Giấc ngủ đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Thế nhưng thực tế rất nhiều bé đang có chất lượng giấc ngủ không tốt. Yếu tố ảnh hưởng và cách cải thiện giấc ngủ ở trẻ như thế nào? Mời bạn tìm hiểu bài viết dưới đây.
Tại sao giấc ngủ quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em?
Ở trẻ em, nhu cầu ngủ rất cao, cứ 1 giờ hoạt động phải bù lại bằng 2 giờ ngủ, tức là gấp 4 lần người lớn. Thời gian ngủ mỗi ngày thay đổi theo cơ địa ở mỗi trẻ và bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó tuổi của trẻ là quan trọng nhất. Nhu cầu ngủ giảm dần theo độ tuổi của trẻ.
Đối với trẻ em, giấc ngủ cũng có tầm quan trọng như thức ăn và nước uống hàng ngày. Một giấc ngủ sâu là điều rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Ngược lại, ngủ không ngon giấc hoặc có thể bị thiếu ngủ, sẽ khiến trẻ cáu gắt, quấy khóc, không tập trung, mệt mỏi. Nếu thường xuyên ở trong tình trạng trẻ này sẽ phát triển chậm hơn so với các trẻ khác và dĩ nhiên là sẽ không nhanh nhẹn, thông minh, hoạt bát và về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormon tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức. Theo quy luật là lúc chúng ta đi vào giấc ngủ hormon tăng trưởng mới sản sinh ra, sau 1 tiếng lượng hormon sẽ đạt đỉnh, thường là từ 22 giờ cho tới 1 giờ. Do vậy, nếu trẻ không ngủ đúng giờ sẽ bỏ lỡ quãng thời gian hormon tăng trưởng tiết ra nhiều nhất và gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của trẻ.
Ngủ là thời điểm não bộ nạp lại năng lượng. Do vậy, một giấc ngủ sâu sẽ giúp tăng cường trí nhớ, độ tập trung và khả năng học tập của trẻ. Một nghiên cứu trên 11.000 trẻ em xuất bản trên tạp chí Journal of Epidemiol Community Health đã chứng minh những trẻ không được ngủ đúng giờ cho tới khoảng năm 3 tuổi sẽ gặp phải những vấn đề liên quan đến khả năng nhận thức, khả năng đọc và kỹ năng toán học thậm chí tới năm 7 tuổi. Do vậy, các nhà khoa học kết luận rằng 3 năm đầu đời là thời điểm trẻ đặc biệt nhạy cảm với giấc ngủ và có một mối liên hệ khăng khít giữa giấc ngủ đối với sự phát triển não bộ của trẻ.
Giấc ngủ giúp duy trì một cách cân bằng quá trình tiết của một số hormon, bao gồm cả hormon giúp kiểm soát cơn thèm ăn. Do vậy, tình trạng mất ngủ có thể làm tăng cơn thèm ăn gây ra chứng thừa cân và béo phì ở trẻ.
Một giấc ngủ ngon còn hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và trẻ ít ốm hơn.
Những sai lầm trong giấc ngủ trẻ em cần tránh
- Để con thức khuya
Do chế độ sinh hoạt của nhiều gia đình, ba mẹ để bé thức chơi đến tối muộn, chỉ cho con ngủ khi bố mẹ cũng chuẩn bị nghỉ ngơi. Thực tế, việc đi ngủ muộn sẽ khiến trẻ mệt mỏi và cáu kỉnh, dẫn đến quấy khóc và không chịu nằm yên giấc.
- Cho ăn trước giờ ngủ
Nhiều bà mẹ nuôi con quá cứng nhắc về giờ giấc cho bú, cho ăn nên sắp tới giờ đi ngủ cũng ép con ăn thêm cái phô mai, hay đánh thức con dậy uống sữa. Ăn thức ăn giàu protein trước khi đi ngủ khiến hệ tiêu hóa phải làm việc nên ngủ không ngon. Đồ uống lợi tiểu khiến bàng quang của trẻ căng tức nhanh hơn nên phải thức giấc. Vì vậy không nên cho trẻ nhỏ bú hoặc ăn quá no, ăn đồ ăn có nhiều nước, lợi tiểu trước khi đi ngủ.
- Nói chuyện khi bé thức giữa giấc hoặc vội vã bế con ngay khi con khóc
Nhiều cha mẹ giật mình khi vô tình nhìn sang thấy con mở mắt tròn xoe rồi họ nựng nịu, nói chuyện, vỗ về nghĩ là con sẽ ngủ tiếp. Nhưng chính điều này khiến bé bị đánh thức mạnh hơn, tỉnh táo hơn, bé sẽ “nói chuyện” với bạn và không còn tập trung ngủ, mất đi cơ hội học cách tự ngủ trở lại của con. Tình trạng này sẽ lặp lại vào nhiều ngày sau đó dẫn tới thói quen thức giữa giấc.
- Ru con ngủ bằng cách đung đưa
Bạn có thể đung đưa con để giúp bé thư giãn trước khi đi ngủ, nhưng cần dừng lại khi bé đã chìm vào giấc ngủ. Nếu để bé phụ thuộc vào chuyển động này, con bạn sẽ lại đòi được đung đưa như vậy mỗi khi thức dậy vào ban đêm.
- Cho bé chơi đồ chơi không thích hợp khi đi ngủ
Bạn có thể nghĩ rằng những video hoạt hình trong điện thoại di động, đèn ngủ màu sắc hoặc âm nhạc yên tĩnh sẽ giúp con dễ ngủ. Thực tế, đây là một trong những sai lầm khi cho bé ngủ, vì dùng những thứ này có thể làm mất tập trung và khiến bé tỉnh táo hơn.
- Cho con ngủ cùng với bình sữa
Bú sữa bình trước khi đi ngủ có thể giúp bé ngủ ngon, nhưng đây là một thói quen khiến bé dễ nghiện và cũng kèm những rủi ro như:
- Bé có thể bắt đầu quen với việc này, chỉ có bú sữa mới ngủ được
- Khó cai bú sữa hơn khi con đã đến tuổi uống nước bằng cốc
- Bé có thể bị sặc
- Nhiều khả năng bị nhiễm trùng tai
- Nhiều nguy cơ bị sâu răng hơn.
- Không cố định nơi ngủ
Một vài phụ huynh cho con ngủ chung giường với mình vài lần một tuần, đặc biệt là khi quấy khóc. Nhưng sự không cố định này lại vô tình làm gián đoạn thói quen ngủ của con.
- Quá nuông chiều con
Không ít trẻ ở độ tuổi mới biết đi thường yêu cầu được nghe thêm một câu chuyện hoặc nhiều bài hát khác trước giờ đi ngủ. Khi ngày càng phát triển nhận thức, các bé có thể thăm dò giới hạn của bố mẹ bằng cách nũng nịu trước khi ngủ. Việc nuông chiều và làm theo mọi ý muốn của con như vậy là một sai lầm khi cho bé ngủ, không chỉ tạo ra thói quen xấu, mà còn khiến bé ngủ không đủ thời gian cần thiết.
Giải pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ ở trẻ
- Thiết lập thói quen đi ngủ
Làm những việc thư giãn giống nhau theo cùng một trật tự và vào cùng một thời điểm mỗi đêm sẽ giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon. Cho con tắm nước ấm sẽ giúp con bạn thư giãn và sẵn sàng cho giấc ngủ. Giữ đèn mờ trong không gian ngủ để kích thích cơ thể con bạn sản xuất hormone ngủ – melatonin. Khi trẻ đã lên giường, khuyến khích trẻ đọc thầm hoặc nghe một vài bản nhạc thư giãn hoặc kể một câu chuyện cho trẻ nghe, với giọng đều đều và nhỏ nhẹ. Đối với trẻ lớn hơn, thói quen có thể bao gồm một cuộc trò chuyện yên tĩnh với bạn về một ngày và sau đó một mình thư giãn trước khi tắt đèn. Trẻ lớn hơn nữa có thể thích thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc hoặc tập thở thư giãn.
- Biết con bạn cần ngủ bao nhiêu
Nhu cầu và mô hình giấc ngủ của trẻ em ở các độ tuổi là khác nhau. Ví dụ, một trẻ khi lớn lên, sẽ bắt đầu ngủ ít hơn vào ban ngày và nhiều hơn vào ban đêm, và thời gian ngủ của trẻ cũng rút ngắn lại. Vì vậy, trẻ em ở mọi lứa tuổi cần ngủ đủ theo nhu cầu để có thể chơi, học và tập trung trong ngày.
- Giữ giấc ngủ và thức dậy đều đặn
Tạo cho con bạn thời gian đi ngủ và thời gian thức dậy gần như cố định mỗi ngày. Điều này sẽ giúp giữ cho đồng hồ sinh học của con bạn tuân theo một lập trình nhất quán.
- Tránh cho trẻ lớn tuổi ngủ ngày
Hầu hết trẻ em ngừng ngủ ngày khi đạt mốc 3-5 tuổi. Nếu con bạn trên năm tuổi vẫn ngủ vào ban ngày, hãy cố gắng giữ giấc ngủ ngắn không quá 20 phút và không muộn hơn đầu giờ chiều. Những giấc ngủ dài và muộn hơn có thể khiến trẻ khó ngủ hơn vào ban đêm.
- Bảo đảm rằng con bạn cảm thấy an toàn vào ban đêm
Nếu con bạn thực sự cảm thấy sợ hãi về việc lên giường hoặc ở trong bóng tối, bạn có thể khen ngợi và thưởng cho trẻ bất cứ khi nào trẻ can đảm. Hạn chế tối đa các chương trình TV, phim ảnh và trò chơi điện tử kinh dị, thay vào đó có thể cho bé nghe nhạc nhẹ, chơi những trò chơi nhẹ nhàng như lắp ghép gỗ, xếp hình. Một số trẻ sợ hãi khi đi ngủ có thể cảm thấy tốt hơn khi có đèn ngủ.
- Kiểm tra tiếng ồn và ánh sáng trong phòng ngủ của con bạn
Một không gian riêng tư, yên tĩnh, hạn chế ánh sáng rất quan trọng để có giấc ngủ ngon. Phòng ngủ lý tưởng của con bạn nên tối, yên tĩnh, thông gió tốt và gọn gàng. Kiểm tra xem phòng ngủ của con bạn có quá sáng hay quá ồn không. Ánh sáng xanh từ tivi, màn hình máy tính, điện thoại và máy tính bảng có thể làm giảm tiết hóc môn melatonin và trì hoãn cơn buồn ngủ. Cha mẹ nên tắt những thứ này ít nhất một giờ trước khi đi ngủ hoặc để màn hình ra khỏi phòng con của bạn vào ban đêm.
- Tránh nhìn đồng hồ và sử dụng các phương tiện công nghệ
Nếu con bạn thường xuyên kiểm tra thời gian, hãy khuyến khích bé để đồng hồ ở nơi mà bé không thể nhìn thấy nó. Cố gắng giữ cho phòng ngủ của con bạn ở khu vực không có màn hình và để chúng sạc điện thoại ở phòng khách.
- Ăn đủ no và đúng thời gian
Hãy đảm bảo rằng con bạn có một bữa ăn tối đầy đủ vào thời gian hợp lý. Cảm thấy quá đói hoặc quá no trước khi ngủ có thể khiến con bạn tỉnh táo hơn hoặc không thoải mái. Điều này có thể khiến bé khó ngủ hơn. Vào buổi sáng, một bữa ăn sáng lành mạnh sẽ giúp khởi động đồng hồ sinh học của trẻ đúng thời gian.
- Nhận nhiều ánh sáng tự nhiên trong ngày
Khuyến khích con bạn nhận càng nhiều càng tốt ánh sáng tự nhiên trong ngày, đặc biệt là vào buổi sáng. Ánh sáng rực rỡ giúp ngăn tiết melatonin. Điều này giúp con bạn cảm thấy tỉnh táo vào ban ngày và tạo ra melatonin vào thời gian cần thiết trong chu kỳ ngủ của trẻ.
- Tránh các loại thức ăn, nước uống có chứa cafein
Cafein có trong nước tăng lực, cà phê, trà, sô cô la và soda. Khuyến khích con bạn tránh những thứ này vào cuối buổi chiều và buổi tối.
Bên cạnh giấc ngủ, dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động
Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ba mẹ có thêm kinh nghiệm, hãy kiên nhẫn thực hiện những hành động trên để cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt nhất cho bé.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.