Hội chứng tăng thông khí phổi xảy ra trong trường hợp nhịp hô hấp của bạn tăng nhanh và sâu hơn bình thường. Đây có thể là phản ứng của cơ thể trước các tác nhân liên quan đến tâm lý hoặc là biểu hiện của một số bệnh lý khác nghiêm trọng hơn. Vậy nguyên nhân gây hội chứng tăng thông khí là gì và cách điều trị như thế nào?
Hội chứng tăng thông khí phổi là gì?
Trước khi tìm hiểu những nguyên nhân gây hội chứng tăng thông khí thì đầu tiên, các bạn cần biết rõ về hội chứng này. Hội chứng tăng thông khí phổi còn được gọi là thở quá nhiều, thở nhanh sâu, nhịp hô hấp (hoặc thở) nhanh và sâu… Hội chứng sẽ xuất hiện khi bạn bắt đầu thở rất nhanh.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_gay_hoi_chung_tang_thong_khi_va_phuong_phap_dieu_tri_ea9153aea4.png)
Mà dường như ai cũng biết, hơi thở khỏe mạnh chính là nhờ sự cân bằng giữa việc hít khí oxy vào và thở khí cacbonic ra ngoài. Tuy nhiên, nếu bạn thở ra nhiều hơn, hít vào ít đi thì sự cân bằng ấy sẽ biến mất. Đồng thời, khiến cho lượng khí cacbonic trong cơ thể bị giảm nhanh. Khi ấy, sẽ dẫn đến cảm giác lâng lâng, các ngón tay bị ngứa ran. Thậm chí, thở nhanh nghiêm trọng còn dẫn đến mất ý thức.
Nguyên nhân gây hội chứng tăng thông khí
Có khá nhiều nguyên nhân gây hội chứng tăng thông khí, đó là:
Chấn thương đầu
Bộ não đóng vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát hơi thở. Vì thế, nếu một người bị chấn thương ở đầu, sẽ dẫn đến thay đổi nhịp thở, bao gồm tăng thông khí. Kèm thêm một số triệu chứng khác của chấn thương đầu như buồn nôn, đau đầu, lú lẫn… Trường hợp, gặp chấn thương đầu nghiêm trọng thì tốt nhất, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra.
Bệnh về phổi
Một số bệnh về phổi như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… cũng được biết đến là nguyên nhân gây hội chứng tăng thông khí, khiến cho việc thở trở nên khó khăn hơn. Đường thở có thể bị thu hẹp, dẫn đến thở nhanh. Đặc biệt, bệnh phổi mà gây ra hội chứng tăng thông khí, sẽ thường bắt gặp các triệu chứng là thở khò khè, đau ngực và ho.
Hoảng sợ hoặc căng thẳng
Thêm một lý do phổ biến của hội chứng tăng thông khí đó là bởi cảm xúc hoảng loạn, lo lắng và sợ hãi. Theo nhiều nghiên cứu cho biết, những người mắc tăng thông khí sẽ thấy triệu chứng phổ biến nhất là sợ hãi. Bên cạnh đó, khoảng một nửa số người trong nghiên cứu cũng có tình trạng tâm thần.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_gay_hoi_chung_tang_thong_khi_1_bf501ef1fd.jpg)
Độ cao
Ở độ cao lớn, áp suất không khí và mức oxy sẽ giảm, có thể gây khó thở. Thời điểm này, phổi phải làm việc nhiều hơn để được oxy vào cơ thể. Thậm chí, với độ cao khoảng 8.000 feet (1 feet = 0.3048m), mức oxy thấp, sẽ dẫn đến vấn đề về hô hấp, bao gồm cả hội chứng tăng thông khí. Đối với những người bị hen suyễn, tình trạng này có thể bắt đầu ở độ cao thấp hơn 8.000 feet.
Nhiễm trùng
Một số loại nhiễm trùng trong cơ thể cũng chính là nguyên nhân gây hội chứng tăng thông khí mà rất ít người biết. Cụ thể, các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi có thể gây sưng tấy, tích tụ chất lỏng trong phổi, dẫn đến thở nhanh…
Nhiễm toan ceton do đái tháo đường
Đây thực chất là một biến chứng của bệnh đái tháo đường, sẽ xảy ra nếu cơ thể bạn không có đủ insulin để cung cấp năng lượng, thay vào đó là đốt cháy chất béo. Hội chứng tăng thông khí cũng là triệu chứng của nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Kèm theo một số triệu chứng khác như khát nước, buồn nôn, đi tiểu thường xuyên…
Phương pháp điều trị hội chứng tăng thông khí
Đến đây thì ai cũng biết, có nhiều nguyên nhân gây hội chứng tăng thông khí. Do đó, để điều trị được hội chứng này thì bác sĩ cần xem xét tất cả các triệu chứng của một người. Đồng thời, cũng nên tiến hành thăm khám sức khỏe, hỏi kỹ càng về tiền sử bệnh tật…
Điều quan trọng trong quá trình chữa trị hội chứng tăng thông khí là người bệnh cần phải cố gắng giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp. Bởi mục tiêu chính là tăng lượng khí cacbonic trong cơ thể và làm chậm nhịp thở. Nếu có ai đó cùng bệnh nhân vượt qua thì cực kỳ hữu ích.
Một số phương pháp hỗ trợ điều trị hội chứng tăng thông khí phổ biến là:
Chăm sóc tại nhà
Người bệnh có thể thử áp dụng một số kỹ thuật ngay lập tức để giảm nhẹ triệu chứng thở gấp cấp tính như:
- Giữ hơi thở trong vòng 10 – 15 giây.
- Chu môi khi thở.
- Hít chậm vào 1 túi giấy.
- Che miệng và một bên lỗ mũi. Rồi thở bằng lỗ mũi còn lại.
- Cố gắng hít thở bằng bụng (cơ hoành) thay vì ngực.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_gay_hoi_chung_tang_thong_khi_2_4e35cc5015.jpg)
Giảm căng thẳng
Trường hợp lo lắng hay căng thẳng là nguyên nhân gây hội chứng tăng thông khí thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ tâm lý để tìm hiểu và điều trị tình trạng này. Hạn chế căng thẳng khi học tập cũng như áp dụng đều đặn các kỹ thuật thở sẽ giúp kiểm soát được sự lo lắng, hồi hộp.
Sử dụng thuốc
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể kê toa thuốc cho bạn.
Trên đây là những thông tin giải đáp chi tiết về nguyên nhân gây hội chứng tăng thông khí và một số phương pháp điều trị phổ biến. Mong rằng, từ đó các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích, mới mẻ để biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình và những người trong gia đình tốt nhất.
Phiến Trần
Nguồn tham khảo: Hello Bacsi
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.