Não úng thủy là một dị tật của ống thần kinh nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về não úng thủy qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Não úng thủy (tên tiếng Anh là Hydrocephalus) được định nghĩa là một tình trạng bệnh lý của hệ thần kinh trung ương, là kết quả của sự gián đoạn, mất cân bằng giữa sự hình thành, lưu thông dòng chảy hoặc hấp thu dịch não-tủy. Nói cách khác, đó là tình trạng tích tụ quá nhiều dịch não tủy trong não thất do rối loạn các quá trình sản xuất, lưu thông và hấp thụ.
Triệu chứng
Triệu chứng não úng thủy đa dạng và biểu hiện khác nhau ở từng người, từng nhóm tuổi. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
Não úng thủy ở trẻ sơ sinh biểu hiện:
- Vòng đầu lớn bất thường, có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường
- Thóp trước và thóp sau phồng, ấn vào cảm giác căng
- Da đầu mỏng do bị kéo căng theo kích thước vòng đầu.
- Các xương hộp sọ tách nhau ra, đường gian khớp giãn rộng.
- Mạch máu nổi rõ dưới da đầu.
- Bỏ bú, nôn mửa
- Mắt nhìn lệch xuống dưới, ít chuyển động.
- Co giật, dễ kích thích.
- Tay chân kém linh hoạt
Não úng thủy ở trẻ em biểu hiện:
- Vòng đầu lớn bất thường
- Đau đầu
- Chán ăn, buồn nôn, nôn mửa
- Sốt, có thể kèm co giật
- Mờ mắt hoặc nhìn đôi;
- Dễ bị kích thích, tính cách thay đổi
- Buồn ngủ, khó tỉnh táo, khó tập trung
- Đi lại, nói chuyện và thực hiện các động tác chậm chạp
Não úng thủy ở người trẻ và nhóm người ở độ tuổi trung niên biểu hiện:
- Nhức đầu
- Buồn nôn, nôn mửa
- Li bì, khó tỉnh táo
- Mất thăng bằng, khả năng phối hợp động tác kém.
- Rối loạn đại tiểu tiện
- Suy giảm thị lực: mắt nhìn mờ hoặc nhìn đôi
Não úng thủy ở người lớn tuổi biểu hiện:
- Đau đầu
- Giảm trí nhớ
- Mất thăng bằng, khả năng phối hợp động tác kém.
- Xuất hiện các dáng đi bất thường như loạng choạng, thất điều.
- Rối loạn đại tiểu tiện
Do bị ảnh hưởng trực tiếp, hệ thần kinh trung ương là cơ quan chịu nhiều di chứng nếu bệnh lý não úng thủy không được điều trị hiệu quả. Một số biến chứng mà bệnh có thể gây ra như: điếc, mù, liệt, động kinh,…
Nguyên nhân
Các nguyên nhân có thể gây não úng thuỷ gồm có:
- Xuất huyết trong não
- U não
- Chấn thương đầu
- Biến chứng của sinh non như xuất huyết hoặc các bệnh như viêm màng não hoặc nhiễm trùng khác.
- Một số hiếm trường hợp, não úng thủy có thể do di truyền hoặc liên quan với rối loạn phát triển, bao gồm tật nứt đốt sống (khuyết tật bẩm sinh của cột sống) và thoát vị não.
Tóm lại, não úng thuỷ gây ra bởi sự mất cân bằng giữa lượng dịch não tủy được sản xuất và lượng chất được hấp thụ vào máu. Sự dư thừa này làm cho đầu của đứa trẻ ngày càng to dần và làm nhu mô não bị tổn thương. Não úng thủy làm tổn thương trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương nên sẽ để lại nhiều di chứng trầm trọng nếu không điều trị sớm và đúng cách.
Đối tượng nguy cơ
Não úng thủy là bệnh lý thường gặp của hệ thần kinh trung ương, đây là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt dân tộc, quốc gia hay giới tính. Tuy nhiên có 2 nhóm đối tượng là trẻ sơ sinh và người lớn tuổi thường có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Theo số liệu thống kê từ Viện quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ Mỹ cho thấy cứ 500 trẻ sơ sinh lại có 1 trẻ bị não úng thủy, phần lớn các trường hợp đều được chẩn đoán từ trong bào thai hoặc sau sinh.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán não úng thủy, người bệnh sẽ được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh:
- Khám lâm sàng: Xem xét triệu chứng, bệnh sử…
- Kiểm tra thần kinh.
- Thực hiện các xét nghiệm: siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, chọc dịch não tủy, đo và theo dõi áp lực nội sọ, soi đáy mắt.
Phòng ngừa bệnh
Để tránh trẻ nhỏ mắc bệnh não úng thủy khi được sinh ra các bà mẹ cần làm những việc sau giúp giảm thiểu phần nào nguy cơ mắc bệnh.
- Trong thời gian mang thai thường xuyên đi khám sức khỏe kiểm tra định kỳ theo dõi thông qua quá trình siêu âm, để có thể phát triển bệnh tình một cách sớm nhất tăng phần trăm hồi phục tỉ lệ cao.
- Trong thời gian mang thai cần tiêm chủng vắc xin phòng ngừa bệnh giúp bản thân tránh mắc các căn bệnh thông thường không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Không để tác động ngoại lực tránh bị ảnh hưởng đến chấn thương phần đầu trẻ cần chú ý trong quá trình trẻ bò và tập đi.
- Cho trẻ đi tiêm các mũi tiêm chủng đầy đủ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch khỏe mạnh làm giảm các nguy cơ bị nhiễm trùng tránh tác động lên bộ phận não bộ.
Điều trị như thế nào?
Cách tiếp cận theo nhóm, gồm các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa, là cách tốt nhất để quyết định quá trình điều trị cho trẻ bị não úng thủy. Bác sĩ phẫu thuật thần kinh, bác sĩ nội thần kinh, bác sĩ nhãn khoa, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phối hợp để xây dựng phác đồ điều trị.
Trong hầu hết các trường hợp, não úng thủy có thể điều trị, nhưng con của bạn có thể cần phải theo dõi liên tục suốt đời.
- Dẫn lưu não thất điều trị não úng thủy:
Phương pháp điều trị não úng thủy phổ biến nhất là đặt dẫn lưu, một đoạn ống silicon nhỏ được đặt vào bên trong cơ thể để vượt qua chỗ tắc nghẽn hoặc tạo ra dòng chảy dịch não tủy tốt hơn.
Dẫn lưu cho phép dịch chảy qua nó theo một hướng. Hệ thống van điều chỉnh dòng chảy và tạo ra một bể chứa dịch não tủy có thể kiểm tra thường xuyên để đảm bảo ống dẫn lưu hoạt động bình thường và không có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Nội soi mở thông não thất thứ ba:
Một số loại não úng thủy có thể được điều trị bằng phương pháp này thay thế cho việc đặt dẫn lưu. Bác sĩ phẫu thuật sử dụng đường vào nội soi và tạo một lỗ nhỏ trên não thất bị giãn để vượt qua chỗ tắc và khôi phục dòng chảy dịch não tủy.
- Sau phẫu thuật:
Theo dõi cẩn thận là điều quan trọng trong việc đánh giá quá trình hồi phục của con bạn. Bác sĩ sẽ sắp xếp các buổi tái khám để đảm bảo quá trình phục hồi của con bạn.
Đối với đối tượng khác khi có những dấu hiệu bất thường kể trên cần đến bác sĩ kiểm tra và có phác đồ điều trị phù hợp và kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.