Nhận biết sớm dấu hiệu mang thai tuần đầu có thể giúp chị em chủ động lên kế hoạch chăm sóc một thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chị em tỏ ra khá lúng túng về những dấu hiệu mang thai, nhất là những trường hợp mang thai lần đầu. Vậy dấu hiệu mang thai tuần đầu sẽ như thế nào? Hãy cùng Pharmacity khám phá thêm về chủ đề này trong bài viết dưới đây.
Liệt kê các dấu hiệu mang thai tuần đầu tiên
Dưới đây là một số dấu hiệu có thai tuần đầu:
- Chậm kinh: Có nhiều nguyên nhân gây chậm kinh và đây cũng chính là một trong những dấu hiệu có thai sớm nhất mà chị em có thể nhận biết khi có thai. Thông thường, nếu kinh nguyệt đều, quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp phòng ngừa và có biểu hiện chậm kinh khoảng 5 đến 7 ngày thì khả năng thụ thai của chị em là rất cao.
- Xuất hiện máu báo thai (xuất hiện từ ngày thứ 6-12 sau khi trứng thụ tinh): Khi trứng được thụ tinh thành công, vị trí làm tổ của phôi thai trong tử cung có thể gây chảy máu với một lượng nhỏ – được gọi là máu báo. Lượng máu báo thai rất ít và thường có màu hồng. Tuy nhiên, không phải bà bầu nào có thai cũng có hiện tượng máu báo.
- Căng tức ngực: Khi phôi thai phát triển, lượng estrogen và progesterone trong cơ thể bà bầu tăng cao và làm tăng lưu lượng máu đến vùng ngực khiến ngực căng tức và nhạy cảm hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau, căng tức ngực trở nên nghiêm trọng hoặc có kèm theo những triệu chứng bất thường khác thì chị em nên đi khám để được bác sĩ kiểm tra sức khỏe, tránh nhầm lẫn với những bệnh lý khác.
- Hồi hộp, khó thở: Khi mang thai, một lượng lớn hormone progesterone sẽ được cơ thể sản xuất ra và có thể ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp và tim mạch. Do đó, mẹ bầu có thể xuất hiện tình trạng khó thở hoặc thở dốc. Bên cạnh đó, chị em cũng có biểu hiện lo lắng, hồi hộp và có chút căng thẳng hơn do sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể sẽ dần thích nghi được với những thay đổi này, giúp mẹ bầu có thể sinh hoạt bình thường.
- Thân nhiệt tăng: Khi phôi thai bắt đầu phát triển, cơ thể sản xuất thêm lượng hormone progesterone, khiến lưu lượng máu tăng lên và dẫn đến tăng thân nhiệt. Do đó, mẹ bầu cảm thấy nóng hơn bình thường, cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn.
- Một số thay đổi ở âm đạo: Khí hư và dịch tiết âm đạo tăng bất thường trong tuần đầu mang thai.
- Cơ thể mệt mỏi, tâm trạng thay đổi thất thường: Đây cũng là dấu hiệu có thai tuần đầu mà nhiều mẹ bầu gặp phải. Do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai nên chị em luôn cảm thấy mệt mỏi và không muốn làm gì khi mang thai. Thay đổi nội tiết tố cũng ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh, khiến tâm trạng chị em thay đổi thất thường.
- Nhạy cảm với mùi: Khứu giác của mẹ bầu nhạy cảm hơn bình thường. Đôi khi mùi hương chỉ thoáng qua, chị em đã có cảm giác buồn nôn, khó chịu. Một số trường hợp còn bị khó chịu với những loại mùi mà trước đây mình rất thích.
- Có thể bị chuột rút: Khi mang thai, tử cung cần được giãn rộng để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi. Chính vì thế, gây ra tình trạng chuột rút. Để giảm triệu chứng này, chị em có thể ngâm chân với nước ấm để cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.
- Một số dấu hiệu có thai tuần đầu khác có thể kể đến như đầy hơi, táo bón, chướng bụng, thèm ăn, đau lưng, đau đầu,…
Cần làm gì khi thấy dấu hiệu mang thai tuần đầu tiên?
Những tuần mang thai đầu tiên, nhất là 12 tuần đầu sẽ là giai đoạn vô cùng quan trọng bởi thai nhi có kích thước rất nhỏ mẹ thường ít quan tâm tới chế độ ăn uống, nghỉ ngơi nên cũng nhạy cảm hơn từ tác động môi trường. Nếu như không chăm sóc tốt ở giai đoạn này, thai nhi có thể chậm phát triển, dị tật hoặc thậm chí là sảy thai sớm. Do đó, mang thai tuần đầu các mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:
- Bảo vệ thai nhi trước các tác động xấu: Ở giai đoạn đầu tiên là giai đoạn dễ sảy thai nhất nhiều khi chị em sảy thai còn chưa biết bản thân mình mang thai. Do đó, việc đầu tiên cần làm đó chính là dựa vào ngày quan hệ và rụng trứng để có thể theo dõi và xem xét khả năng mang thai của mình. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sảy thai trong đó nguyên nhân không thể kiểm soát được như biến dị, sai lệch nhiễm sắc thể, môi trường, sức khỏe, dinh dưỡng,….
- Dưới đây là những biện pháp giúp hạn chế nguy cơ sảy thai sớm ở trong những tuần đầu tiên:
- Không nên mang thai và sinh con quá gần, tốt nhất là nên sinh cách nhau ít nhất 24 tháng để giúp sức khỏe không bị ảnh hưởng cả mẹ và thai nhi.
- Các mẹ không nên sinh con ở độ tuổi từ 35 trở đi, mẹ mang thai có nguy cơ dị tật và nhiều biến chứng thai kỳ cao hơn.
- Tránh các hoạt động mạnh gây ảnh hưởng tới động thai, sảy thai nhất là các môn thể thao vận động sử dụng sức lực như nhảy dây, leo núi, chạy bộ hay đạp xe….
- Tập thể dục nhẹ nhàng, tốt nhất là nên chọn các môn thể thao phù hợp với chị em mang thai như đi bộ, tập yoga,…
- Nên tiêm phòng đầy đủ vắc xin trước và trong thai kỳ ở thời điểm thích hợp được khuyến cáo.
- Hãy khám sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn và mang thai để phát hiện nguy cơ dị tật thai từ đó có biện pháp phòng ngừa tốt nhất.
- Không nên sử dụng đồ uống có hại như rượu bia, thuốc lá hay tiếp xúc với hóa chất độc hại các tia bức xạ….
- Giữ gìn sức khỏe tránh bệnh lý nhất là bệnh do virus có thể gây biến chứng chẳng hạn như sốt virus, cảm lạnh,…
- Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Phụ nữ mang thai tuần đầu nên chăm sóc một cách toàn diện, ngoài việc hạn chế các nguyên nhân gây sảy thai, dị tật thai hay chậm phát triển.
- Bổ sung thực phẩm tươi giàu dinh dưỡng: Khi mang thai các mẹ bầu hay có cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn thế nên hãy tăng cường bổ sung thực phẩm tươi ít gây kích thích đường ruột, thực phẩm giàu dinh dưỡng. Một số thực phẩm tốt cho thai kỳ có các chất như: sắt, canxi, protein, acid folic mẹ cũng nên quan tâm. Uống sữa hoặc sử dụng thực phẩm dinh dưỡng kết hợp với chế độ ăn ở giai đoạn thai kỳ cũng rất cần thiết để mẹ bầu có đủ dinh dưỡng cho sức khỏe tốt nhất. Nên lựa chọn thực phẩm an toàn vệ sinh, sạch sẽ để có được sự an toàn cho sức khỏe mẹ bầu.
- Kiêng thực phẩm có hại: Khi mang thai trong tuần đầu tiên, mẹ cần lưu ý tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm như rau ngót, dứa gai, đu đủ xanh,… Bởi nếu ăn quá nhiều thực phẩm này sẽ dẫn tới đau bụng, khó chịu, co thắt tử cung và nghiêm trọng hơn là sảy thai. Về sữa uống dùng khi mang thai cần phải chọn sữa và các chế phẩm từ sữa đã được tiệt trùng để đảm bảo an toàn nhất không bị nhiễm khuẩn.
- Giữ tâm lý thoải mái và yêu đời hơn: Tâm lý tích cực và thoải mái, vui vẻ yêu đời là yếu tố quan trọng để thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh nhất. Khi phát hiện mang thai trong những tuần đầu, mẹ cần cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn ngủ sớm hơn và đủ giấc, hãy làm việc nhẹ nhàng để an thai và tránh các biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, để có thể theo dõi và chăm sóc sức khỏe thai tốt hơn, bạn cũng cần nhớ hãy đi khám thai ở các mốc quan trọng. Qua đó, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe, sàng lọc dị tật thai để tư vấn và mẹ bầu có thể chăm sóc thai tốt hơn.
Lời khuyên cho phụ nữ nghi ngờ mang thai
Để biết chính xác bạn có mang thai hay không, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để siêu âm, xét nghiệm. Xác định mang thai sớm rất quan trọng, giúp bạn điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp, tốt cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu rất dễ sảy thai, những thai phụ có tiền sử sảy thai, sinh non cần hết sức thận trọng trong giai đoạn này. 3 tháng đầu còn là thời điểm vàng thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh cho bé chính xác nhất, sớm phát hiện dị tật bẩm sinh như bệnh Down. Vì vậy, khi có những nghi ngờ mang thai, bạn nên siêu âm sớm. Kết quả siêu âm phụ thuộc rất lớn vào trình độ của kỹ thuật viên và trang thiết bị hiện đại, khi lựa chọn cơ sở y tế siêu âm nên dựa trên hai yếu tố này.
Trên đây là những thông tin cần thiết về mang thai tuần đầu mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng các bạn sẽ nắm rõ, nhất là những bạn chuẩn bị mang thai. Mến chúc các thai phụ sẽ có một thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh, “mẹ tròn con vuông”.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.