Khi mắc bệnh ngón tay lò xo, người bệnh rất khó khăn khi gập hoặc duỗi ngón tay. Đôi khi người bệnh phải rất cố gắng hoặc phải nhờ đến sự hỗ trợ từ người khác mới có thể bật được ngón tay ra. Tuy không đe dọa tính mạng nhưng căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của ngón tay, gây ra nhiều phiền toái và hạn chế khả năng lao động của người bệnh.
Tổng quan chung
Ngón tay lò xo, hay hội chứng ngón tay bật, là tình trạng ngón tay bị kẹt ở vị trí uốn cong và bật ra như lò xo khi duỗi ra. Tình trạng này xảy ra do viêm bao gân của gân cơ gấp ngón tay, khiến bao gân bị thu hẹp lại. Trong một số trường hợp, gân gấp bị viêm dẫn đến hình thành khối xơ cản trở sự di chuyển của gân gấp qua vùng ngón tay. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay đều rất khó khăn và người bệnh phải ép ngón tay bật ra ngoài, hoặc phải dùng bàn tay khỏe mạnh kéo ngón tay ra như ngón tay có lò xo.
Thông thường, tỷ lệ mắc bệnh ngón xuân ở phụ nữ cao hơn nhiều so với nam giới và đó cũng là hậu quả của nhiều loại bệnh như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường tuýp 2, viêm khớp vẩy nến, bệnh gút… Một số công việc như giáo viên, nông dân, thợ cắt tóc, bác sĩ phẫu thuật, thợ thủ công, nhân viên đánh máy, v.v. có nguy cơ mắc hội chứng ngón tay lò xo cao hơn do sử dụng ngón tay thường xuyên.
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh ngón tay lò xo:
Các triệu chứng của ngón tay lò xo bao gồm:
- Đau và cứng ngón tay: Đặc biệt là vào buổi sáng.
- Ngón tay kẹt ở vị trí uốn cong: Khó duỗi thẳng ngón tay một cách tự nhiên.
- Bật ngón tay: Khi duỗi thẳng, ngón tay bật ra như lò xo.
- Sưng và viêm: Vùng gân bị viêm và sưng đỏ.
Nguyên nhân
Ngón tay lò xo còn được gọi là ngón tay cò súng. Đây là tình trạng các bao gân gấp của ngón tay bị thoái hóa gây chít hẹp bao gân, khiến các gân gấp khó lướt qua khi người bệnh duỗi hay gấp ngón tay. Khi các gân gấp bị viêm có thể gây ra những hạt xơ làm cản trở khả năng di động của gân gấp.
Rất nhiều nguyên nhân gây bệnh ngón tay lò xo. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Do đặc thù nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp như nông dân, thợ cắt tóc, thợ thủ công, giáo viên, bác sĩ phẫu thuật,… đòi hỏi người làm nghề phải thường xuyên sử dụng ngón tay, thực hiện liên tục một số động tác như véo, nắm,… Do đó, những người làm các nghề kể trên có nguy cơ bị ngón tay lò xo nhiều hơn các trường hợp khác.
- Một số chấn thương có thể do chơi thể thao, tai nạn giao thông hay xảy ra trong các công việc, sinh hoạt hàng ngày cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
- Một số bệnh lý như bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout,… nếu không điều trị, kiểm soát tốt có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó bao gồm tình trạng ngón tay lò xo.
Đối tượng nguy cơ
Những người có nguy cơ cao mắc ngón tay lò xo bao gồm:
- Người cao tuổi: Tuổi tác làm gia tăng nguy cơ viêm bao gân.
- Phụ nữ: Phụ nữ có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới.
- Người lao động tay chân: Công việc yêu cầu sử dụng tay nhiều.
- Người mắc một số bệnh lí: tiểu đường, viêm khớp dạng thấp,…
Chẩn đoán
Ngón tay lò xo có thể được chẩn đoán qua các triệu chứng lâm sàng hoặc thực hiện các kỹ thuật y khoa khác.
Chẩn đoán lâm sàng
Thông qua các biểu hiện cũng như hỏi tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số động tác như đóng mở bàn tay, co duỗi ngón tay để kiểm tra cơn đau và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Thực hiện kỹ thuật chẩn đoán
Người bệnh có thể được chỉ định siêu âm đầu dò để quan sát thấy gân, bao gân bị dày lên và có dịch bao quanh hay không. Ngoài ra, thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể thấy được những hạt xơ bao gân.
Bên cạnh siêu âm, người bệnh có thể được chỉ định chụp X-quang để chẩn đoán tình trạng bệnh.
Phòng ngừa bệnh
- Hạn chế hoạt động ngón tay hoặc bàn tay quá mức.
- Tránh thực hiện các động tác lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài và đặc biệt là không nên gồng ngón tay cái thường xuyên.
- Áp dụng chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
- Thường xuyên tập luyện vùng gân khớp, ngón tay cái.
- Không nên xoa bóp bằng dầu nóng hay các loại rượu thuốc khi bị viêm.
- Ngón tay lò xo có thể do bệnh tiểu đường, viêm khớp hoặc một số bệnh lý khác gây ra. Chính vì thế, nên điều trị bệnh kịp thời và thăm khám định kỳ để kiểm soát bệnh tốt, phòng ngừa ngón tay lò xo hiệu quả.
Điều trị như thế nào?
Tùy vào mức độ nặng nhẹ và cơ địa mỗi người mà BS sẽ có cách chữa khác nhau. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi, ngưng các hoạt động làm tổn thương đến ngón tay và cổ tay. Bệnh nhân cũng nên chữa hẳn các bệnh nền như tiểu đường hay gout vì có thể làm bệnh ngón tay cò súng nặng thêm.
Dùng thuốc uống
- Thuốc kháng viêm NSAID(chống viêm Non Steroid) thường được dùng đầu tiên như Ibuprofen, Meloxicam, có thể kèm theo thuốc giãn cơ .
Tập vật lý trị liệu
- Một trong những cách đơn giản nhưng hiệu quả nhất với bệnh ngón tay cò súng. Bệnh nhân có thể dùng dây thun nhỏ để tập các cơ xung quanh vùng đau linh hoạt hơn hay dùng trái banh, quả cầu để tăng cường sức mạnh các cơ hỗ trợ.
- BS có thể cho bệnh nhân cố định các ngón tay để giữ ngón tay không bị kẹt trong vài tuần để giảm bớt viêm sưng.
Nếu vẫn không cải thiện: Tiêm Steroid vào bao gân gấp ở gốc ngón tay
Trong trường hợp điều trị Nội khoa không kết quả sẽ điều trị bằng phẫu thuật: phẫu thuật giải phóng chèn ép, cắt bỏ phần viêm xơ
Phẫu thuật giải phóng chèn ép, cắt bỏ phần viêm xơ là bước sau cùng sau khi các phương pháp điều trị nội khoa cho bệnh nhân viêm bao gân gấp ngón tay. Để đảm bảo an toàn thì chỉ định phẫu thuật phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình.
Ngón tay lò xo không chỉ gây ra sự khó chịu và đau đớn mà còn ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động của bạn. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa và khắc phục tình trạng này. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ nếu bạn gặp phải các triệu chứng của ngón tay lò xo. Hãy chăm sóc đôi tay của bạn bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách để giữ cho chúng luôn khỏe mạnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.