Bệnh động mạch vành (Coronary Artery disease) hay bệnh mạch vành là một tình trạng tim phổ biến. Hệ thống mạch vành có chức năng cung cấp máu cho tim hoạt động, khi tổn thương hệ thống mạch vành sẽ gây thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim.
Bệnh động mạch vành có thể phát triển thầm lặng trong nhiều năm. Các triệu chứng có thể chỉ được chú ý khi đã có tình trạng tắc nghẽn đáng kể ở lòng mạch gây ra các cơn đau thắt ngực. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh mạch vành để phòng ngừa cũng như giảm tiến triển của bệnh.
Những ai thường mắc bệnh mạch vành
Tuổi tác, di truyền, lối sống… đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe động mạch vành.
Đặc điểm của những đối tượng thường dễ mắc bệnh mạch vành như:
- Người cao tuổi: Tuổi già làm tăng nguy cơ tổn thương và thu hẹp động mạch.
- Giới tính: Nam giới thường có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành hơn nữ giới. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ tăng cao hơn khi phụ nữ sau mãn kinh.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim, đặc biệt nếu một người thân (cha, mẹ, anh chị em ruột) phát triển bệnh tim khi còn nhỏ. Nguy cơ cao nhất nếu cha hoặc anh trai bị bệnh tim trước tuổi 55, mẹ hoặc chị gái bị bệnh tim trước tuổi 65.
- Hút thuốc, hít phải khói thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ bệnh.
- Huyết áp cao: Huyết áp cao không được kiểm soát tốt dễ dẫn đến tình trạng xơ cứng động mạch, mạch vành có thể trở nên hẹp và giảm lưu lượng máu chảy qua.
- Rối loạn lipid máu (Tăng mỡ máu): Đây là nguyên nhân hàng đầu và chủ yếu dẫn đến tình trạng thu hẹp lòng mạch và xơ vữa động mạch.
- Đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh mạch vành
- Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa có hại cho sức khỏe tổng thể.
- Các bệnh mãn tính: Ví dụ bệnh thận mạn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành
- Người hay căng thẳng, chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường, muối cũng làm tăng nguy cơ
- Uống rượu bia: Sử dụng rượu nặng có thể làm tổn thương cơ tim, làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh mạch vành
- Người ngủ ít hoặc quá nhiều cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Một đối tượng có thể có nhiều đặc điểm nêu trên, các yếu tố này có thể kích hoạt lẫn nhau làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Đôi khi, bệnh mạch vành có thể xuất hiện và tiến triển mà bệnh nhân không có bất kỳ các yếu tố kể trên. Các đối tượng sau cũng có thể mắc bệnh mạch vành:
- Người có hội chứng ngưng thở khi ngủ: Hội chứng được diễn tả bởi tình trạng hơi thở ngừng lại trong khi ngủ. Điều này gây nên sự giảm nồng độ oxy máu đột ngột, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu , huyết áp sẽ tăng lên.
- Protein phản ứng C độ nhạy cao (hs-CRP): hs-CRP xuất hiện nhiều khi có viêm ở đâu đó trong cơ thể. Nồng độ hs-CRP cao là một nguy cơ của bệnh tim. Người ta cho rằng hs-CRP tăng cao khi các động mạch vành thu hẹp.
- Triglyceride máu cao.
- Tiền sản giật, biến chứng thai kỳ như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ.
- Bệnh nhân mắc bệnh tự miễn (Viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ…)
Nguyên nhân gây bệnh mạch vành
- Mảng xơ vữa được hình thành từ việc lắng đọng của lipid trong lòng mạch: Đây là nguyên nhân hàng đầu. Mảng xơ vữa làm cho đường kính động mạch bị thu hẹp, ngăn chặn máu lưu thông. Các mảng vữa này có thể vỡ ra, hình thành nên cục máu đông.
- Rối loạn nội mô mạch máu: Nguyên nhân này ít phổ biến hơn nhưng cũng dần tăng cao. Sự rối loạn nội mô mạch máu có thể làm tăng xơ vữa và góp phần làm co thắt động mạch vành. Hiện nay, rối loạn chức năng nội mô cũng được công nhận là nguyên nhân gây đau thắt ngực trong trường hợp không có hẹp hoặc co thắt động mạch vành.
- Các nguyên nhân hiếm gặp khác: Thuyên tắc mạch, bóc tách hoặc phình động mạch vành, viêm mạch…
Các cơn đau điển hình
Khi tim không nhận đủ lượng máu cần thiết từ động mạch, bạn sẽ gặp nhiều triệu chứng khác nhau.
- Đau thắt ngực là triệu chứng phổ biến nhất, nó được mô tả kiểu như có sự ép nặng, bóp nghẹt ở vùng ngực, cảm giác khó thở.Cơn đau bệnh mạch vành được một số người diễn tả triệu chứng như là ai đó đang đứng trên ngực của họ. Đau ngực thường xảy ra ở giữa hoặc bên trái vùng ngực. Cơn đau có thể kéo dài từ 3 – 15 phút hoặc hơn.
- Khó thở
- Mệt mỏi: Nếu tim không bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu cơ thể, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi bất thường.
- Đau tim: Một động mạch bị chặn hoàn toàn sẽ gây ra một cơn đau tim. Các dấu hiệu bao gồm: đau ngực, đau vai và cánh tay, khó thở và đổ mồ hôi. Ở phụ nữ, các triệu chứng ít điển hình hơn, chẳng hạn như đau cổ, đau hàm, buồn nôn và mệt mỏi. Một số cơn đau tim không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào đáng chú ý.
Bệnh mạch vành ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh và đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt trong thời đại kinh tế thị trường phát triển đi kèm với lối sống, thói quen kém khoa học hiện nay. Thay đổi một lối sống lành mạnh được cho là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh mạch vành và có một trái tim khỏe.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.