Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, chiếm 31% tổng số ca tử vong. Tại Việt Nam, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây ra 31% tổng số ca tử vong trong năm 2016 – tương đương hơn 170.000 ca. Trong đó bệnh tim thiếu máu cục bộ (hay bệnh động mạch vành) là một bệnh lý tim mạch phổ biến, có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm đau thắt ngực, hội chứng mạch vành cấp, và thậm chí đột tử do ngừng tim.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì?
Bệnh tim thiếu máu cục bộ hay còn gọi là bệnh động mạch vành, được phân thành 2 loại: Hội chứng động mạch vành cấp (HCMVC) và Hội chứng động mạch vành mạn (HCMVM)
Hội chứng động mạch vành mạn (HCMVM) (Chronic coronary syndrome – CCS) là thuật ngữ được đưa ra tại Hội Nghị Tim Mạch Châu Âu (ESC) 2019, thay cho tên gọi trước đây là đau thắt ngực ổn định, bệnh động mạch vành ổn định, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ mạn tính hoặc suy vành.
Hội chứng động mạch vành mạn là bệnh lý liên quan đến sự ổn định tương đối của mảng xơ vữa động mạch vành, khi không có sự nứt vỡ đột ngột hoặc sau giai đoạn cấp hoặc sau khi đã được can thiệp hay phẫu thuật. Khi mảng xơ vữa tiến triển dần gây hẹp lòng động mạch vành một cách đáng kể (thường là hẹp trên 70% đường kính lòng mạch) thì có thể gây ra triệu chứng, điển hình nhất là đau thắt ngực/khó thở khi người bệnh gắng sức và đỡ khi nghỉ.
Hội chứng động mạch vành cấp (HCMVC): trong quá trình phát triển của mảng xơ vữa, một số trường hợp có thể xuất hiện những biến cố cấp tính do sự nứt vỡ mảng xơ vữa, dẫn tới hình thành huyết khối gây hẹp hoặc tắc lòng mạch một cách nhanh chóng được gọi là hội chứng động mạch vành cấp. HCMVC bao gồm: (1) Nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên trên điện tim đồ; (2) Hội chứng mạch vành cấp không có ST chênh lên. HCMVC là biến cố nặng, cấp cứu của bệnh lý động mạch vành, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tim mạch và các biến chứng nặng về sau.
Bài viết được trình bày ở đây đề cập đến những đặc điểm trong Hội chứng động mạch vành mạn (HCMVM).
Triệu chứng đặc trưng của bệnh tim thiếu máu cục bộ
Trong hội chứng động mạch vành mạn cơn đau thắt ngực là triệu chứng đặc trưng nhất:
Cơn đau thắt ngực:
Vị trí:
- Thường ở sau xương ức và là một vùng (chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị (vùng giữa trên rốn), sau lưng…
- Hay gặp hơn cả là hướng lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay 4, 5.
Hoàn cảnh xuất hiện:
- Thường xuất hiện khi gắng sức, căng thẳng hay xúc cảm mạnh, nhiệt độ lạnh, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc lá và nhanh chóng giảm/ biến mất trong vòng vài phút khi các yếu tố trên giảm.
- Cơn đau có thể xuất hiện tự nhiên. Một số trường hợp cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế, hoặc khi kèm cơn nhịp nhanh.
Tính chất:
- Hầu hết các người bệnh mô tả cơn đau thắt ngực như thắt lại, bó nghẹt, hoặc bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá, bỏng rát.
- Một số người bệnh có kèm theo khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi
Thời gian:
- Thường kéo dài khoảng vài phút (3 – 5 phút), có thể dài hơn nhưng thường không quá 20 phút (nếu đau kéo dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ thì cần nghĩ đến cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim).
- Những cơn đau xảy ra do xúc cảm thường kéo dài hơn là đau do gắng sức. Những cơn đau mà chỉ kéo dài dưới 1 phút thì nên tìm những nguyên nhân khác ngoài tim.
Một số trường hợp đặc biệt người bệnh bị bệnh động mạch vành lại không có cơn đau ngực điển hình mà có các triệu chứng khác như khó thở, mệt… hoặc hoàn toàn không có triệu chứng gì (bệnh động mạch vành thầm lặng).
- Khó thở: Ở những người bệnh có nguy cơ bệnh động mạch vành cao, đây được coi là triệu chứng có giá trị và được khuyến cáo như là một triệu chứng gợi ý HCMVM bên cạnh triệu chứng đau thắt ngực.
- Ở một số trường hợp, người bệnh có thể không biểu hiện rõ cơn đau mà chỉ cảm giác tức nặng ngực, khó chịu ở ngực, một số khác lại cảm giác như cứng hàm khi gắng sức…
- Ngược lại, một số trường hợp lại có cơn đau giả thắt ngực (nhất là ở nữ giới).
- Một số khác lại đau ngực khi hoạt động gắng sức những lần đầu, sau đó, đỡ đau khi hoạt động lặp lại với cường độ tương tự (hiện tượng “hâm nóng” – warming up).
Biện pháp chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ
Chẩn đoán thiếu máu cục bộ bệnh nhân sẽ được bác sĩ hỏi tiền sử bản thân và gia đình (có người bị bệnh động mạch vành, đã từng đặt stent động mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, …) và tiến hành thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng.
Khám lâm sàng:
Đếm mạch/nhịp tim: Nếu thiếu máu cơ tim thành dưới sẽ làm chậm nhịp tim do thiếu máu nút nhĩ thất. Nhịp nhanh lúc nghỉ: thường là do hoạt hoá hệ thần kinh giao cảm, nhưng cũng có thể là biểu hiện rối loạn nhịp tim do thiếu máu.
Đo huyết áp: Cần thiết để chẩn đoán tăng huyết áp, hoặc hạ huyết áp (do suy tim hoặc quá liều thuốc).
Khám tim: Tìm các dấu hiệu do giãn thất trái, nghe tim thấy tiếng thổi bất thường do giãn buồng tim, hẹp van động mạch chủ, hở hai lá (do rối loạn chức năng cơ nhú), bất thường bẩm sinh của tim…
Tìm kiếm các dấu hiệu suy tim: khó thở, tĩnh mạch cổ nổi, gan to, chân phù, tràn dịch ở các màng.
Tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại vi đi kèm: Sờ tìm khối phình động mạch chủ bụng, bắt mạch cảnh và mạch chi, nghe mạch cảnh, mạch thận, mạch đùi. Đánh giá nuôi dưỡng chi dưới.
Tìm các dấu hiệu của tăng cholesterol: Tìm các dấu hiệu tích tụ cholesterol trên da như u xanthoma trên mi mắt, trên da, trên gân đặc biệt gân Achilles, gợi ý tới tăng cholesterol máu tính chất gia đình xảy ra cả ở người trẻ, làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành, bệnh lý xơ vữa mạch máu….
Cận lâm sàng:
Các thăm dò cơ bản với người bệnh nghi ngờ có bệnh lý động mạch vành bao gồm: xét nghiệm sinh hóa máu, điện tâm đồ lúc nghỉ, điện tâm đồ 24 giờ (nếu cần), siêu âm tim, X-quang ngực.
Các thăm dò đặc hiệu khác như: điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, chụp cắt lớp vi tính động mạch vành, chụp ĐMV qua da, siêu âm trong lòng mạch (Intravascular Ultrasound – IVUS), đo phân suất dự trữ lưu lượng vành (FFR), xạ hình tưới máu cơ tim, chụp cộng hưởng từ tim,…
Tóm lại, bệnh thiếu máu cục bộ là một hội chứng nguy hiểm, để phát hiện và chẩn đoán thiếu máu cục bộ cần thực hiện nhiều quy trình thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh theo dõi nếu nghi ngờ thiếu máu cục bộ và xuất hiện các triệu chứng thiếu máu cục bộ đặc trưng như cơn đau thắt ngực, khó thở,…thì cần đến ngay cơ sở y tế.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.