi. Mục tiêu là cung cấp lượng hormone cần thiết để kích thích niêm mạc tử cung dày lên.
Kích thích thuộc dòng tế bào hạt (G-CSF)
G-CSF (Granulocyte Colony-Stimulating Factor) là một loại protein kích thích tủy xương sản xuất bạch cầu. Gần đây, G-CSF đã được nghiên cứu và sử dụng trong điều trị niêm mạc tử cung mỏng do khả năng kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung và cải thiện lưu lượng máu.
Và với phương pháp này các bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp G-CSF vào tử cung qua các kỹ thuật nội soi hoặc tiêm dưới da. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp G-CSF có thể cải thiện độ dày niêm mạc tử cung và tăng tỷ lệ thành công trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hiệu quả.
Nội soi tử cung
Nội soi tử cung là một thủ thuật chẩn đoán và điều trị cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp bên trong tử cung và can thiệp nếu cần thiết.
Cụ thể, bác sĩ sẽ sử dụng một ống soi nhỏ có gắn camera (hysteroscopy) để kiểm tra niêm mạc tử cung. Thủ thuật này có thể giúp xác định và loại bỏ các nguyên nhân gây mỏng niêm mạc như polyp tử cung, dính tử cung (hội chứng Asherman) giúp cải thiện độ dày niêm mạc và tăng khả năng thụ thai.
Điều trị niêm mạc tử cung mỏng bằng phương pháp tự nhiên
Bên cạnh những phương pháp hỗ trợ khắc phục niêm mạc tử cung mỏng bằng y khoa, chị em cũng có thể cải thiện tình trạng này bằng một số cách tự nhiên vừa tiết kiệm, an toàn mà hiệu quả như tập thể dục đều đặn, bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin E, vitamin C, sắt, và folate hay giảm căng thẳng, ngủ nghỉ khoa học… cũng hỗ trợ cải thiện lưu lượng máu đến tử cung từ đó tăng độ dày cho lớp niêm mạc hiệu quả
Niêm mạc tử cung mỏng nên ăn gì? Không nên ăn gì?
Chế độ ăn uống có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện độ dày của niêm mạc tử cung. Dưới đây là các thực phẩm nên ăn và không nên ăn khi niêm mạc tử cung mỏng mà chị em cần lưu ý:
Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến việc cải thiện độ dày niêm mạc tử cung
Niêm mạc tử cung mỏng nên ăn gì?
- Thực phẩm giàu estrogen thực vật (Phytoestrogen) như đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành, hạt lanh, hạt mè…
- Thực phẩm giàu vitamin E như hạnh nhân, hạt hướng dương, bông cải xanh, rau xanh lá…
- Thực phẩm giàu omega 3 như cá bé (cá hồi, cá trích, cá thu), hạt lanh, hạt chia, quả óc chó…
- Thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ có múi, dâu tây, ớt chuông…
- Thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, đậu lăng, rau bina,…
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quả mọng, trà xanh, rau xanh…
Niêm mạc tử cung mỏng không nên ăn gì?
- Thực phẩm chế biến và đồ ăn nhanh
- Đường và thực phẩm có đường cao
- Đồ ăn có chứa chất béo không lành mạnh
- Chất kích thích và đồ uống có cồn
- Thực phẩm đóng hộp và đồ ăn nhanh
- Thực phẩm muối chua và mắm
Tóm lại, niêm mạc tử cung mỏng có thể gây ảnh hưởng tới quá trình mang thai. Vậy nên, để phòng tránh và khắc phục tình trạng này chị em nên xây dựng cho mình chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh, không lạm dụng thuốc tránh thai hay thực hiện các thủ thuật tác động tới tử cung nhé.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.