Bệnh sốt xuất huyết, một trong những căn bệnh nguy hiểm và lây nhiễm nhanh chóng, thường gặp ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Điều quan trọng là hiểu biết về các biến thể của virus gây ra bệnh này, vì mỗi biến thể có thể gây ra các triệu chứng và hậu quả khác nhau cho người bệnh. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những biến thể của virus gây bệnh sốt xuất huyết mà người bệnh cần biết để tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Tổng quan về bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong, bệnh dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ gây thành dịch.
Những biểu hiện và diễn biến lâm sàng bệnh sốt xuất huyết
Triệu chứng sốt xuất huyết Dengue đặc trưng là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ đến đến tử vong.
Bệnh thường diễn biến qua 3 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1:
Người bệnh có biểu hiện sau:
- Sốt cao đột ngột, liên tục.
- Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
- Da sung huyết.
- Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
- Nghiệm pháp thắt dây dương tính.
- Thường có dấu chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
- Giai đoạn 2:
Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện sau:
- Biểu hiện thoát huyết tương: do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48h). Người bệnh có biểu hiện sưng nề mi mắt, gan to, có thể đau. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹp, tụt huyết áp hoặc không do được huyết áp, tiểu ít.
- Biểu hiện xuất huyết:
- Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.
- Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.
- Một số trường hợp nặng có thể biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.
- Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục
Người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường. Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.
Biến chứng sốt xuất huyết thường gặp
- Tiểu cầu hạ: Biến chứng này không khiến cho người bệnh sốt cao hay mệt mỏi nhiều nên khó nhận biết. Đến khi người bệnh diễn tiến xuất huyết trầm trọng thì bệnh đã chuyển biến giai đoạn 2.
- Cô đặc máu: Việc máu bị cô đặc sẽ dẫn đến các hệ luỵ khác như: mệt mỏi, đau nhức toàn thân, sốt cao và đầu óc lơ mơ, buồn nôn không tỉnh táo.
Điều trị bệnh sốt xuất huyết
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, hầu hết bệnh nhẹ sẽ tự khỏi sau 1- 2 tuần. Những trường hợp nặng được điều trị chủ yếu giảm triệu chứng và kiểm soát các nguy cơ diễn biến nặng của bệnh bằng cách hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực.
Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và vitamin C, uống nhiều nước và nghỉ ngơi, tránh ăn đồ nhiều dầu mỡ, khó tiêu.
Những biến thể thường gặp của virus bệnh sốt xuất huyết
- Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue (chi Flavivirus, họ Flaviviridae), vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn (Aedes aegypti), nó có thể đưa virus gây bệnh vào máu của người bệnh bằng cách đốt (chích). Loài muỗi này sinh sôi, phát triển nhanh ở những khu vực có môi trường vệ sinh kém, nước đọng, ẩm thấp, bụi rậm,… và bùng phát mạnh vào mùa mưa.
- Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus sốt xuất huyết có dạng hình cầu, có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím hoặc nhiệt độ từ 60 độ C trở lên trong thời gian 30 phút và 40 độ C trong vài giờ.
- Đối với virus gây sốt xuất huyết, hiện nay giới y học chưa khẳng định chủng DEN-1, DEN-2, DEN-3 hay DEN-4 là nguy hiểm nhất. Dẫu vậy, theo quan sát lâm sàng thì DEN-2 có độc lực cao nhất trong 4 tuýp, bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng sốc hoặc tổn thương tạng.
Sau DEN-2, chủng virus Dengue DEN-3 cũng nằm trong nhóm nguy hiểm, cần theo dõi sát sao. Trong khi đó, DEN-1 và DEN-4 chỉ thường gặp ở bệnh nhân thể nhẹ, dễ điều trị và ít biến chứng hơn cả.
- Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch dengue có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.
Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Hiện sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc phòng bệnh rất quan trọng. Bệnh lây qua vật chủ trung gian là muỗi vằn nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tiêu diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Một số biện pháp phòng bệnh:
- Kiểm tra các nguồn nước tù đọng gần nhà và vườn, lọ hoa, chậu cây cảnh có nước…đây là những nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và nơi ấu trùng sinh sống; có thể thả cá vàng vào bể cá, hồ cá, hòn non bộ,… để tiêu diệt bọ gậy, lăng quăng.
- Xúc rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không sử dụng.
- Thu gom phế liệu, rác thải thường xuyên.
- Phát quang bụi rậm, cây cối trong vườn.
- Phun thuốc diệt muỗi quanh nhà. Hóa chất xua đuổi có thể độc hại, vì vậy chỉ sử dụng lượng cần thiết, chú ý thuốc độc hại với trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi.
- Tránh bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Để giảm nguy cơ bị muỗi đốt, hãy hạn chế tối đa việc bạn tiếp xúc với muỗi, thoa dầu tràm hoặc kem chống muỗi.
- Lên lịch cho các hoạt động ngoài trời vào những thời điểm loại muỗi này ít phổ biến hơn. Tránh ra ngoài trời vào lúc bình minh, hoàng hôn và đầu giờ tối, khi có nhiều muỗi.
- Mặc áo sơ mi dài tay, quần dài, đi tất và đi giày.
- Ngủ trong màn kể cả ban ngày, dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ đều có thể làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình.
- Phủ màn cho xe đẩy hoặc cũi của trẻ khi ra ngoài.
Việc hiểu rõ về các biến thể của virus gây bệnh sốt xuất huyết là bước quan trọng để ngăn chặn sự lây lan và giảm thiểu tác động của căn bệnh này. Hãy duy trì các biện pháp phòng tránh và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm. Nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình có triệu chứng bất thường, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.