Bệnh tâm thần phân liệt là gì?
Tâm thần phân liệt (TTPL) là một bệnh loạn thần nặng tiến triển, có khuynh hướng mạn tính, làm cho người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong với những hành vi, ý nghĩ kỳ dị, khó hiểu.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân phát sinh bệnh TTPL được các nhà khoa học đã và đang tiếp tục nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau. Cho đến nay nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng TTPL là bệnh di truyền và nghiên cứu bệnh theo hướng này. Theo đó, nguy cơ bị TTPL chỉ phát hiện ở khoảng 10% anh chị em ruột, 12% con cái và 6% cha mẹ những người mắc bệnh TTPL; nếu cả cha lẫn mẹ đều bị TTPL thì nguy cơ bị bệnh ở các con cũng chỉ từ 30 – 40%. Phương thức di truyền TTPL hiện nay đang vẫn còn là những giả thuyết với các thuyết một gen, hai gen, nhiều gen… Thực tế mối tương quan giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường tâm lý xã hội đối với sự phát sinh bệnh cũng chưa xác định được.
Ngoài ra, còn có nhiều hướng nghiên cứu khác như: tự miễn dịch, nhiễm virus chậm, rối loạn chuyển hóa chất catecholamine, serotonin, dopamine, gamma-aminobutyric axit, endorphin…; tình trạng nhân cách trước khi bị bệnh, mất thích ứng với các stress tâm lý xã hội, rối loạn cấu trúc và xung đột gia đình; các biến đổi văn hóa, xã hội…
Một hướng nghiên cứu được các nhà khoa học chú ý đến trong thời gian gần đây là giả thuyết tăng hoạt động hệ phản ứng dopamin trong tâm thần phân liệt, giả thuyết này được các nhà tâm thần dược lý và tâm thần bệnh học ủng hộ trên cơ sở các loại thuốc an thần kinh làm hạ hoạt động của dopamin ở các nhân xám thần kinh trung ương tại não gây ra các tác dụng phụ ngoại tháp, đồng thời cũng làm mất những triệu chứng loạn thần cơ bản của tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, kết quả của giả thuyết dopamin cũng như của bất cứ giả thuyết nào khác mà riêng chúng vẫn chưa có đầy đủ giá trị chứng minh mang tính thuyết phục. Quan điểm hiện nay của phần lớn các nhà khoa học là không nên xem TTPL như một đơn thể bệnh thuần nhất mà nên xem chúng gồm nhiều nhóm bệnh khác nhau. Vì vậy, có thể nói bệnh TTPL không do một nguyên nhân độc nhất mà do nhiều nguyên nhân cả sinh học lẫn môi trường kết hợp với nhau để hình thành.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tâm thần phân liệt
- Ảo giác: Khi một người nhìn thấy, nghe hoặc cảm thấy những điều không thực tế.
- Hoang tưởng: Khi một người tin vào những điều bất thường, không phù hợp hoàn cảnh và không thể thuyết phục họ
- Rối loạn hình thức tư duy: Suy nghĩ kỳ quặc, phi lý…
- Triệu chứng âm tính: Thu mình, cách ly khỏi xã hội, khó thể hiện cảm xúc hoặc khó khăn trong các hoạt động bình thường. Các triệu chứng có thể gặp như vô cảm, giảm động lực, lười vệ sinh cá nhân,…
- Các triệu chứng khác: Hành vi và trang phục khác thường; Vấn đề với trí nhớ; Thay đổi thói quen ăn, ngủ; Vấn đề tập trung, chú ý
- Thay đổi cảm xúc: Các thay đổi có thể là trầm cảm, lo âu, căng thẳng, sợ hãi, dễ cáu giận, tức giận hoặc thay đổi tâm trạng, có khi lại hưng phấn vui vẻ, có khi lại thờ ơ không giao tiếp nói chuyện với ai, không quan tâm đến mọi việc xảy ra xung quanh
- Hành vi tác phong: hành vi thay đổi, học tập và làm việc kém đi, trở nên ít hoạt động, cô lập hơn, giảm quan tâm đến xã hội xung quanh.
Cách phòng tránh
Cách phòng tránh bệnh tâm thần phân liệt:
- Không sử dụng chất kích thích: nhất là ở tuổi vị thành niên, vì ở lứa tuổi này, não bộ vẫn còn phát triển.
- Tránh bạo hành hoặc các tình huống bi kịch: nếu bạn đang bị bạo hành hoặc đang gặp các bi kịch nguy hiểm, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý.
- Luôn giữ liên lạc với bạn bè và các mối quan hệ xã hội: các mối quan hệ xã hội giúp bạn duy trì lòng tự trọng, giảm căng thẳng, không cảm thấy cô đơn và giữ cho bản thân bận rộn. Đặc biệt là các trẻ vị thành niên nên được khuyến khích giữ liên lạc với bạn bè và tránh cô lập bản thân.
- Học cách kiểm soát căng thẳng: căng thẳng kéo dài và lo âu đều không tốt cho sức khỏe.
- Chăm lo cho bản thân bằng cách ăn uống đủ chất, tập luyện thể dục thường xuyên. Và cần phải tránh chấn thương đầu, ví dụ như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và khi tham gia các môn thể thao va chạm mạnh.
- Nên đi gặp bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như cảm thấy nghi ngờ hoặc có những suy nghĩ kì lạ. Liệu pháp hành vi nhận thức có thể giúp bạn nhận ra sớm hơn các triệu chứng sớm của bệnh tâm thần phân liệt và hạn chế tới mức tối đa các ảnh hưởng của bệnh tới công việc, học tập và cuộc sống xã hội.
Người mắc tâm thần phân liệt tái phát thường để lại hậu quả rất nặng nề. Mỗi lần tái phát sẽ gây tổn thương chất trắng và chất xám khiến cho teo não tiến triển. Nếu như bạn đã mắc bệnh tâm thần phân liệt và hiện đang điều trị thì bạn và người nhà nên thực hiện tiếp những điều sau để tránh các cơn tái phát bệnh xuất hiện:
- Chú ý tới những triệu chứng báo động của cơn tái phát bệnh
- Sử dụng thuốc điều trị đúng liều lượng, đúng chỉ dẫn của bác sĩ ngay cả khi các triệu chứng của bệnh dường như biến mất. Ngưng thuốc đột ngột là lí do hay gặp nhất khi có cơn tái phát bệnh.
- Tránh dùng rượu bia và các chất kích thích có hại
- Tìm cách tốt nhất để kiểm soát căng thẳng: Khi bạn cảm thấy quá tải, hãy ngừng một chút để nghỉ ngơi. Nếu bạn đang giúp đỡ một người bạn hoặc người thân đang mắc bệnh, hãy giúp họ tìm những cách lành mạnh để thư giãn.
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày: Một vài nghiên cứu gợi ý rằng tập thể dục đi đôi với dùng thuốc có thể làm giảm các triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ là một vấn đề to lớn với bệnh nhân tâm thần phân liệt. Tập thể dục và hạn chế sử dụng cafein để có được một giấc ngủ tốt.
Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần có ảnh hưởng khá lớn tới cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, bạn nên thực hiện theo những biện pháp trên để phòng bệnh và tránh tái phát bệnh nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.