Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch phổ biến hiện nay. Theo một điều tra gần đây của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh/thành phố của nước ta, tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%, nghĩa là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Trong số này có 52% không biết mình bị tăng huyết áp; 30% số người biết bị tăng huyết áp nhưng không điều trị; 64% số người biết bị tăng huyết áp, đã được điều trị, nhưng không đạt huyết áp mục tiêu.
Bệnh tăng huyết áp tiến triển âm thầm, hầu hết các trường hợp tăng huyết áp không có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ qua đo huyết áp tại nhà hay khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Nếu không được kiểm soát và điều trị, huyết áp cao có thể gây ra tác động nguy hiểm không chỉ đối với tim mà còn toàn bộ cơ thể.
Tăng huyết áp là gì?
- Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch.
- Tăng huyết áp xảy ra khi áp lực lên thành động mạch cao hơn mức bình thường. Tình trạng này được xác định khi huyết áp đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg, theo khuyến cáo của Hội Tim mạch học Quốc gia về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp.
- Tiền tăng huyết áp khi nằm trong khoảng 120-139/80-89 mmHg và mức huyết áp bình thường < 120/80 mmHg.
Tác động của tăng huyết áp lên hệ tim mạch và hệ thống tuần hoàn
Tăng huyết áp dẫn đến biến chứng không chỉ với tim mà còn với toàn bộ cơ thể như não, thận, mắt,… thông qua 2 cơ chế:
- Cơ chế thứ nhất: do tăng áp lực lên cấu trúc, chức năng của tim và động mạch.
- Cơ chế thứ hai: do thúc đẩy của quá trình xơ vữa động mạch.
Tác động đến hệ tuần hoàn
- Ảnh hưởng đến mạch máu:
- Làm tăng áp lực trong mạch máu, khiến mạch máu dần mất tính đàn hồi và trở nên xơ cứng.
- Áp lực liên tục làm động mạch bị giãn, lớp nội mạc bị nứt, vỡ gây chứng phình động mạch rất nguy hiểm. Nếu không xử trí kịp thời có thể bị vỡ, gây chảy máu và tử vong.
- Ảnh hưởng đến tim:
- Huyết áp tăng làm dày và hư hại niêm mạc các mạch máu của tim, dễ hình thành các cục máu đông từ đó ngăn chặn việc cung cấp máu cho tim. Điều này có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của tim và cũng gây tổn hại các mô của tim dẫn đến chứng đau thắt ngực.
- Tăng huyết áp làm tim phải hoạt động mạnh, làm cơ tim dày lên đặc biệt là tâm thất trái (phì đại tâm thất trái) làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tim để bơm máu đến các cơ quan khác, điều này dễ dẫn đến suy tim, to tim.
Tác động tới não
- Huyết áp cao làm suy yếu các mạch máu nhỏ trong não khiến chúng bị vỡ, giảm lưu lượng máu và oxy đến não; gây tình trạng thiếu máu não thoáng qua, hoa mắt, chóng mặt, nặng có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ, mất trí nhớ, đứt mạch máu não dẫn đến bị liệt, xuất huyết não dễ dẫn đến hôn mê và tử vong.
- Tăng huyết áp là nguyên nhân của 80% các cơn đau tim, đột quỵ và làm tăng nguy cơ xuất huyết não (đột quỵ) gấp 10 lần.
Tác động đến thận
- Tăng huyết áp làm các mạch máu trong thận bị tăng áp lực dẫn đến hư hại, lâu dần khiến quả thận mất chức năng lọc, làm hẹp động mạch thận, từ đó gây suy thận.
Tác động đến mắt
- Tăng huyết áp khiến các mạch máu tới mắt cũng bị thu hẹp, có thể gây khô mắt, mờ mắt, tầm nhìn bị suy yếu dẫn đến bệnh lý võng mạc và cuối cùng người bệnh sẽ bị mù.
Tác động đến cơ quan sinh sản
- Tăng huyết áp làm giảm nguồn cung máu đến dương vật gây ra rối loạn chức năng cương dương – không có khả năng duy trì sự cương cứng trong khi quan hệ tình dục.
- Ở phụ nữ, huyết áp cao có thể làm giảm lưu lượng máu đến âm đạo, là nguyên nhân gây khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục….
- Các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân cao huyết áp lại có những tác dụng phụ như giảm ham muốn ở phụ nữ và khả năng cương cứng ở nam giới. Đối với những trường hợp này, nhiều người lựa chọn biện pháp giảm huyết áp nhờ thảo dược và thay đổi lối sống.
Cách phòng ngừa tăng huyết áp
- Duy trì cân nặng hợp lý, không thừa cân.
- Ăn nhiều rau quả: Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo và cholesterol.
- Ăn nhạt: Ăn ít muối, lượng muối khuyến cáo tốt cho sức khỏe là 1 thìa muối nhỏ mỗi ngày. Các thực phẩm đóng gói sẵn thường có chứa nhiều muối vì thế cần đọc kỹ thành phần của thực phẩm trước khi sử dụng.
- Tập luyện từ 30 – 60 phút/ngày, 5 ngày 1 tuần.
- Uống vừa phải đồ uống có cồn: Khoảng 2 chén một ngày. Phụ nữ nên hạn chế không sử dụng đồ uống có cồn.
- Giảm stress.
- Không hút thuốc lá.
- Kiểm tra nguồn nước dùng có chứa nhiều Natri hay không.
- Duy trì lối sống lành mạnh.
- Thường xuyên theo dõi huyết áp, kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn.