More
    HomeSống KhỏeNấm xung quanh miệng: Nguyên nhân và cách điều trị

    Nấm xung quanh miệng: Nguyên nhân và cách điều trị

    - Advertisement -spot_img


    Có rất nhiều vi sinh vật tồn tại trên da, nhưng chúng thường không gây hại và đôi khi còn cung cấp dưỡng chất cho da. Tuy nhiên, trong một vài tình huống chúng có thể gây ra tình trạng nấm xung quanh miệng. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu nấm xung quanh miệng là gì, và cách chữa trị khi gặp tình trạng này nhé!

    Nấm xung quanh miệng là gì?

    Nấm xung quanh miệng là tình trạng da quanh miệng bị nhiễm trùng do một loại nấm có tên là Candida albicans gây ra. Thông thường, Candida và các mầm bệnh khác tồn tại trên da mặt trong một hệ sinh thái cân bằng. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà hệ sinh thái trên da thay đổi, điều này có thể khiến cho các mầm bệnh (bao gồm cả nấm) tăng số lượng và gây nhiễm trùng da mặt.

    Nấm xung quanh miệng: Nguyên nhân và cách điều trị 1 Nấm xung quanh miệng là gì?

    Nhiễm trùng do nấm Candida có thể xảy ra ở nhiều vùng da khác như bàn chân hoặc ở các nơi có nếp gấp da. Đôi khi nấm có thể lan lên mí mắt trong bệnh cảnh nấm xung quanh miệng. Theo CDC Hoa Kỳ, cứ 100.000 người thì có 9 người bị nhiễm trùng do nấm Candida.

    Nguyên nhân gây nấm xung quanh miệng

    Nhìn chung, tình trạng nấm xung quanh miệng xuất hiện là do nấm Candida phát triển quá mức ở vùng da quanh miệng. Trong đa phần các trường hợp, nhiễm trùng nấm trên da mặt sẽ đi kèm với nhiễm trùng nấm ở các vùng da khác trên cơ thể. Tuy nhiên cũng có những trường hợp tình trạng nhiễm nấm chỉ xảy ra khu trú tại một nơi do sự mất cân bằng tại vùng cơ thể đó, bao gồm cả vùng da quanh miệng.

    Nấm xung quanh miệng: Nguyên nhân và cách điều trị 2 Nấm Candida là yếu tố chính gây nấm xung quanh miệng

    Các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng nấm xung quanh miệng bao gồm:

    • Vệ sinh da mặt kém: Vệ sinh da mặt kém khiến cho nấm và các mầm bệnh khác phát triển và gây bệnh.
    • Sử dụng nước rửa mặt không phù hợp: Cân nhắc việc chọn nước rửa mặt cũng như các loại kem dưỡng mặt phù hợp với làn da của bạn. Việc sử dụng nước rửa mặt có tính chất tẩy quá mạnh sẽ gây mất cân bằng môi trường trên da, có thể khiến nấm phát triển được trên da miệng.
    • Sử dụng thuốc: Thuốc kháng sinh có thể phá vỡ sự cân bằng ở da, khiến cho nấm cũng như các vi khuẩn không bị ảnh hưởng bởi thuốc có điều kiện phát triển.
    • Vết thương ở da: Khi bị thương trên vùng da quanh miệng sẽ làm ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ vốn có của da, thúc đẩy quá trình nhiễm trùng của nấm.
    • Mắc bệnh toàn thân: Những người bị mắc bệnh suy giảm miễn dịch hoặc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị nấm xung quanh miệng hơn bình thường.
    Xem thêm  Giải đáp: Nguyên nhân khiến mổ thoát vị đĩa đệm xong vẫn đau?

    Biểu hiện của nấm xung quanh miệng

    Nấm xung quanh miệng thường biểu hiện dưới dạng phát ban đỏ trên vùng da quanh miệng. Dấu hiệu phát ban có thể xuất hiện kèm với mụn bọc hoặc mụn mủ.

    Phát ban cũng có thể đi cùng với các dấu hiệu: Ngứa, xuất hiện vết loét, da miệng bị đóng vảy, nóng ở vùng da bị phát ban, vùng da phát ban bị dày lên…

    Trẻ sơ sinh cũng có thể bị nấm xung quanh miệng và bệnh nhiễm trùng này được gọi là viêm da tiết bã (hay còn được gọi là bệnh nắp nôi). Khác với tình trạng nấm xung quanh miệng của người lớn do nấm Candida gây ra, nấm Malassezia thường được tìm thấy trên da mặt của bé khi bị bệnh nắp nôi. Các triệu chứng của nấm xung quanh miệng ở trẻ sơ sinh tương tự như với người lớn.

    Tuy nhiên, để xác định chính xác tình trạng da quanh miệng, bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và chẩn đoán. Các bác sĩ sẽ thực hiện cạo vùng da quanh miệng bị phát ban, sau đó tiến hành nuôi cấy để xác định xem bạn có bị nấm xung quanh miệng hay không.

    Điều trị nấm xung quanh miệng

    Để điều trị nấm xung quanh miệng, bạn có thể sử dụng các loại thuốc chống nấm. Sản phẩm thuốc chống nấm rất đa dạng, nó có thể ở dạng kem, gel, thuốc mỡ hoặc thuốc xịt, được sử dụng bằng cách thoa trực tiếp lên vùng da miệng bị nấm.

    Xem thêm  Uống alpha choay có mất sữa không? Lưu ý khi sử dụng Alpha Choay

    Tuy nhiên bạn nên cẩn thận trước khi điều trị nấm xung quanh miệng cũng như các nhiễm trùng da miệng khác, bởi vì vùng da quanh miệng rất nhạy cảm. Một số người có thể gặp các tác dụng phụ với các loại kem điều trị khi thoa lên da mặt, dù không có phản ứng khi thoa lên các vùng da khác trên cơ thể.

    Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng thuốc chống nấm đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch, tùy vào tình trạng của bệnh.

    Một số phương pháp điều trị phổ biến khi bị nấm xung quanh miệng bao gồm:

    • Kem bôi chống nấm, thường có thành phần hoạt tính là clotrimazole.
    • Kem dưỡng da chống nấm, thường có tolnaftate là thành phần hoạt tính.
    • Thuốc chống nấm đường uống, với hoạt chất là fluconazole.
    • Kem thoa corticosteroid.

    Với trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể sử dụng các chất làm mềm da để điều trị nấm xung quanh miệng. Các chất này sẽ làm mềm da và bong tróc vảy, từ đó giảm dần tình trạng nhiễm trùng do nấm.

    Nhìn chung, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa da liễu trước khi áp dụng bất kì biện pháp điều trị nào, tránh các tình huống không mong muốn có thể xảy ra.

    Ngăn ngừa nấm xung quanh miệng

    Nấm xung quanh miệng: Nguyên nhân và cách điều trị 3 Vệ sinh da mặt và vùng da quanh miệng thường xuyên để ngăn ngừa nấm

    Nhà Thuốc Long Châu mách bạn một số biện pháp để phòng tránh tình trạng nấm xung quanh miệng dưới đây:

    • Thực hiện vệ sinh sạch sẽ vùng da mặt cũng như vùng da quanh miệng hàng ngày.
    • Không sử dụng chung khăn tắm hay khăn mặt với người khác.
    • Lau khô da mặt sau khi tắm bằng khăn sạch.
    • Thường xuyên vệ sinh và làm sạch các đồ dùng thường tiếp xúc với da mặt như chăn, gối, thảm tập yoga.
    • Quan tâm hơn đến chế độ ăn uống: Sử dụng thêm thực phẩm có chứa men vi sinh, điều này giúp cơ thể tránh được tình trạng nhiễm trùng da do nấm hay các mầm bệnh khác gây ra. Giảm lượng đường trong chế độ ăn uống, vì đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng do nấm.
    • Tránh tiếp xúc với động vật nghi ngờ hoặc nhiễm nấm, với các dấu hiệu như mất lông hoặc thường xuyên gãi ngứa.
    Nấm xung quanh miệng: Nguyên nhân và cách điều trị 4 Thực phẩm chứa men vi sinh giúp hạn chế tình trạng bị nấm xung quanh miệng

    Trên đây là tất cả những thông tin cơ bản bao gồm nguyên nhân, cách điều trị cũng như một số phương pháp phòng ngừa nấm xung quanh miệng. Nhà Thuốc Long Châu rất vui khi được cùng bạn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thân yêu!

    Xem thêm  Mỗi ngày ngủ đủ 8 tiếng có thực sự tốt với mọi người?

    Ánh Vũ

    Nguồn tham khảo: Tổng hợp



    Theo Nhà Thuốc Long Châu

    Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

    - Advertisement -spot_img
    Stay Connected
    16,985FansLike
    2,458FollowersFollow
    61,453SubscribersSubscribe
    Tin mới
    - Advertisement -spot_img
    Bài viết liên quan
    - Advertisement -spot_img