Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính thường gặp và có tỷ lệ mắc rất cao, bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, hãy tìm hiểu rõ về bệnh để phòng ngừa và kiểm soát tốt hơn.
Tăng huyết áp là gì?
Huyết áp (HA) là áp lực máu lên thành động mạch, được tạo ra do sự co bóp của tim và sức cản của động mạch và đo lường bằng mmHg.
Tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp xảy ra khi áp lực máu lên các thành động mạch cao hơn so với bình thường, khi đó chỉ số huyết áp đo được ở mức bằng hoặc vượt mức 140/90 mmHg so với bình thường ở mức dưới 120/80 mmHg.
Tăng huyết áp là một bệnh lý rất thường gặp trong cộng đồng, tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng tăng và độ tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ hóa. Vào năm 2015, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn thế giới có tới 1,13 tỷ người bị tăng huyết áp.
Bạn có thể mắc bệnh tăng huyết áp nhưng không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào, bệnh nguy hiểm ở chỗ nó thường diễn biến âm thầm và gây ra những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại hệ lụy nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp
Khoảng 90 – 95% các trường hợp bị tăng huyết áp là không có nguyên nhân trực tiếp, còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Có một vài yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp như:
-
- Lạm dụng rượu bia và thuốc lá;
-
- Chế độ ăn nhiều muối;
-
- Ăn nhiều loại chất béo có hại;
-
- Ít vận động cơ thể;
-
- Chế độ ăn ít trái cây và rau củ;
-
- Thừa cân, béo phì.
Có khoảng < 10% số người bị tăng huyết áp là có nguyên nhân gọi là tăng huyết áp thứ phát, hay tăng huyết áp có căn nguyên. Khi bạn bị tăng huyết áp xuất hiện sớm (khi còn trẻ) hoặc tăng huyết áp rất khó đưa về mức bình thường thì cần tìm hiểu kỹ xem có nguyên nhân nào không. Những nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát thường gặp như:
-
- Bệnh lý về thận như viêm cầu thận mạn, hẹp động mạch thận;
-
- Bệnh tuyến thượng thận;
-
- Tăng huyết áp thai kỳ;
-
- Hẹp eo động mạch chủ,…
Nhận biết một số triệu chứng bệnh lý tăng huyết áp
Nhiều trường hợp người bị tăng huyết áp không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu gì và chỉ nhận biết khi bệnh gây biến chứng nguy hiểm hoặc tình cờ phát hiện bệnh. Một số trường hợp có thể nhận biết bệnh tăng huyết áp thông qua các triệu chứng như nhức đầu, dễ mệt, đau ngực, hồi hộp, khó thở, nhịp tim nhanh,…
Nhức đầu, hồi hộp, khó thở là một vài các triệu chứng nhận biết bệnh tăng huyết áp
Phần lớn bệnh nhân tăng huyết áp không biết họ mắc bệnh, triệu chứng bệnh thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, mọi người hãy chủ động khám sức khỏe tổng quát định kỳ, đo huyết áp thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời
Biến chứng tim mạch nguy hiểm do tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp có thể gây nhiều biến chứng như suy thận, mù lòa, xuất huyết não, đột quỵ,…Đặc biệt, tăng huyết áp là khởi đầu trong chuỗi các bệnh tim mạch nguy hiểm, nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các bệnh tim mạch nguy hiểm.
-
- Thiếu máu cơ tim – nhồi máu cơ tim;
-
- Tai biến mạch não;
-
- Suy tim – suy thận;
-
- Bệnh tim giai đoạn cuối, dẫn đến tử vong.
Tăng huyết áp là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các bệnh tim mạch nguy hiểm
Chính vì vậy, nhận biết và điều trị sớm để kiểm soát huyết áp về mức bình thường sẽ giúp bạn phòng ngừa các bệnh tim mạch nguy hiểm do tăng huyết áp gây nên.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp có thể gặp ở mọi đối tượng nam và nữ, độ tuổi mắc bệnh phổ biến từ 35 tuổi trở lên. Ngoài ra, nhóm đối tượng sau đây thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
-
- Người trong gia đình có người bị tăng huyết áp: Tăng huyết áp có khả năng di truyền trong gia đình, do đó nếu ba mẹ hay người thân trong gia đình mắc bệnh thì nguy cơ bạn mắc tăng huyết áp sẽ cao hơn.
-
- Người lạm dụng rượu bia: Uống rượu bia vượt quá mức cho phép sẽ khiến cho chỉ số huyết áp bạn tăng cao.
-
- Người thường xuyên sử dụng thuốc lá: Trong thuốc lá chứa chất nicôtin độc hại có khả năng dẫn đến mắc bệnh cao huyết áp gấp 2.5 lần so với người không hút thuốc lá.
-
- Người ít vận động cơ thể: Không vận động hoặc ít vận động sẽ khiến bạn có nhịp tim cao hơn, áp lực đè lên thành động mạch nhiều có khả năng gây bệnh tăng huyết áp cao. Ngoài ra, ít vận động khiến bạn dễ bị thừa cân, béo phì và tăng khả năng mắc bệnh.
-
- Người có chế độ ăn uống thiếu khoa học: Chế độ ăn nhiều muối, nhiều loại chất béo có hại và ăn ít trái cây, rau củ tốt cho sức khỏe khiến cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng. Đây là một trong các nguyên nhân gây nên các bệnh lý mạn tính, trong đó có tăng huyết áp.
-
- Người bị thừa cân, béo phì: Người thừa cân thì cơ thể càng cần máu lưu thông nhiều hơn để cung cấp oxy và năng lượng cho cơ thể, từ đó làm tăng áp suất máu lên thành động mạch dẫn đến tăng huyết áp.
Đo chỉ số huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời
Bệnh tăng huyết áp xuất hiện âm thầm, khó nhận biết và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, bạn nên theo dõi sức khỏe và đo chỉ số huyết áp thường xuyên, nếu nhận thấy sự bất thường hãy đến bệnh viện để được kiểm tra, theo dõi và điều trị.
Bạn có thể xem thêm:
-
- Huyết áp thấp – Một nguyên nhân gây tai biến mạch não
-
- Tìm hiểu mối liên quan giữa hệ thần kinh thực vật và tăng huyết áp
-
- Chế độ dinh dưỡng ổn định đường huyết cho người bệnh đái tháo đường
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.