Mang thai là một hành trình đặc biệt, đầy cảm xúc và thay đổi không ngừng. Trong suốt quá trình này, cơ thể người mẹ trải qua rất nhiều biến đổi để chuẩn bị cho sự xuất hiện của em bé. Những thay đổi này không chỉ diễn ra về thể chất mà còn ảnh hưởng đến cảm xúc và tinh thần. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những thay đổi đó, cũng như những chế độ dinh dưỡng cần thiết cho mẹ sau sinh.
Những thay đổi khi mang thai về thể chất
Cơ thể mẹ sẽ có sự chuyển biến lớn về thể chất mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra. Những thay đổi này diễn ra từ các hệ cơ quan bên trong đến hình dáng bên ngoài. Cụ thể là:
Thay đổi ở tuyến vú
Khi mang thai, nhũ hoa khi mới mang thai đã bắt đầu nhạy cảm hơn bình thường. Kích thước vú sẽ to dần lên để chuẩn bị cho việc tạo sữa. Các hạt Montgomery cũng to lên làm nhiệm vụ tiết chất nhờn làm mềm quầng vú và da. Những tháng cuối thai kỳ, tuyến vú có thể bắt đầu đã có sữa.
Thay đổi ở hệ khung xương
Khi thai nhi lớn dần lên, các khớp cùng – cụt, khớp mu cũng giãn và mềm dần ra. Điều này giúp khung chậu dễ dàng thay đổi kích thước, rộng ra phù hợp với sự phát triển của bào thai và sẵn sàng cho quá trình sinh nở qua ngả âm đạo.
Thay đổi về làn da
Trong những thay đổi khi mang thai, thay đổi ở làn da là dễ nhận ra nhất. Trên da mặt mẹ bầu có thể xuất hiện các vết sạm nám. Ở các vị trí như bụng, ngực, mông, đùi dễ bị rạn da. Ở các vị trí như cổ, nách, bẹn, da thâm và sậm màu thấy rõ.
Thay đổi ở hệ tuần hoàn
Ở bà bầu, khối lượng máu tăng lên để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và oxy cho cả mẹ và thai nhi. Khi đó, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn nên mẹ bầu gặp triệu chứng khó thở tim đập nhanh.
Khi thai nhi phát triển, tử cung to lên chèn ép tĩnh mạch chủ dưới có thể gây tụt huyết áp khi nằm, táo bón, trĩ,… Ứ máu tĩnh mạch có thể dẫn đến phù chân. Tăng các yếu tố đông máu có thể tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch hay thuyên tắc phổi.
Thay đổi ở hệ hô hấp
Càng về những tháng cuối thai kỳ, thai nhi phát triển lớn đẩy cơ hoành lên phía trên. Điều này khiến mẹ bầu cảm thấy hơi khó thở, thở nhanh và nông. Những trường hợp thai to hoặc mang đa thai triệu chứng này càng rõ rệt.
Thay đổi ở hệ tiêu hóa
Ốm nghén trong những tháng đầu thai kỳ sẽ khiến mẹ bầu khó ăn uống, buồn nôn hoặc nôn nhiều, nhạy cảm quá mức với mùi, thay đổi khẩu vị. Thường những triệu chứng này sẽ dần biến mất vào giữa thai kỳ nhưng cũng có những phụ nữ ốm nghén cả thai kỳ.
Thời gian đầu khi mới mang thai cũng là lúc mẹ bầu dễ bị đau bụng, tiêu chảy. Do những thay đổi về nội tiết tố, thai nhi chèn ép đại tràng hay do dùng một số loại thuốc bổ mà bà bầu có thể bị táo bón. Một số mẹ táo bón nặng dẫn đến trĩ.
Thay đổi ở hệ tiết niệu
Khi thể tích tử cung của mẹ tăng lên sẽ gây tiểu nhiều, tiểu són. Nhiều thai phụ về những tháng cuối thai kỳ còn bị mất ngủ thường xuyên do tiểu đêm. Khi tử cung chèn ép niệu quản, bể thận bị ứ nước tiểu có thể gây viêm bể thận, viêm thận và nhiễm khuẩn ngược chiều.
Thay đổi ở cơ quan sinh dục
Thay đổi của tử cung khi mang thai sẽ thế nào? Trong cơ quan sinh dục nữ, thân tử cung là bộ phận thay đổi nhiều nhất. Cuối thai kỳ, trọng lượng tử cung có thể gấp 20 lần lúc không có thai. Thai nhi lớn dần, tử cung sẽ có hình dạng tương ứng tư thế nằm của thai nhi như hình bè ngang, hình trứng, hình trái tim,… Cổ tử cung bình thường sẽ được bịt kín bởi chất nhầy đặc và đục để tránh nhiễm khuẩn. Khi thai phụ chuyển dạ, cổ tử cung sẽ dần mở ra để chuẩn bị cho việc sinh con qua ngả âm đạo.
Thay đổi về nội tiết tố
Khi phụ nữ có thai, họ cũng có nhiều thay đổi hormone. Nồng độ hCG tăng lên gây cảm giác buồn nôn hoặc nôn ói. Nồng độ prolactin cũng tăng cao để chuẩn bị cho việc tiết sữa của tuyến vú. Prolactin có trong nước ối cần thiết cho quá trình điều hoà chuyển hoá nước và muối của thai nhi.
Progesterone có tác dụng lợi tiểu, làm giãn cơ tử cung và kiểm soát ngăn ngừa cơn co tử cung. Progesterone cũng làm giảm nhu động ruột, làm chậm tiêu, làm giảm trương lực cơ vòng nên gây triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Thay đổi toàn thân
Những thay đổi khi mang thai trên toàn thân dễ nhận biết nhất là tình trạng phù chân, tăng trọng lượng cơ thể, tăng kích thước các bộ phận trên cơ thể. Thai phụ cũng có tình trạng ứ nước, tăng khối lượng máu làm loãng máu,…
Thay đổi về cảm xúc, tinh thần khi mang thai
Phụ nữ mang thai dường như bị các nội tiết tố “điều khiển” cảm xúc rất nhiều. Sự thay đổi nồng độ nội tiết tố trong cơ thể khiến bà mẹ tính tình bất ổn, cảm xúc thất thường khiến mọi người xung quanh khó hiểu. Một số thay đổi về mặt cảm xúc, tinh thần của mẹ bầu như:
- Nếu bà bầu từng bị trầm cảm, hưng cảm, ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lưỡng cực,… các triệu chứng thường sẽ có xu hướng trở nặng trong khi mang thai.
- Mẹ bầu trong bất cứ giai đoạn nào cũng đều có trạng thái lo âu. Đó có thể nỗi lo lắng cho sự phát triển của thai nhi, lo lắng khi sinh con, lo kinh tế gia đình, lo nuôi dạy em bé trong tương lai,…
- Cảm giác mâu thuẫn cũng thường trực trong tâm trí mẹ bầu. Có những lúc mẹ bầu sẽ cảm thấy hạnh phúc trào dâng, có lúc lại thấy hờ hững như không. Có những điều hối tiếc, áy náy lại có những điều bối rối.
- Tất cả mẹ bầu đều nhạy cảm với những lời chỉ trích, phê phán. Họ trở nên nhạy cảm, dễ tổn thương, dễ khóc, dễ xúc động.
- Nhiều mẹ bầu bỗng dưng trở nên mê tín. Họ tin vào quan niệm dân gian, kiêng khem nhiều thứ. Nếu cảm thấy yên tâm hơn khi kiêng khem để tránh điều xấu, mẹ bầu hãy cứ làm thể để tâm trạng cảm thấy thoải mái nhất.
Chế độ dinh dưỡng sau sinh cho mẹ như thế nào
Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của người mẹ đang nuôi con bú khá cao, thậm chí cao hơn so với thời kỳ đang mang thai vì bà mẹ mất nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng qua việc mất máu khi chuyển dạ, sản xuất sữa non và sữa nuôi con ngay sau khi sinh.
Nhu cầu năng lượng
Nhu cầu năng lượng của bà mẹ đang cho con bú sẽ cao hơn khoảng 500 kcal/ngày so với phụ nữ khi chưa mang thai. Ngoài ra, nhu cầu năng lượng của bà mẹ trong thời kỳ cho con bú còn phụ thuộc vào tình trạng hoạt động thể lực và mức tăng cân trong giai đoạn mang thai. Cụ thể là:
- Phụ nữ trước và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng tốt, tăng 10 – 12kg: Cần đảm bảo nhu cầu năng lượng đạt 2.260 kcal/ngày đối với người lao động nhẹ, 2.550 kcal/ngày đối với người lao động trung bình;
- Phụ nữ trước và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng không tốt, tăng dưới 10kg: Cần đa dạng thực phẩm và ăn nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu năng lượng khi nuôi con bú.
Nhu cầu về các chất dinh dưỡng
- Chất đạm: Trong 6 tháng đầu sau sinh, tổng lượng đạm cần cung cấp cho phụ nữ đang cho con bú là 79g/ngày. Trong 6 tháng tiếp theo, tổng lượng chất đạm cần cung cấp là 73g/ngày. Về tỷ trọng, lượng đạm động vật nên chiếm trên 30% tổng protein tiêu thụ. Các bà mẹ sau sinh nên chọn thực phẩm có hàm lượng đạm cao như cá, thịt, trứng, sữa, đậu đỗ,…;
- Chất béo: Lượng chất béo cần cung cấp cho bà mẹ đang nuôi con bú nên chiếm 20 – 30% năng lượng khẩu phần. Các chất béo như EPD, DHA, n3, n6,… có nhiều trong dầu cá, một số loại cá mỡ, một số loại dầu thực vật,… được khuyến khích sử dụng vì chúng rất quan trọng đối với sự phát triển trí não và thị lực của bé;
- Vitamin và khoáng chất: Cần bổ sung đầy đủ cho người mẹ đang nuôi con bú. Theo đó, bà mẹ sau sinh nên ăn trên 400g trái cây, rau củ mỗi ngày và ăn đủ chất xơ để tránh táo bón;
- Nước: Để sản xuất đủ sữa cho nhu cầu của bé, bà mẹ đang cho con bú nên uống khoảng 2 – 2,5 lít nước/ngày.
Ngoài ra, mẹ sau sinh cũng cần chú ý:
- Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tập thể dục nhẹ nhàng khi có thể.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng.
Kết Luận
Mang thai là một giai đoạn đầy thách thức nhưng cũng rất đáng nhớ trong cuộc đời của mỗi phụ nữ. Hiểu rõ những thay đổi về cơ thể và cảm xúc sẽ giúp mẹ bầu chuẩn bị tốt hơn cho hành trình này. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng sau sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe và nuôi con bằng sữa mẹ. Hãy luôn nhớ rằng, mỗi hành trình mang thai là duy nhất, và sự chăm sóc, yêu thương dành cho mẹ và bé sẽ làm cho giai đoạn này trở nên đặc biệt và ý nghĩa hơn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.