Suy giãn tĩnh mạch là một căn bệnh phổ biến, không phân biệt bất cứ lứa tuổi nào. Bệnh gây mất thẩm mỹ cho người bệnh, nặng có thể gây phù chân và cuối cùng là loét. Ngâm chân là một trong những cách phối hợp điều trị tại nhà dành cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ đề cập đến lợi ích và một vài lưu ý khi áp dụng phương pháp ngâm chân trị suy giãn tĩnh mạch cho người bệnh.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch gây ảnh hưởng gì?
Bệnh suy giãn tĩnh mạch hay còn được gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng suy các van tĩnh mạch ở chân gây ứ đọng máu. Lâu dần khiến các mạch máu ở chân bị giãn nở rộng làm chúng phồng to và nổi rõ gân xanh lên trên bề mặt da.
Biểu hiện các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch hay gặp bao gồm tê bì, cảm giác như kiến cắn, tê nhức hai chân. Nếu không được điều trị, lâu dần có thể gặp các biến chứng như lở loét ngoài da, huyết khối tĩnh mạch nông – sâu dưới chân.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ
Những phương pháp điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch
Có nhiều phương pháp trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân:
- Sử dụng tất y khoa: Việc sử dụng tất y khoa sẽ làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ngoại vi. Từ đó làm giảm áp lực lên các van tĩnh mạch, giúp máu trở về tim thuận lợi hơn và giảm tình trạng tăng đường kính các tĩnh mạch chi dưới.
- Sử dụng thuốc tăng sức bền thành mạch: Tăng sức bền mao mạch, bình thường hóa tính thấm mao mạch.
- Trường hợp bệnh nặng cần sử dụng các biện pháp như cắt bỏ búi tĩnh mạch bằng nhiệt từ laser hoặc phẫu thuật.
Hiệu quả của phương pháp ngâm chân trị suy giãn tĩnh mạch
Đối với bệnh suy giãn tĩnh mạch ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng cách ngâm chân để làm giảm tình trạng đau nhức. Đây là cách làm phổ biến đã được áp dụng từ lâu và cho đến nay vẫn mang lại hiệu quả chữa trị đáng kể.
Ngâm chân giúp người suy giãn tĩnh mạch giảm đau hiệu quả
Nên dùng nước lạnh hay nước nóng ngâm chân?
Các bác sĩ khuyên rằng người bệnh nên ngâm chân trị suy giãn tĩnh mạch kết hợp sử dụng vớ y khoa để tăng hiệu quả chữa trị. Đa phần mọi người lựa chọn cách ngâm chân trong nước nóng vì nó giúp giảm đau ngay lập tức. Tuy nhiên cách làm này chỉ giải quyết được phần ngọn. Người bệnh cũng không nên quá lạm dụng biện pháp này bởi tình trạng bệnh có thể biến chuyển nặng hơn về lâu dài.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngâm chân bằng nước lạnh mang lại hiệu quả chữa trị tốt hơn. Dẫu vậy, khi áp dụng phương pháp này bạn không nên ngâm chân quá lâu hoặc quá thường xuyên để tránh nhiễm lạnh vào cơ thể. Bệnh nhân có thể ngâm chân trong nước lạnh 10 độ trong 10 phút kết hợp các động tác massage nhẹ nhàng. Cách làm này có tác dụng giúp cho các huyết quản co lại, các cơ quan trong cơ thể hoạt động tích cực hơn bởi sự điều tiết của chất dịch thần kinh.
Một vài lưu ý giúp phòng tránh suy giãn tĩnh mạch
Thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tỷ lệ mắc bệnh. Dưới đây là một số lưu ý bạn cần tránh để phòng ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch:
- Mặc áo quần chật hoặc đồ bó trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch. Do đó, chúng ta nên ưu tiên những trang phục thoải mái.
- Hạn chế đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu.
- Chấm dứt việc sử dụng thuốc lá và hạn chế đồ uống có cồn như bia rượu.
- Chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ chất chống oxy hóa để giúp hệ tĩnh mạch khoẻ mạnh.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/phong_ngua_suy_gian_tinh_mach_fed3a4bc2b.jpeg)
Ngâm chân trị suy giãn tĩnh mạch là một phương pháp được áp dụng rất phổ biến mà ai cũng có thể áp dụng. Để đạt hiệu quả tốt, bệnh nhân nên ngâm chân trong nước lạnh và hạn chế ngâm chân quá lâu. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh suy giãn tĩnh mạch và các triệu chứng liên quan, hãy theo dõi các bài viết chuyên sâu tại Nhà thuốc Long Châu bạn nhé.
Mỹ Duyên
Nguồn tham khảo: Vinmec.com
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.