Viêm loét dạ dày là bệnh đường tiêu hóa phổ biến nhất, nguy hiểm hơn nếu viêm loét dạ dày có nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày. Khi được phát hiện sớm, bệnh có thể dễ dàng chữa khỏi, nhưng nếu để lâu ngày mà không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng và có thể dẫn đến biến chứng. Vậy bệnh viêm loét dạ dày có dấu hiệu gì? Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày và thực đơn cho người viêm loét dạ dày như thế nào? Cùng Pharmacity tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé.
Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày là tổn thương gây viêm và loét trên niêm mạc dạ dày. Những tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc bảo vệ cuối cùng của dạ dày bị bào mòn làm cho lớp mô bên dưới bị lộ ra.
Trong các trường hợp bị viêm loét, 90% vết loét xảy ra ở tá tràng, 60% vết loét ở dạ dày và 25% là ở bờ cong nhỏ của dạ dày.
Các vết loét nhỏ có thể tự lành nếu người bệnh có chế độ sinh hoạt khoa học và được điều trị sớm. Tuy nhiên nếu để bệnh tiến triển, viêm loét dạ dày có thể gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa nếu ổ loét lớn, chảy máu. Nếu bệnh nhân không được phát hiện biến chứng xuất huyết tiêu hóa để điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong do mất máu.
Viêm loét dạ dày gặp ở mọi lứa tuổi đặc biệt ở người già và chiếm 60% trong tổng số các trường hợp.
Viêm loét dạ dày là tình trạng viêm và loét ở lớp niêm mạc dạ dày
Nguyên nhân viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày có thể gây ra bởi tác nhân trực tiếp gây các ổ loét hoặc từ những yếu tố nguy cơ khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Cụ thể là:
Nguyên nhân trực tiếp
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm dạ dày mạn tính. Loại vi khuẩn này sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ sinh sôi và phát triển tại lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, tiết ra độc tố làm vô hiệu hoá khả năng chống acid của niêm mạc, từ đó gây nên các ổ loét hoặc nghiêm trọng hơn là tiến triển thành ung thư dạ dày.
Yếu tố nguy cơ
Khi lặp đi lặp lại các thói quen hoặc sử dụng các sản phẩm tác động lên niêm mạc dạ dày cũng có thể gây nên các vết loét tại đây. Đó là:
- Lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm: Sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài có thể dẫn tới sự ức chế các chất có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày, từ đó gây đau và viêm loét.
- Thường xuyên bị stress, lo lắng, căng thẳng khiến dạ dày bị mất cân bằng các chức năng, dẫn tới tăng tiết dịch vị dạ dày khiến cho lớp niêm mạc bị phá vỡ hàng rào bảo vệ, dẫn tới các tổn thương.
- Thói quen ăn uống thiếu điều độ: Ăn không đúng bữa, quá đói hoặc quá no, sử dụng các chất kích thích như bia rượu ảnh hưởng tới hoạt động co bóp của dạ dày, tăng tiết dịch vị, tổn thương niêm mạc,….
- Thói quen thức khuya
- Do hoá chất hay các nguyên nhân tự miễn.
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm dạ dày
Các biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày
Triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày
- Đau bụng vùng thượng vị: Đây là dấu hiệu chính của bệnh, cơn đau thường kéo dài âm ỉ hoặc kéo dài từng cơn đi kèm cảm giác bỏng rát. Cơn đau xuất hiện vào lúc đói hoặc vào ban đêm có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
- Ợ hơi, ợ chua, ợ rát, buồn nôn, cảm giác khó chịu ở dạ dày.
- Mất ngủ, ngủ chập chờn, gián đoạn, chủ yếu do nguyên nhân viêm loét dạ dày gây đau.
- Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, táo bón do việc tiêu hóa không ổn định.
Các biến chứng của viêm loét dạ dày
- Viêm loét dạ dày cấp tính: Bệnh ở giai đoạn này có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được can thiệp điều trị sớm.
- Viêm loét dạ dày mạn tính: Là giai đoạn bệnh sau của loét dạ dày cấp tính. Tổn thương trên niêm mạc khi này sẽ lan rộng gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm như:
- Xuất huyết tiêu hoá trên: Có biểu hiện đau vùng thượng bị, hạ huyết áp, nôn ra máu, tiêu máu hoặc tiêu phân đen.
- Thủng dạ dày: Các vết loét ăn sâu có khả năng khiến dạ dày bị thủng dẫn tới tình trạng tăng nhịp tim, hạ huyết áp, đau thắt cường độ lớn cần được cấp cứu kịp thời.
- Hẹp môn vị: Các mô xơ hình thành tại các vết loét khiến lòng dạ dày bị hẹp, cản trở vận chuyển thức ăn gây đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, đau thượng vị, sụt cân trầm trọng.
- Ung thư dạ dày: Dễ gặp tại các vị trí vết loét ở bờ cong nhỏ dạ dày với kích thước trên 2cm. Đặc điểm tại nơi này thường kém đáp ứng với điều trị nên có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư dạ dày.
Các biến chứng của viêm loét dạ dày
Chăm sóc người bệnh viêm loét dạ dày
Với những người loét dạ dày khi ăn cần lưu ý:
- Thức ăn nên thái nhỏ, nấu chín kỹ, mềm, chế biến luộc, hấp hay om giúp cho người đau dạ dày dễ tiêu hóa và dễ hấp thu hơn các món xào, rán.
- Ăn chậm và nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa đọc sách, báo, xem phim, … để giúp gia tăng bài tiết của nước bọt, tiêu hoá dễ dàng hơn.
- Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa được acid.
- Không để bụng quá đói làm dạ dày rỗng, co bóp mạnh hơn gây đau, thậm chí chảy máu; hoặc ăn quá no khiến dạ dày dạ dày căng to, co bóp yếu ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn thức ăn, tăng cọ xát làm gia tăng cơn đau.
- Tránh ăn quá đặc làm dịch vị khó thấm vào giữa khối thức ăn, hoặc ăn quá lỏng và nhiều nước quá làm pha loãng dịch vị, giảm khả năng tiêu hóa.
- Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh đều làm dạ dày co bóp mạnh hơn gây đau. Thức ăn ấm khoảng 40-50 độ C tốt cho tiêu hóa -hấp thu.
Thực phẩm nên ăn
Trong quá trình điều trị tại nhà, người bị viêm loét dạ dày nên lựa chọn các thực phẩm sau đây có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt nhờ các vi chất tự nhiên:
- Rau quả giàu flavonoid: Có tác dụng ức chế sự phát triển của Helicobacter Pylori. Chọn thực phẩm như trà xanh, gừng, táo, hành có hàm lượng flavonoid cao.
- Thực phẩm chứa khuẩn có lợi như sữa chua, miso giúp tăng cường hàng rào bảo vệ hệ tiêu hoá.
- Thực phẩm giàu chất xơ có tác dụng làm giảm cơn đau, giảm lượng acid trong dạ dày. Các thực phẩm gồm bột yến mạch, táo, lê, rau xanh,…
- Vitamin A: Trong rau có màu xanh đậm, khoai lang, cà chua, cà rốt, gan động vật,… có chứa vitamin A giúp giảm cơn đau tại ổ loét, hạn chế tái phát.
- Vitamin C có trong kiwi, bông cải xanh,… có tác dụng làm lành vết thương, tăng khả năng đề kháng chống lại vi khuẩn.
- Ngoài ra các thực phẩm như nghệ, mật ong, nha đam, sữa, trứng gà, quả sung, thịt nạc, cá tươi,… cũng nên cho vào thực đơn của người bị viêm loét dạ dày có tác dụng hỗ trợ điều trị rất tốt.
Thực phẩm tốt cho người viêm loét dạ dày
Thực phẩm nên tránh khi viêm loét dạ dày
- Các đồ uống có cồn, có gas: Chúng gây kích thích đường tiêu hóa, ngăn cản quá trình tiêu hóa thức ăn.
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ: Dễ gây khó tiêu, khiến hệ tiêu hoá gia tăng gánh nặng do thời gian xử lý lâu hơn và gây kích thích dạ dày.
- Các thực phẩm cứng, dai khó tiêu hoá.
- Các loại thịt nguội, thức ăn đóng hộp, chiên rán, rau sống
- Các gia vị như tiêu ớt, dấm tỏi, đồ muối chua.
- Loại quả chua như chanh, cóc, sấu,…
- Chè, cà phê đậm đặc.
Thực phẩm nên tránh cho người viêm loét dạ dày
Thay đổi lối sống
- Kiểm soát stress: Stress có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của loét dạ dày tá tràng. Cần biết cách đối phó cơn stress bằng nhiều biện pháp như: tập thể dục, dành thời gian cho bạn bè, gia đình, viết nhật ký.
- Không hút thuốc: Thuốc lá làm tăng axit dạ dày, do đó làm tăng nguy cơ phát triển ổ loét, cũng như kéo dài thời gian lành ổ loét.
- Hạn chế hoặc ngừng uống rượu: Rượu sẽ gây kích ứng và xoáy mòn niêm mạc dạ dày – ruột, gây nên loét, chảy máu.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ giúp cho hệ thống miễn dịch và giúp bạn chống lại stress. Tránh vừa ăn xong, ngủ liền.
Tập thể dục, kiểm soát stress để giảm nguy cơ viêm loét dạ dày
Thận trọng khi dùng thuốc
- Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau, thuốc khớp vì các thuốc này làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng. Nếu phải sử dụng, cần tư vấn bác sĩ và nên uống thuốc chung với bữa ăn.
- Nếu bạn có nhiễm vi khuẩn H.pylori, bạn nên uống thuốc theo đúng toa của bác sĩ. Uống đúng liều, đúng cữ. Bỏ liều sẽ gây thất bại trong tiệt trừ H.pylori, diệt trừ lại lần sau sẽ khó hơn rất nhiều so với lần đầu.
Khi nào đến gặp bác sĩ?
Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên theo dõi diễn tiến của các triệu chứng có tự mất đi không. Nếu cơn đau vẫn tiếp tục kéo dài và có khuynh hướng càng trầm trọng, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Đặc biệt, bạn nên đến gặp ngay bác sĩ nếu:
- Nôn ói kéo dài liên tục 12 tiếng.
- Sốt cao kèm đau bụng dữ dội ở thượng vị.
- Đi ngoài ra máu.
- Đau bụng dữ dội khi mang thai.
- Cân nặng giảm mạnh.
- Dấu hiệu mất nước.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.