Đau mắt đỏ là tình trạng mắt đỏ, nguyên nhân thường do viêm kết mạc. Thông thường, bệnh đau mắt đỏ sẽ khỏi hoàn toàn trong vòng 1 đến 2 tuần không để lại di chứng, tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ để lại những di chứng nặng nề thậm chí là mất hoặc giảm thị lực. Vậy người bị đau mắt đỏ kiêng gì và đau mắt đỏ nên làm gì để giảm triệu chứng hay biến chứng của bệnh?
Những điều cần biết về đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc cấp) là tình trạng lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu và kết mạc mi bị viêm nhiễm, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra, hoặc do phản ứng dị ứng với các tác nhân môi trường. Bệnh này xảy ra quanh năm, rất dễ lây và lan rộng thành dịch nhất vào khoảng thời gian chuyển từ mùa hè sang mùa thu.
Các triệu chứng thường gặp của đau mắt đỏ như:
- Sốt nhẹ
- Đỏ ở một hoặc cả hai mắt.
- Cộm, ngứa ở một hoặc cả hai mắt.
- Tiết nhiều ghèn (dử mắt) ở một hoặc cả hai mắt tạo thành lớp vảy trong đêm có thể khiến bị dính chặt không mở nổi vào buổi sáng.
- Đau, sưng, chảy nước mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng, được gọi là chứng sợ ánh sáng.
Viêm kết mạc thường lành tính, ít gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giác mạc làm giảm thị lực, bệnh gây viêm, loét giác mạc và thậm chí dẫn đến mù lòa.
Người bị đau mắt đỏ nên kiêng gì?
Để hạn chế triệu chứng, biến chứng và giúp người đau mắt đỏ nhanh khỏi thì người bệnh nên kiêng:
- Ánh sáng, gió bụi: Người bị đau mắt đỏ nên kiêng tiếp xúc với ánh sáng, gió bụi, bởi việc tiếp xúc với gió, bụi sẽ làm tăng tiết nước mắt, tăng sự khó chịu. Đồng thời, hạn chế đến những nơi bụi, bẩn để tránh nguy cơ bội nhiễm thêm vi khuẩn cho mắt.
- Chạm vào mắt mũi miệng: Việc dụi hoặc chạm vào mắt có thể làm triệu chứng đau mắt đỏ trở nên trầm trọng hơn hoặc làm lây lan sang mắt còn lại. Bên cạnh đó, việc tay chưa được vệ sinh sạch sẽ mà đưa lên mắt dễ khiến mắt bị kích ứng và viêm có thể nặng hơn.
- Tự ý mua và sử dụng thuốc:
- Người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là thuốc có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt không những không có tác dụng mà còn làm mắt tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
-
- Đồng thời, không nên tự ý dùng các thuốc đông y để chữa bệnh đau mắt đỏ như xông lá trầu không, đắp lá vào mắt… bởi việc này có thể gây ra tình trạng bội nhiễm, viêm loét giác mạc, thậm chí dẫn tới mù lòa.
- Đeo kính áp tròng: Nên ngừng sử dụng kính áp tròng vì khi bị đau mắt đỏ, đôi mắt sẽ trở nên yếu và nhạy cảm hơn. Đeo kính áp tròng hay lens tiếp xúc trực tiếp tại mắt, ngăn cản quá trình trao đổi oxy tại mắt và rất dễ làm tình trạng viêm, nhiễm trùng tại mắt diễn ra nặng hơn.
- Dùng các sản phẩm dễ gây kích ứng: Các thực phẩm gây dị ứng cho cơ thể có thể khiến đau mắt đỏ trở nên trầm trọng hơn. Cần tránh một số loại thực phẩm có lượng đạm cao, đặc biệt là các loại hải sản như tôm, cua, cá biển,… khi bị đau mắt đỏ. Vì khi tiêu thụ, cơ thể có phản ứng tiết nhiều histamin – chất có nguy cơ gây dị ứng,… khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.
- Dùng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
- Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, trà… khi đi vào cơ thể sẽ sản sinh các gốc tự do gây hại cho sức khỏe. Với bệnh nhân bị đau mắt đỏ, sức đề kháng của cơ thể lúc này còn yếu, việc lạm dụng chất kích thích sẽ khiến bệnh lâu khỏi hơn.
- Trong thành phần của bia, rượu có chứa cồn, lạm dụng quá nhiều sẽ gây kích thích hệ thần kinh thị giác, làm suy giảm tầm nhìn và khả năng kiểm soát hành vi của người bệnh.
- Dùng chung chăn, gối, đồ dùng cá nhân:
- Bệnh đau mắt đỏ rất dễ trở thành dịch bởi khả năng lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nhiều đường như hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm, chạm vào những đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh (mắt kính, khăn mặt, chậu rửa mặt).
- Bệnh nhân bị đau mắt đỏ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác trước 2 – 3 ngày khi phát bệnh và sau khi khỏi bệnh 1 tuần.
- Khi bị đau mắt đỏ, bạn nên dùng riêng khăn, chậu rửa, mùi soa, kính mắt, thìa, bát, vỏ gối, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người. Đồng thời, người mắc bệnh nên nghỉ ở nhà, hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác.
Người bị đau mắt đỏ nên làm gì?
- Hạn chế làm việc: Khi bị đau mắt đỏ, bạn nên để mắt được nghỉ ngơi nhiều hơn. Hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị điện tử như: Laptop, TV, điện thoại… bởi điều đó không tốt cho mắt, việc mở mắt, chớp mắt nhiều sẽ gây tăng cảm giác khó chịu cho người bệnh. Mắt cần được nghỉ ngơi, tránh làm việc và điều tiết quá nhiều để nhanh khỏi bệnh.
- Vệ sinh mắt thường xuyên:
- Bệnh đau mắt đỏ có thể khỏi mà không cần dùng đến các thuốc kháng sinh, hay chống viêm. Điều quan trọng là bệnh nhân phải giữ vệ sinh tốt cho mắt, tránh đi đến nơi có nhiều khói bụi, nên đeo kính râm để bảo vệ mắt lúc bị bệnh nhưng không nên dùng khăn bịt kín mà phải để cho mắt thông thoáng.
-
- Dùng tay sạch cùng với khăn sạch hoặc bông gòn mới để vệ sinh ghèn mắt bị bệnh vài lần trong ngày. Nếu chỉ bị đau mắt đỏ ở 1 bên, bạn hãy sử dụng bông hoặc khăn riêng cho từng mắt để giảm nguy cơ lây lan từ mắt này sang mắt kia.
- Chườm ấm hoặc chườm mát: Để giảm bớt sự khó chịu, người bị đau mắt đỏ nên làm gì? Bạn có thể chườm ấm hoặc chườm lạnh lên mắt từ 3 đến 4 lần mỗi ngày. Chườm ấm giúp giảm sự tích tụ ghèn trên mí mắt hoặc lông mi, còn chườm lạnh giúp giảm ngứa và giảm viêm.
- Dùng thuốc nhỏ mắt: Trong hầu hết các trường hợp, người bị đau mắt đỏ sẽ không cần dùng thuốc nhỏ mắt để điều trị. Tuy nhiên, để giảm nhẹ triệu chứng, bạn có thể dùng nước mắt nhân tạo.
- Chế độ ăn uống: Người đau mắt đỏ nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng, các chất chống oxy hóa nhằm ngăn chặn chất thải tích tụ dưới võng mạc, hay bổ sung tiền tố beta-carotene giúp mắt sáng và khỏe mạnh.
- Đề phòng lây lan: Bệnh đau mắt đặc biệt rất dễ lây lan, vì thế người bệnh cần cách ly các vật dụng vệ sinh cá nhân của mình như khăn mặt để đề phòng lây lan cho các thành viên trong gia đình.
Đau mắt đỏ không phải là một căn bệnh quá nguy hiểm, có thể tự khỏi sau khoảng tối đa một tuần nếu được chữa đúng cách. Tuy nhiên vẫn có trường hợp xảy ra các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến mắt hoặc gây khó chịu kéo dài cho bệnh nhân. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ đau mắt đỏ nên làm gì và cần kiêng gì bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời.