Trên thế giới, cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường (Tiểu đường). Trong đó, hơn 90% mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Gần một nửa vẫn chưa được chẩn đoán. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến đái tháo đường tuýp 2 và những dấu hiệu, biểu hiện của người đái tháo đường tuýp 2 là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 2?
Đái tháo đường tuýp 2 (tiểu đường loại 2) là bệnh lý mạn tính làm rối loạn chuyển hóa glucose, suy giảm chức năng tế bào beta của tuyến tụy và kháng insulin. Tăng glucose trong một thời gian dài sẽ gây ra những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protein, lipid, tổn thương nhiều cơ quan đặc biệt là tim, gan, thận, mắt, thần kinh. Đái tháo đường tuýp 2 không chỉ gặp ở những người lớn tuổi, mà còn gặp ở những người trẻ . Đặc điểm lớn nhất trong sinh lý bệnh của đái tháo đường tuýp 2 là có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường. Nguyên nhân tiểu đường tuýp 2 cụ thể là:
- Yếu tố di truyền (Gen): tiền sử gia đình có thành viên mắc bệnh như ba mẹ, anh chị em ruột. Cũng như bệnh tiểu đường tuýp 1, tiền sử gia đình và gene cũng đóng vai trò gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Yếu tố môi trường: Bao gồm các yếu tố có thể can thiệp, điều chỉnh nhằm hạn chế tình trạng mắc bệnh.
- Sự thay đổi lối sống: như giảm các hoạt động thể lực; thay đổi chế độ ăn uống theo hướng tăng tinh bộ, đường và giảm chất xơ gây dư thừa năng lượng.
- Thường xuyên stress.
- ngủ quá ít hoặc quá nhiều
- Yếu tố môi trường dẫn đến thừa cân hoặc béo phì, lượng chất béo và calo quá nhiều có thể khiến cơ thể bạn khó sử dụng insulin đúng cách.
Nhóm đối tượng dễ bị tiểu đường tuýp 2?
- Sinh hoạt và lối sống không lành mạnh: như hút thuốc nhiều, uống nhiều rượu, ít tập thể dục cụ thể hoạt động thể chất ít hơn 150 phút/tuần
- Béo phì: Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị bệnh tiểu đường tuýp 2 do sự dư thừa mỡ trong cơ thể càng thúc đẩy quá trình đề kháng insulin.
- Tuổi: 45 tuổi trở lên làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
- Chủng tộc: Người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản địa và người châu Á có nhiều khả năng mắc bệnh này.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2: Có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 thì nguy cơ bạn sẽ bị tiểu đường tuýp 2.
- Người mắc tiền sử bệnh lý bao gồm:
- Huyết áp cao: Là yếu tố nguy cơ chính của bệnh đái tháo đường. Tăng huyết áp được định nghĩa là áp lực của máu lên thành mạch từ 140/90mmHg trở lên.
- Rối loạn lipid máu: Những người rối loạn lipid máu tăng nguy cơ đề kháng insulin dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường tuýp 2.
- Rối loạn dung nạp glucose: Tiền đái tháo đường: Đây là tình trạng rối loạn dung nạp glucose nhưng chưa đến mức chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Nếu không có chế độ kiểm soát lượng glucose trong máu kịp thời thì hơn 50% người bệnh sẽ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 sau 5 – 10 năm.
- Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) .
- Tiểu đường thai kỳ khi mang thai hoặc sinh con nặng hơn 4kg.
- Các vấn đề sức khỏe tâm thần: Bao gồm tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm hoặc dùng thuốc chống loạn thần đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Làm cách nào để phát hiện và chẩn đoán chính xác tiểu đường tuýp 2?
Các biểu hiện của tiểu đường tuýp 2 có thể rất nhẹ mà người bệnh không nhận thấy rõ:
- Rất khát
- Đi tiểu nhiều
- Nhìn mờ
- Cáu kỉnh
- Ngứa ran hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân
- Mệt mỏi/cảm thấy mệt mỏi
- Vết thương không lành
- Nhiễm trùng nấm men tiếp tục tái phát
- Cảm thấy đói thường xuyên
- Giảm cân nhiều không rõ nguyên nhân
- Bị nhiễm trùng nhiều hơn
Nếu thấy xuất hiện sẫm màu, da sần sần quanh cổ hoặc nách (bệnh gai đen) có thể xem là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang trở nên đề kháng với insulin hay là dấu hiệu của tiểu đường tuýp 2.
Để chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 bác sĩ thường dựa trên các xét nghiệm sau:
Xét nghiệm HbA1c
Đây là một trong các chỉ số không thể bỏ qua để chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2. Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ biết được mức đường huyết trung bình của người bệnh vài tháng trước khi làm xét nghiệm.
Bằng việc đo lường tỷ lệ đường huyết gắn với hemoglobin – protein vận chuyển oxy ở tế bào hồng cầu sẽ xác định được lượng đường huyết của người bệnh. Chỉ số HbA1c cao tỷ lệ thuận với lượng đường trong máu cao.
Bình thường, chỉ số HbA1c < 5.7%. Nếu trong 2 lần xét nghiệm khác nhau đều có kết quả trên 6.5% thì có thể chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường tuýp 2. Nếu kết quả xét nghiệm vào khoảng 5.7 – 6.4% thì đây là tình trạng tiền đái tháo đường đường.
Đây cũng là xét nghiệm có tác dụng theo dõi kiểm soát lượng đường huyết sau khi đã được chẩn đoán bị đái tháo đường tuýp 2 nên người bệnh cần chú ý làm xét nghiệm này vài lần mỗi năm để theo dõi diễn tiến bệnh.
Xét nghiệm đường huyết khi đói
Với phương pháp chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 này, người bệnh cần nhịn đói 8 – 12 giờ, tuyệt đối không ăn uống gì (trừ nước lọc) trước khi lấy mẫu xét nghiệm. Bình thường lượng đường huyết khi đói khoảng < 100mg/dl (5.6mmol/l).
Nếu kết quả xét nghiệm đường huyết khi đói cho chỉ số 10 – 125mg/dl (5.6 – 6.9 mmol/l) thì phản ánh tiền tiểu đường. Nếu kết quả cho chỉ số 126mg/dl (7mmol/l) tức là bị đái tháo đường tuýp 2.
Xét nghiệm đường huyết bất kỳ
Có một số trường hợp không phù hợp với xét nghiệm HbA1c bác sĩ sẽ chỉ định thay thế bằng xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên. Đây là xét nghiệm có thể thực hiện vào mọi thời điểm, không yêu cầu nhịn ăn.
Bình thường, mức độ đường huyết < 140mg/dl (7.8 mmol/l). Nếu kết quả xét nghiệm từ 200mg/dl trở lên (11.1 mmol/l trở lên) tức là đã được chẩn đoán xác định bị đái tháo đường tuýp 2. Nếu kết quả xét nghiệm trong khoảng 140 – 199mg/dl (7.8 – 11.0mmol/l) thì có thể chẩn đoán xác định tiền tiểu đường.
Nghiệm pháp glucose đường uống
Với phương pháp chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 này người bệnh cũng được yêu cầu nhịn đói qua đêm. Bình thường, xét nghiệm này ít khi chỉ định mà chủ yếu thực hiện ở phụ nữ mang thai.
Đầu tiên, người bệnh sẽ được lấy mẫu máu để xét nghiệm đường huyết khi đói sau đó họ được yêu cầu uống chất lỏng chứa đường để lấy máu xét nghiệm đường huyết. Nếu sau xét nghiệm 2 giờ, nồng độ đường huyết < 140mg/dl (7.8mmol/l) thì bình thường. Nếu sau xét nghiệm 2 giờ, nồng độ đường huyết > 200mg/dl (11.1mmol/l) thì có thể chẩn đoán bị đái tháo đường tuýp 2. Nếu nồng độ đường huyết ở giữa 2 khoảng trên thì bị tiền đái tháo đường.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.