Mang thai là một quá trình phức tạp và rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Một số cặp vợ chồng có thể thụ thai trong vòng một tháng sau khi cố gắng, trong khi đối với nhiều người khác, thời gian chờ đợi có thể lâu hơn do cơ thể họ chưa sẵn sàng cho việc đó.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và thai nhi là việc nên bắt đầu có kế hoạch mang thai trước khi bạn mang thai. Điều cần thiết là phải chuẩn bị kỹ càng cho mình về mặt tinh thần cũng như thể chất. Hãy cùng Pharmacity khám phá thêm về các bước bắt đầu kế hoạch mang thai dưới đây.
Các bước quan trọng trước khi bắt đầu kế hoạch mang thai
- Tránh xa khói thuốc: Hút thuốc khi mang thai có thể tăng cao nguy cơ sẩy thai và có thể khiến người mẹ mắc phải một loạt các biến chứng của thai kỳ. Bạn sẽ không thể biết được thời điểm mang thai chính xác, vậy nên tốt nhất hãy bỏ thuốc lá ngay khi bạn có ý định có con.
- Hạn chế dùng đồ uống có cồn: Thỉnh thoảng bạn vẫn có thể dùng vài ly rượu xã giao trong thời gian này. Tuy nhiên, tốt hơn hết bạn vẫn nên tránh xa đồ uống có cồn bởi bạn không thể biết thời điểm chính xác mà bạn thụ thai.
- Kiểm soát các căn bệnh mạn tính: Nếu bạn mắc phải một căn bệnh mạn tính – chẳng hạn như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh lupus, hen suyễn, bệnh tuyến giáp, động kinh hoặc bất kỳ chứng rối loạn tâm thần nào – bạn cần phải cố gắng hết sức để chế ngự căn bệnh thật tốt trước khi mang thai. Hãy đi khám bác sĩ hoặc các chuyên gia và cho họ biết rằng bạn đang có kế hoạch mang thai để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất có thể.
- Ngừng sử dụng biện pháp tránh thai: Nhìn chung, các biện pháp tránh thai sẽ không gây những ảnh hưởng tiêu cực nào đến quá trình thụ thai của bạn. Tuy nhiên mỗi biện pháp tránh thai khác nhau sẽ cần thời gian để chức năng sinh sản hoạt động lại bình thường. Một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như sau khi ngừng tiêm thuốc ngừa thai, có thể dẫn đến thụ thai chậm trễ kéo dài đến vài tháng hoặc lâu hơn.
- Kiểm soát cân nặng: Nếu người mẹ bị béo phì trong lúc mang thai thì nguy cơ mắc phải các biến chứng khi mang thai, như tiểu đường, tăng huyết áp trong thai kỳ cùng nguy cơ sinh mổ, sẩy thai và dị tật bẩm sinh ở thai nhi sẽ tăng cao. Nếu bạn đang bị béo phì, hãy trì hoãn ý định sinh con cho đến khi bạn đạt được thể trọng hợp lý và thích hợp để mang thai.
- Đi khám bác sĩ sản khoa: Chọn phòng khám có thể chăm sóc bạn trước, trong và sau khi sinh là một quyết định vô cùng quan trọng. Trước khi mang thai, bạn nên đi khám bác sĩ sản khoa để có thể được tư vấn và giải đáp các thắc mắc về tình trạng sức khỏe và khả năng thụ thai của chính bạn. Nếu bạn vẫn chưa tìm được một địa điểm đáng tin cậy, tốt nhất hãy hẹn gặp các bác sĩ tại nhiều phòng khám khác nhau và lựa chọn cho mình bác sĩ phù hợp nhất.
Hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của bố mẹ đang ở giai đoạn tốt nhất để có em bé nhé.
1. Xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm máu: Xét nghiệm sàng lọc sẽ giúp bạn và bạn đời phát hiện ra những rủi ro tiềm ẩn trong gen di truyền của cả hai. Đôi khi những khiếm khuyết trong gen di truyền của cả hai vợ chồng bạn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của em bé tương lai. Vì vậy, bạn nên đi khám bác sĩ để có thể được tư vấn và chọn lựa xét nghiệm phù hợp nhất cho tình trạng sức khỏe của chính mình. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm máu để xem bạn có miễn dịch với bệnh Rubella hay không. Nếu không, bạn sẽ được tiêm ngừa vắc xin Rubella. Ngoài ra, nếu bạn không tiêm ngừa vắc xin phòng uốn ván trong vòng 5 năm qua, hãy tiêm ngay vắc xin tổng hợp giúp phòng ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà. Tiêm vắc xin tổng hợp trước khi mang thai có thể giúp làm giảm nguy cơ lây truyền các căn bệnh khủng khiếp này khi bé được sinh ra.
2. Uống thuốc một cách cẩn thận: Nếu bạn đang sử dụng bất kì loại thuốc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay nhằm đảm bảo các thuốc này an toàn để sử dụng trước và trong thời kỳ mang thai. Tốt nhất bạn nên tránh uống thuốc mà không có toa thuốc của bác sĩ trong giai đoạn quan trọng này.
3. Bắt đầu uống vitamin bổ sung dinh dưỡng: Có hai lý do để tất cả phụ nữ muốn có thai nên bổ sung vitamin cho giai đoạn trước khi mang thai ngay từ hôm nay. Thứ nhất, một số chất dinh dưỡng, đặc biệt là axit folic, có vai trò rất quan trọng trong khoảng thời gian trước khi mang thai và những tuần đầu tiên của thai kỳ. Nếu bạn chờ đợi cho đến khi mang thai mới uống vitamin bổ sung, rất có thể bạn sẽ bỏ lỡ khoảng thời gian bổ sung chất dinh dưỡng tốt nhất cho chính mình. Thứ hai, bạn không thể biết chính xác thời điểm khi nào bạn mang thai. Vì vậy để có một thai kỳ khỏe mạnh và được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tốt nhất bạn nên bổ sung vitamin ngay khi có ý định mang thai.
Chuẩn bị mang thai cần bổ sung các loại vitamin thiết yếu
4. Chuẩn bị tài chính: Chăm sóc thai phụ và sinh con là một việc rất tốn kém, kể cả đối với các trường hợp có bảo hiểm thai sản. Bạn sẽ phải chi trả rất nhiều để chăm sóc sức khỏe cho giai đoạn mang thai, cho ngày chuyển dạ, chăm sóc hậu sản và cả một thời gian dài nuôi con sau này. Do vậy bạn cần bàn bạc với chồng và gia đình về chi phí phải chuẩn bị để chăm sóc tốt cho mẹ và bé.
Kết luận
Trên đây là những thông tin cần thiết về kế hoạch mang thai mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng các bạn sẽ nắm rõ, nhất là những bạn chuẩn bị mang thai. Mến chúc các thai phụ sẽ có một thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh, “mẹ tròn con vuông”.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.