Nổi mề đay là một trong các tình trạng dị ứng thường gặp. Nguyên nhân gây nổi mề đay rất đa dạng và khác nhau ở mỗi người. Mề đay không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra nhiều phiền toái trong công việc, sinh hoạt hàng ngày. Nắm được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này sẽ giúp chủ động phòng ngừa hiệu quả hơn.
Triệu chứng thường gặp của bệnh mề đay
Mề đay là gì?
Nổi mề đay hay còn gọi là mẩn ngứa, mề đay là tình trạng da xuất hiện các nốt hay mảng sần, phồng rộp, sưng đỏ, thường đi kèm với cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Các nốt sần có kích thước và hình dạng khác nhau: hình tròn, hình bầu dục, hình khuyên (hình vòng); kích thước thay đổi từ dạng chấm vài ly đến mảng to hơn 10cm.
Mề đay là một trong những bệnh da liễu phổ biến, với khoảng 10% – 20% dân số thế giới mắc bệnh. Phần lớn, các trường hợp mắc mề đay đều có xu hướng thuyên giảm trong vòng 6 tuần, chỉ có 5% trường hợp bệnh kéo dài hay tái đi tái lại.
Khi người bệnh nổi mề đay nhưng không được điều trị sẽ đối diện nguy cơ phù mao mạch dị ứng: sưng phù mặt, mi mắt, môi, lưỡi hoặc cổ họng (các mô lỏng), nguy hiểm nhất là sưng họng gây bít tắt đường thở và dẫn đến tử vong trong vòng 4 phút nếu không cấp cứu kịp để giải phóng đường thở.
Mề đay là một trong những bệnh da liễu phổ biến
Phân loại mề đay
Bệnh mề đay có thể được chia thành nhiều loại dựa vào các yếu tố khác nhau như nguyên nhân gây ra, tính chất triệu chứng và thời gian kéo dài của bệnh. Bệnh mề đay có 2 tình trạng chính là mề đay cấp tính và mề đay mãn tính.
Mề đay cấp tính
Đây là dạng bệnh có triệu chứng nổi mẩn đỏ, ngứa xuất hiện một cách đột ngột và kéo dài trong thời gian ngắn, thường kéo dài trong vòng 24 giờ hoặc 72 giờ sau khi điều trị. Các vết mề đay cấp tính có thể tự biến mất sau khi ngừng tiếp xúc với tác nhân gây bệnh hoặc ngừng sử dụng sản phẩm gây dị ứng. Tuy nhiên nếu không điều trị mề đay dứt điểm, tổn thương kéo dài sẽ dẫn đến mề đay mãn tính.
Mề đay mãn tính
Tình trạng mề đay mãn tính sẽ lâu khỏi hơn, thường kéo dài trên 6 tuần với các biểu hiện nổi mẩn ngứa trên da có màu đỏ, hồng nhạt, trắng đi kèm với cảm giác ngứa, nóng rát. Mề đay mãn tính nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ gây ra các biến chứng như chàm hóa, sạm da và tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng thứ phát khác.
Bệnh mề đay mãn tính kéo dài và tái phát liên tục sẽ làm thay đổi sắc tố da, ngứa ngáy cả ngày làm ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt hàng ngày, mất ngủ và khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp.
Triệu chứng của bệnh nổi mề đay
Một số triệu chứng phổ biến của nổi mề đay giúp bạn nhận biết dễ dàng hơn:
- Nổi các nốt sần màu trắng sữa có bọng nước thành cụm trên da như vết muỗi đốt, xung quanh có màu đỏ.
- Xuất hiện các vết ban đỏ sưng phồng hay còn gọi vết giác đỏ với nhiều hình dạng và kích thước như hình tròn, hình bầu dục,…
- Cảm giác ngứa da dữ dội, khiến người bệnh gãi không ngừng, làm tổn thương da.
- Vùng da bị nổi mề đay có thể sưng, viêm và có cảm giác nóng rát.
- Các vết mày đay nổi ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể.
Triệu chứng nổi mề đay có thể ảnh hưởng đến tinh thần của bệnh nhân, gây khó chịu và không thể tập trung làm việc hoặc học tập. Sự xuất hiện không thường xuyên và khó lường trước của các triệu chứng gây khó khăn cho người bệnh trong điều trị.
Mề đay gây cảm giác ngứa dữ dội khiến người bệnh gãi không ngừng
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh mề đay
Nguyên nhân gây nổi mề đay
Thực tế tình trạng ngứa nổi mề đay toàn thân là kết quả của quá trình dị ứng, nghĩa là hệ miễn dịch phản ứng quá mức với chất gây dị ứng. Chất này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch, khiến cơ thể giải phóng hoạt chất histamin. Chất này có tác dụng loại bỏ tác nhân gây dị ứng, tuy nhiên cũng khiến cơ thể có phản ứng dị ứng.
Về nguyên nhân gây nổi mề đay, hay tác nhân dị ứng rất đa dạng, thường gặp như:
- Dị nguyên trong không khí như: bào tử nấm, vảy da động vật, lông thú vật, phấn hoa, bụi bẩn,…
- Nhiễm trùng do vi khuẩn như: nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm họng do liên cầu khuẩn.
- Độc tố do côn trùng đốt.
- Thành phần thực phẩm, thường các loại thực phẩm dễ gây dị ứng gồm: đậu phộng, trứng, cá, sữa, động vật có vỏ,…
- Thành phần của thuốc: thuốc điều trị tăng huyết áp ức chế men chuyển, codeine, thuốc kháng viêm không steroid.
- Thân nhiệt thay đổi đột ngột do nhiệt độ môi trường quá nóng hoặc quá lạnh đột ngột hoặc do thân nhiệt tăng sau khi hoạt động thể chất.
- Chất liệu quần áo hoặc đồ dùng cá nhân như cao su, chất tẩy rửa, thành phần kem dưỡng da.
- Rối loạn nội tiết tố giai đoạn mãn kinh, mang thai hoặc mắc bệnh về tuyến giáp.
- Bệnh tự miễn.
Đối tượng dễ mắc bệnh mề đay
- Trẻ em: thường bị mề đay cấp tính hơn mạn tính do phản ứng dị ứng với thức ăn, nhiễm trùng đường hô hấp, côn trùng cắn. Các yếu tố thể chất, chênh lệch áp suất, thời tiết lạnh là nguyên nhân phổ biến. Trẻ em bị mề đay mãn tính thường phù mạch.
- Phụ nữ mang thai: người mẹ gặp nhiều thay đổi về nội tiết tố, căng thẳng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ nổi mề đay. Ngoài ra, mẹ bầu cũng dễ bị mề đay do cảm lạnh, cảm cúm, gan hoạt động quá mức, men gan bị mất cân bằng tạm thời khiến chất thải tích tụ trong máu.
- Phụ nữ sau sinh: các nguyên nhân gây nổi mề đay sau sinh gồm các khía cạnh thể chất, tinh thần và cảm xúc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Quá trình vượt cạn và chăm sóc trẻ sơ sinh khiến người mẹ dễ rơi vào suy kiệt sức khỏe. Lúc này, các yêu tố từ môi trường dễ xâm nhập gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có mề đay. Các nguyên nhân khác gây nổi mề đay sau sinh gồm: thiếu ngủ, lo lắng thái quá, chế độ ăn uống thay đổi…
Trẻ em là đối tượng dễ mắc mề đay
Cách phòng ngừa bệnh mề đay
Nổi mề đay có nhiều nguyên nhân phức tạp và khó loại bỏ hoàn toàn khỏi môi trường sống, chỉ khi tìm ra nguyên nhân và loại bỏ hoàn toàn mới có thể phòng ngừa bệnh triệt để. Để phòng ngừa và giảm nguy cơ tái phát, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Người có cơ địa nhạy cảm nên hạn chế tiếp xúc với chất tẩy rửa mạnh, cần lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da lành tính như: xà bông tắm, phấn rôm, sữa tắm, kem dưỡng da,…
- Người bị nổi mề đay do lạnh cần giữ ấm cơ thể, dùng khăn và áo kín khi thời tiết chuyển mùa lạnh. Ngoài ra, cũng cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc với tác nhân có thể gây dị ứng nổi mề đay như: bụi bẩn, phấn hoa, côn trùng,…
- Tránh mặc quần áo quá chật, làm từ chất liệu dễ gây kích ứng da như: da lộn, bố, len,… chà xát trực tiếp lên da.
- Giữ vệ sinh cơ thể tốt, dùng đồ bảo hộ như quần áo dài, găng tay, ủng,… khi di chuyển đến vùng ẩm ướt, có nhiều côn trùng.
- Hạn chế sinh hoạt trong môi trường có độ ẩm thấp như dùng máy lạnh, điều hòa,… khiến da bị khô và dễ bị kích ứng hơn.
- Ăn nhiều thực phẩm giải nhiệt cơ thể như: nước ép trái cây, củ cải, mướp đắng, bí đao, đậu phụ,…
- Ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya và giữ tinh thần thoải mái.
Kết luận
Nổi mề đay là một tình trạng dị ứng khá phổ biến, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn. Hãy duy trì lối sống lành mạnh, bảo vệ da khỏi các tác nhân gây kích ứng, và luôn giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Nếu bạn có cơ địa dễ bị dị ứng, hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng và lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da an toàn. Đừng ngần ngại tìm đến sự tư vấn của bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường. Sự quan tâm và chăm sóc đúng cách sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe tốt và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát bệnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.