Nhiễm khuẩn sau sinh mà ta thường gọi là nhiễm khuẩn hậu sản là tai biến hay gặp nhất trong 5 tai biến sản khoa. Hiện nay, nhờ có kháng sinh cũng như điều kiện sinh hoạt được nâng cao nên nhiễm khuẩn sau sinh nặng cũng được cải thiện nhưng vẫn gặp ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hãy cùng tìm hiểu về nhiễm khuẩn sau sinh qua bài viết này.
Tổng quan chung
Bệnh lý nhiễm khuẩn sau sinh con chỉ xảy ra ở đối tượng sản phụ sau sinh, do vi khuẩn ở bộ phận sinh dục gây ra. Có những trường hợp người bệnh bị nhiễm khuẩn ở tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ, cổ tử cung hay trong tử cung. Một số ít bị nhiễm khuẩn máu sau sinh, diễn biến rất nặng và khó điều trị, trường hợp này có tỷ lệ tử vong cao.
Hiện nay, y học phát triển, áp dụng các phương pháp khử khuẩn và vô khuẩn trong ca sinh nở nên tỷ lệ sản phụ bị nhiễm khuẩn hậu sản đã giảm hẳn so với trước. Tuy vậy, tình trạng này vẫn còn khá phổ biến ở các khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Triệu chứng
Tùy vào vị trí nhiễm khuẩn, triệu chứng sẽ khác nhau như:
- Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo (thường gặp và là tình trạng nhiễm khuẩn nhẹ): bệnh nhân có thể sốt không cao, tại chỗ có thể có vết rách, vết khâu bị viêm tấy, đỏ, mưng mủ, đau. Tử cung vẫn co hồi bình thường, sản dịch không hôi.
- Viêm niêm mạc tử cung (hình thái nhẹ của nhiễm khuẩn tử cung) nếu không được điều trị tốt sẽ có thể chuyển thành viêm phần phụ, viêm phúc mạc tiểu khung: vài ngày sau đẻ, sản phụ có tình trạng sốt nhẹ, mạch nhanh, mệt mỏi, sản dịch ra nhiều, hôi, có thể lẫn mủ hoặc máu. Cổ tử cung đóng chậm, tử cung co hồi kém, ấn tử cung bệnh nhân đau. Khám âm đạo vị trí túi cùng không đau. Cần phải cấy sản dịch để xác định vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ.
- Viêm phúc mạc tiểu khung: Triệu chứng: sản phụ sốt cao 39-400C, mạch nhanh không phân ly. Đau vùng hạ vị dữ dội, đái rắt, táo bón, có thể có biểu hiện của giả lỵ với triệu chứng đau bụng, đại tiện són phân, nhiều lần.
- Nhiễm khuẩn huyết: tình trạng bệnh lý nhiễm khuẩn hậu sản nặng nhất. Triệu chứng là sốc nhiễm trùng, nhiễm độc. khám sản khoa các triệu chứng giống với viêm niêm mạc tử cung nặng. Khám bụng thấy bụng chướng, gan, lách to hơn bình thường, ran ẩm ở phổi. Các cơ quan khác như khớp, da, niêm mạc, màng não hoặc viêm nội tâm mạc đều có thể có tình trạng nhiễm khuẩn.
- Viêm tắc tĩnh mạch: hay gặp ở các nước Âu, Mỹ. Triệu chứng: xuất hiện muộn, sau đẻ 12 ngày đến nửa tháng, sốt thường nhẹ, mạch nhanh, bệnh nhân thường rét run. Viêm tắc tĩnh mạch ở chân: chân phù, màu trắng, ấn đau, căng nóng từ đùi trở xuống, gót chân không nhấc được khỏi giường. điều trị không kịp thời, nhiễm khuẩn lan đến phổi gây viêm tắc động mạch phổi (khó thở, khạc ra máu, tức ngực), thận…sản phụ có thể tử vong đột ngột.
Nguyên nhân
Có nhiều yếu tố gây ra bệnh nhiễm khuẩn sau sinh như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn Coli,… Các loại vi khuẩn này thường xuyên có mặt ở môi trường sống xung quanh ta, khi gặp được điều kiện thuận lợi thì chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương ở âm đạo, âm hộ hoặc vùng rau bám ở đáy tử cung để gây ra bệnh.Một số nguyên nhân chủ yếu gây bệnh nhiễm khuẩn sau sinh:
- Sức khỏe sản phụ suy yếu: Nêu sức khỏe sản phụ quá yếu, hệ miễn dịch kém cũng dễ bị vi khuẩn, virus tấn công gây nhiễm trùng máu.
- Vi khuẩn tấn công: Sau khi sinh con, cơ thể phụ nữ cần có thời gian hồi phục sức khỏe và đợi cho sản dịch thoát ra khỏi tử cung hoàn toàn. Lúc này, vùng kín của sản phụ khá ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập và phát triển. Các loại vi khuẩn dễ xâm nhập là Ecoli, liên cầu khuẩn… Thông qua âm đạo, chúng xâm nhập vòi tử cung vào bên trong phúc mạc, có thể gây nhiễm trùng máu.
- Môi trường sinh sản không đảm bảo: Sinh con trong điều kiện môi trường không đảm bảo tiệt trùng, tồn tại nhiều loại vi khuẩn, virus tiền ẩn nguy cơ nhiễm trùng máu ở sản phụ sau sinh.
- Sinh mổ: Sản phụ sinh mổ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu sau sinh hơn sản phụ sinh thường
- Biến chứng sau sinh: Sản phụ bị băng huyết sau sinh, thiếu máu, ối vỡ non, chuyển dạ kéo dài,….có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu.
Mức độ nhiễm khuẩn sau sinh nặng hay nhẹ sẽ tùy thuộc theo độc tính của loại vi khuẩn, theo sức khỏe của sản phụ và tính kháng kháng sinh của chúng tùy theo bệnh được phát hiện và điều trị sớm hay muộn.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng có nguy cơ mắc nhiễm trùng hậu sản là:
- Sản phụ sau sinh không được chăm sóc đúng cách.
- Nghiên cứu cho thấy từ 5% đến 7% phụ nữ bị nhiễm trùng hậu sản sau khi sinh con. Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể bị viêm nội mạc tử cung sau sinh, nhưng tỷ lệ nhiễm trùng ở những ca sinh mổ (mổ lấy thai) cao hơn 5-10 lần so với những ca sinh thường qua đường âm đạo.
Chẩn đoán
Nhiễm trùng hậu sản có thể được bác sĩ chẩn đoán thông qua khám sức khỏe. Bác sĩ có thể lấy nước tiểu hoặc mẫu máu để xét nghiệm vi khuẩn hoặc sử dụng tăm bông để lấy dịch trong tử cung của thai phụ.
Nhiễm trùng hậu sản có thể phát triển nếu nhiễm trùng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Áp xe hoặc túi mủ
- Viêm phúc mạc, hoặc viêm niêm mạc bụng
- Viêm tắc tĩnh mạch vùng chậu, hoặc cục máu đông trong tĩnh mạch vùng chậu
- Thuyên tắc phổi, tình trạng cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch trong phổi.
- Nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng, tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây viêm nhiễm nguy hiểm
Phòng ngừa bệnh
Để có một thai kỳ trọn vẹn, con khỏe mạnh mẹ an nhàn, mẹ bầu cần lưu ý các giai đoạn trước, trong và cả sau khi mang thai, hạ sinh em bé để tránh nguy cơ nhiễm trùng hậu sản.
- Trước khi mang thai: Khám phụ khoa và khám sức khỏe định kỳ, điều trị ổn định các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa và nội khoa như thiếu máu, tiểu đường, tim mạch, suy dinh dưỡng,…;
- Trong thai kỳ: Khám thai theo quy định để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, bệnh thận, tiểu đường, tăng huyết áp,…;
- Sau sinh: Ăn uống đủ chất, không kiêng khem quá mức; nên vận động đi lại sớm, không nằm một chỗ trong buồng tối. Vệ sinh và giữ sạch sẽ vùng kín, vết khâu tầng sinh môn, đường mổ thành bụng khô sạch, kiêng quan hệ tình dục… hạn chế nguy cơ nhiễm trùng hậu sản.
Bên cạnh đó, mẹ bầu nên lựa chọn đơn vị chăm sóc thai kỳ an toàn, lựa chọn nơi sinh đảm bảo các yếu tố:
- Đảm bảo điều kiện vô khuẩn khi đỡ đẻ, khi thăm khám, các thủ thuật, phẫu thuật.
- Đảm bảo không sót rau trong tử cung, xử trí tốt các tổn thương đường sinh dục khi mẹ vượt cạn.
- Phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp nhiễm khuẩn đường sinh dục trước trong và sau sinh.
Điều trị như thế nào?
Dựa theo phác đồ chung của tổ chức y tế thế giới (WHO) quy định, tùy từng hình thái nhiễm khuẩn đã nêu trên, sẽ có những phương pháp điều trị nhiễm khuẩn hậu sản khác nhau.
- Nếu nhiễm khuẩn nhẹ ở bộ phận sinh dục ngoài (âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn) có thể dùng kháng sinh toàn thân và vệ sinh, làm sạch, sát trùng tại chỗ để ngăn chặn nguy cơ tiến triển nặng.
- Đối với viêm tử cung toàn bộ, viêm niêm mạc tử cung thì có thể dùng kháng sinh, đặt kháng sinh trong âm đạo hoặc dùng kháng sinh toàn thân với liều lượng mạnh hơn.
- Đặc biệt, khi sản phụ không may bị nhiễm khuẩn huyết, thậm chí là viêm phúc mạc ổ bụng thì ngoài việc dùng kháng sinh, cần phải làm phẫu thuật để vệ sinh ổ bụng hoặc tệ nhất sẽ phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
Các loại thuốc kháng sinh toàn thân thường được sử dụng như: ampicillin, gentamycin. Thuốc tăng co bóp tử cung: Oxytocin, ergometrine… Sử dụng kháng sinh toàn thân đúng liều lượng để ức chế tình trạng nhiễm trùng.
Sau khi điều trị, sản phụ cần chú ý đến khẩu phần dinh dưỡng. Ăn đủ chất để thúc đẩy sự phục hồi, kiêng các chất kích thích như cà phê và các đồ uống có cồn như rượu, bia; không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc khói thuốc lá.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.