Bệnh trĩ khá phổ biến nhưng rất nhiều người âm thầm chịu đựng, ít đi khám vì cho đây là căn bệnh nhạy cảm. Tuy nhiên, việc chậm thăm khám có thể khiến bệnh nhân dễ điều trị sai bệnh hoặc bệnh diễn tiến nặng, khiến việc chữa trị khó khăn hơn, tốn kém hơn. Việc hiểu rõ bệnh trĩ và có những lưu ý khi vận động cho người bệnh trĩ sẽ giúp người bệnh nhanh phục hồi và hạn chế tình trạng nặng hơn của bệnh.
Bệnh trĩ là gì?
Trĩ là các bệnh của một hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn. Đám rối tĩnh mạch nằm ở lớp dưới niêm được nâng đỡ bởi cấu trúc mô sợi đàn hồi.
Tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu, kèm ứ máu liên tục sẽ dẫn đến phình giãn và tạo các búi trĩ vào trong lòng ống hậu môn. Đồng thời càng lớn tuổi, các cấu trúc mô liên kết nâng đỡ ngày càng bị suy yếu, các búi trĩ tụt dần ra khỏi lỗ hậu môn dẫn đến trĩ nội sa. Cả nam lẫn nữ đều có thể bị trĩ, nhất là từ 30 – 60 tuổi. Cứ 2 người trên 50 tuổi thì có một người bị trĩ (ít nhất 1 lần trong 1 đời người).
Trĩ khiến cho việc đi đại tiện rất khó khăn
Phân loại bệnh trĩ
Trĩ chủ yếu có 2 loại, bao gồm trĩ nội (internal hemorrhoids) và trĩ ngoại (external hemorrhoids) .
- Trĩ ngoại: Khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn – trực tràng), được gọi là trĩ ngoại. Lúc này búi trĩ được phủ bởi lớp biểu mô vảy (squamous epithelium) và nằm bên dưới lớp da bao quanh hậu môn.
- Trĩ nội: Nếu búi trĩ xuất phát phía trên đường lược thì được gọi là trĩ nội, và búi trĩ được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp (transitional epithelium).
Phân độ bệnh trĩ dựa vào sự tiến triển của búi trĩ còn nằm bên trong hay đã sa ra khỏi hậu môn. Trĩ có 4 cấp độ:
- Trĩ độ 1: búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.
- Trĩ độ 2: lúc bình thường trĩ nằm gọn trong ống hậu môn, khi rặn đi cầu búi trĩ thập thò hay lòi ít ra ngoài. Khi đi cầu xong đứng dậy búi trĩ tự thụt vào trong.
- Trĩ độ 3: mỗi lần đi cầu hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng thì búi trĩ lại sa ra ngoài. Lúc này phải nằm nghỉ một lúc búi trĩ mới tụt vào hoặc dùng tay đẩy nhẹ vào.
- Trĩ độ 4: búi trĩ gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn.
Nguyên nhân gây bệnh trĩ
Các tĩnh mạch xung quanh hậu môn có xu hướng căng dưới áp lực và có thể phồng lên hoặc xung huyết. Búi trĩ có thể phát triển do áp lực gia tăng ở phần dưới trực tràng do:
- Rặn khi đi cầu
- Ngồi lâu trên bồn cầu
- Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính
- Béo phì
- Mang thai
- Giao hợp qua đường hậu môn
- Chế độ ăn ít chất xơ
- Bệnh trĩ gia tăng theo tuổi vì cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn bị trở nên lỏng lẻo và nhão dần…
Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao
Những lưu ý khi vận động thể chất cho người mắc bệnh trĩ
- Tránh đứng lâu, ngồi lâu, không nên ngồi xổm vì có thể ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở khoang xương chậu làm cho ứ máu tại các tĩnh mạch trĩ.
- Dùng hố xí bệt để không phải ngồi xổm khi đi vệ sinh.
- Tăng cường hoạt động thể lực, đặc biệt là vận động cơ bắp.
- Thể thao vận động nhẹ nhàng giúp vùng hậu môn lưu thông máu, làm giảm sự lắng đọng và tích tụ máu trong các búi trĩ, làm hạn chế sự mất máu, hỗ trợ việc điều trị bệnh trĩ.
- Duy trì các môn thể thao có cường độ vừa sức như cầu lông, bóng bàn, tennis… hoặc những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, chạy chậm, yoga, bơi lội, hoặc khiêu vũ…
Chạy bộ vừa sức rất tốt cho người bị bệnh trĩ
Dinh dưỡng cho người bị trĩ
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ là giữ cho phân mềm, để chúng dễ dàng đi qua lỗ hậu môn. Để ngăn ngừa trĩ và giảm triệu chứng trĩ, hãy làm theo các phương pháp sau:
- Ăn thực phẩm nhiều chất xơ: Ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám ví dụ lúa mì, yến mạch, lúa mạch, ngô, gạo lứt, lúa mạch đen, kê,… giúp làm mềm phân và tăng khối lượng phân. Thêm chất xơ vào chế độ ăn uống từ từ để tránh xì hơi quá mức.
Chất xơ có nhiều trong rau củ quả
- Uống nhiều nước: Uống từ sáu đến tám ly nước và các chất lỏng khác (không phải rượu) mỗi ngày để giúp làm mềm phân.
- Xem xét chất bổ sung chất xơ: Hầu hết mọi người không nhận đủ lượng chất xơ được khuyến cáo 25 gram mỗi ngày đối với phụ nữ và 38 gram mỗi ngày đối với nam giới trong chế độ ăn uống. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung chất xơ không kê đơn, chẳng hạn như Metamucil và Citrucel, giúp cải thiện các triệu chứng và giảm chảy máu từ búi trĩ. Những sản phẩm này giúp giữ phân mềm và đi cầu đều đặn mỗi ngày. Cần lưu ý khi sử dụng chất chất xơ bổ sung, hãy chắc chắn uống ít nhất tám ly nước hoặc các chất lỏng khác mỗi ngày. Nếu không, các chất bổ sung có thể gây táo bón hoặc làm táo bón nặng hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.