Mất một thai nhi, bất kể giai đoạn nào của thai kỳ, đều gây ra sự đau đớn và mất mát sâu sắc cho người mẹ. Trong số các trường hợp sảy thai, sảy thai ở giai đoạn đầu thường xảy ra phổ biến hơn. Nắm vững về sảy thai sớm, bao gồm nguyên nhân và biện pháp phòng tránh, có thể giúp giảm thiểu nguy cơ này, tạo điều kiện cho một thai kỳ khỏe mạnh hơn.
Sảy thai thường xuất hiện ở những tháng đầu tiên của thai kỳ (3 tháng đầu tiên)
Nguyên nhân sảy thai.
Một số lý do khiến thai kỳ kết thúc sớm là:
- Các vấn đề về nhiễm sắc thể: Khoảng 50% các ca sảy thai sớm là do thai nhi gặp bất thường về nhiễm sắc thể. Em bé nhận được hai bộ nhiễm sắc thể – một bộ từ cha và bộ kia từ mẹ. Khi một trong hai bộ nhiễm sắc thể này bị khiếm khuyết có thể dẫn tới sảy thai. Thống kê cho thấy các vấn đề về nhiễm sắc thể là nguyên nhân gây ra một nửa số ca sảy thai.
- Các cục máu đông: Một tình trạng có tên là hội chứng kháng phospholipid (APS) gây ra cục máu đông có thể khiến thai kỳ kết thúc sớm.
- Mẹ lớn tuổi: Khi phụ nữ già đi, số lượng trứng có bất thường nhiễm sắc thể được phóng ra ngày càng nhiều, làm tăng nguy cơ sảy thai sớm.
- Sức khỏe của mẹ: Sảy thai có thể bắt nguồn từ việc mẹ có các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường không kiểm soát được, nhiễm trùng, các vấn đề về hormone, lạc nội mạc tử cung, bệnh tuyến giáp cũng như các bất thường trong tử cung (u xơ tử cung hoặc mô sẹo).
- Thai phụ hút thuốc lá và uống nhiều rượu.
- Lạm dụng thức uống chứa caffeine: Dung nạp caffeine liều lượng cao (hơn 300mg/ngày) làm tăng nguy cơ sảy thai sớm.
- Cân nặng của mẹ: Phụ nữ nhẹ cân hoặc thừa cân đều có nguy cơ sảy thai sớm cao hơn so với người có cân nặng ổn định.
- Có tiền sử sảy thai: Những phụ nữ bị sảy thai từ 2 lần trở lên có nguy cơ bị sảy thai cao hơn trong tương lai.
- Nhân tố môi trường: Thai phụ tiếp xúc với hóa chất độc hại, bị ngộ độc thực phẩm, gặp phải chấn thương tác động vào vùng bụng, sử dụng các loại thuốc có hại cho thai nhi… đều có thể dẫn đến sảy thai sớm.
Dấu hiệu sảy thai
Dấu hiệu sảy thai có thể khác nhau ở mỗi người, có một số thai phụ trải qua tất cả dấu hiệu nhưng số khác chỉ có những thay đổi nhẹ trên cơ thể:
- Mất triệu chứng mang thai: Đối với các mẹ đang bị nghén nhưng đột nhiên mất các dấu hiệu như ngực không còn căng tức, không thấy buồn nôn…
- Chảy máu bất thường: Nếu âm đạo chảy máu đỏ tươi rồi ngưng, lặp đi lặp lại, màu sắc của máu cũng thay đổi từ màu đỏ tươi tới màu nâu mận chín, là triệu chứng báo hiệu hàm lượng hormone đang sụt giảm và quá trình sảy thai có thể xảy ra.
- Đau bụng dưới, đau lưng: Biểu hiện này giống như khi bạn bị đau kinh nguyệt. Nhưng nó cũng là dấu hiệu thường gặp nhất của sảy thai và mang thai ngoài tử cung. Do vậy, nếu thấy xuất hiện những cơn co thắt co tử cung (khoảng 5-20 phút một lần) làm cho bạn đau thắt và thở khó khăn và theo sau đó là chảy máu âm đạo cần phải đi khám ngay.
- Chuột rút kèm chảy máu: Nếu chuột rút đi kèm với chảy máu âm đạo và khó thở thì phần nhiều là bạn bị sảy thai.
- Áp lực vùng chậu: Nếu áp lực vùng chậu do thai nhi đè nặng và đi kèm với chứng chảy máu âm đạo, chuột rút thì đó là dấu hiệu rất rõ chỉ ra rằng bạn chuẩn bị sảy thai.
- Dịch nhờn ở âm đạo nhiều: Dịch nhờn xuất hiện nhiều bất thường ở âm đạo kèm những cục máu đông và chất lỏng có màu hồng, có thể là dấu hiệu bạn sắp sảy thai. Đặc biệt khi dịch nhờn này có mùi hôi nặng là rất đáng lo ngại.
- Thử thai âm tính: Xét nghiệm có thai dương tính sau đó lại âm tính là một dấu hiệu điển hình của việc mang thai ngoài tử cung, và thường đi kèm với việc ra máu lốm đốm.
Cách phòng tránh sảy thai trong 3 tháng đầu tiên
Bạn có thể cải thiện cơ hội mang thai khỏe mạnh và giảm nguy cơ sảy thai sớm bằng cách:
- Bổ sung acid folic: Nghiên cứu cho thấy bổ sung 800 microgam (mcg) acid folic (vitamin B9) mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh – một trong những nguyên nhân dẫn đến sảy thai. Cần phải dùng acid folic ít nhất 3 tháng trước khi có thai. Tiếp tục dùng nó trong ba tháng đầu, để đạt được lợi ích tốt nhất.
- Tuân thủ lối sống lành mạnh: Bỏ hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc, không lạm dụng rượu bia, hạn chế lượng caffeine nạp vào (ít hơn 300mg/ngày)… là những việc đầu tiên bạn cần làm nếu muốn có một thai kỳ an toàn. Bên cạnh đó, cần xây dựng các thói quen tốt như tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, có chế độ ăn uống khoa học và cân bằng trong cả ba tam cá nguyệt.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân – béo phì hoặc nhẹ cân đều làm tăng nguy cơ gặp biến chứng khi mang thai, trong đó có sảy thai. Cho nên, bạn cần cố gắng duy trì chỉ số BMI trong giới hạn bình thường. Đây chính là tiền đề của một thai kỳ khỏe mạnh.
- Đề phòng nhiễm trùng: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người và tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh truyền nhiễm sẽ giúp bạn tránh các bệnh dễ lây lan như cúm, thủy đậu, rubella… Đừng quên tiêm ngừa các loại vaccine tiền mang thai để bảo vệ bản thân và thai nhi trong 9 tháng 10 ngày.
- Kiểu soát các bệnh mạn tính: Nếu bạn có các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc bệnh tự miễn, hãy điều trị triệt để hoặc kiểm soát tốt tình trạng bệnh trước khi mang thai. Việc làm này giúp ngăn ngừa sảy thai sớm.
- Có đời sống tình dục lành mạnh: Một số bệnh lây qua đường tình dục (STDs) là tác nhân dẫn đến các biến chứng thai kỳ. Vì thế, hãy chắc chắn bạn không mắc những bệnh lý này trước khi mang thai. Trong suốt thai kỳ, hãy sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ mắc STDs.
Tuân thủ lối sống lành mạnh là việc cần làm nếu muốn có một thai kỳ an toàn
Sảy thai sớm là không thể ngăn ngừa nếu đó là kết quả của sự bất thường về nhiễm sắc thể. Để giảm nguy cơ sảy thai sớm do nguyên nhân chủ quan, bạn cần chăm sóc bản thân và cố gắng duy trì một thai kỳ khỏe mạnh thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và tuân thủ khám thai đúng lịch.
Kết luận
Việc sảy thai trong 3 tháng đầu là một tình huống đau buồn và có thể để lại nhiều ảnh hưởng tâm lý cho phụ nữ. Tuy nhiên, hiểu rõ nguyên nhân và dấu hiệu của sảy thai có thể giúp bạn phòng tránh và bảo vệ thai kỳ tốt hơn. Hãy chú ý duy trì một lối sống lành mạnh, bổ sung acid folic, giữ cân nặng hợp lý và kiểm soát các bệnh lý mạn tính nếu có. Đừng quên tiêm phòng đầy đủ và giữ vệ sinh tốt để tránh các nhiễm trùng có thể gây hại cho thai nhi. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ ngay lập tức. Chăm sóc sức khỏe của bản thân là bước đầu tiên để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Hãy luôn lắng nghe cơ thể mình và tuân thủ các hướng dẫn y tế để bảo vệ bạn và em bé.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.