Mụn sữa ở trẻ sơ sinh là một vấn đề da liễu thường gặp, gây lo lắng cho nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc đúng cách, mụn sữa có thể biến mất tự nhiên sau một thời gian ngắn. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu cách giải quyết vấn đề này trong bài viết sau đây.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh mọc mụn sữa
Mụn sữa hay trẻ sơ sinh hay còn được gọi là nang kê, là các nốt li ti màu trắng sữa nổi trên da mặt của bé. Đây là một vấn đề ngoài da phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhất là khi chào đời khoảng 1 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mụn sữa có thể tiếp tục xuất hiện ở trẻ 2 tuổi.
Nghiên cứu cho thấy rằng mụn sữa có liên quan đến hormone của mẹ hoặc của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, có một số lý do khác có thể gia tăng nguy cơ mọc mụn sữa ở trẻ sơ sinh như sau:
- Ảnh hưởng qua đường sữa mẹ: Mẹ ăn nhiều đồ nóng có thể kích thích sự phát triển của mụn sữa, đặc biệt khi hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện.
- Sữa bột không phù hợp: Một số trẻ bị nổi mụn sữa do không phù hợp với loại sữa công thức chứa nhiều đạm albumin.
- Tác dụng phụ của thuốc: Người mẹ sử dụng các loại thuốc điều trị trong thời kỳ mang thai, hoặc trẻ sơ sinh được điều trị bằng thuốc có thể gây ra tác dụng phụ về da.
- Phì đại tuyến bã nhờn ở trẻ: Trẻ bị phì đại tuyến bã nhờn do sự tăng sinh tuyến bã một cách quá mức cũng có thể là nguyên nhân gây nổi mụn sữa.
Dấu hiệu nhận biết mụn sữa ở trẻ sơ sinh
Mụn sữa ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên khuôn mặt, nhưng phổ biến nhất là trên má và mũi. Ngoài ra, mụn sữa cũng có thể xuất hiện trên trán, cằm, da đầu, phần lưng ngực trên hoặc cổ của bé.
Dưới đây là những triệu chứng thường gặp của mụn nang kê ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Trên mặt nổi những hạt mụn trắng nhỏ li ti.
- Có thể xuất hiện mụn mủ hoặc mụn đầu trắng.
- Vùng da quanh các nốt mụn có màu đỏ.
- Trẻ sẽ quấy khóc khi mụn nang kê ngày càng rõ ràng hơn.
- Mụn xuất hiện nhiều hơn khi da bị nóng, bị ẩm mồ hôi hoặc khi tiếp xúc với quần áo có chất liệu thô ráp.
Mụn sữa ở trẻ sơ sinh là những đốm trắng li ti thường nổi trên mặt bé
Mụn sữa ở trẻ sơ sinh khi nào hết?
Mụn nang kê ở trẻ sơ sinh sẽ tự biến mất trong vòng vài tuần mà không cần sự can thiệp phương pháp đặc trị. Để giúp bé nhanh khỏi mụn sữa trong thời gian này, ba mẹ nên áp dụng một số biện pháp chăm sóc bé tại nhà.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mụn sữa có thể kéo dài vài tháng. Nếu những đốm mụn sữa của trẻ không biến mất sau 3 tháng và có các dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đến khám da liễu ngay:
- Mụn trên mặt trẻ trở thành mụn đầu đen, mụn mủ hoặc viêm.
- Mụn sữa gây đau khiến bé khó chịu và quấy khóc nhiều hơn.
Mẹo trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh đơn giản tại nhà
Để điều trị tình trạng mụn sữa ở trẻ đơn giản và hiệu quả, ba mẹ có thể áp dụng một số mẹo sau đây.
Vệ sinh mặt sạch sẽ
Hãy rửa mặt hàng ngày cho bé bằng nước ấm hoặc bằng xà phòng chuyên dụng dành riêng cho trẻ sơ sinh. Lưu ý tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm, vì chúng có thể gây kích ứng da cho trẻ nhỏ. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm chăm sóc nào cho bé.
Vệ sinh da mặt bé một cách nhẹ nhàng và sạch sẽ để trị mụn sữa
Tắm lá khế
Lá khế là một trong những mẹo dân gian được nhiều người sử dụng để trị các vấn đề về da cho trẻ. Mẹ có thể lấy một nắm lá khế đã rửa sạch, sau đó đem đun sôi và lọc lấy nước để cho bé tắm sẽ thấy cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng phương pháp này khoảng 3 lần/tuần, vì tắm quá nhiều bằng lá khế có thể khiến da bé dễ bị xỉn màu.
*Lưu ý: Khi sử dụng lá khế cho trẻ sơ sinh, bạn nên quan sát xem bé có bất kỳ phản ứng nào bất thường không để đảm bảo làn da nhạy cảm của bé không bị kích ứng.
Sử dụng lá khế để tắm cho trẻ sơ sinh bị mụn sữa
Lau mặt nhẹ nhàng
Việc chà xát lên vùng da của trẻ sau khi tắm có thể làm tình trạng mụn sữa của trẻ trở nên nặng hơn. Thay vào đó, bạn nên lau mặt trẻ nhẹ nhàng bằng khăn mềm, thực hiện theo chuyển động tròn hoặc vỗ nhẹ khăn lên da mặt trẻ để thấm hút nước.
Dùng lá riềng
Để trị mụn sữa cho trẻ sơ sinh bằng lá riềng, mẹ có thể pha nước tắm cho bé theo các bước sau:
- Lựa chọn lá riềng nguồn gốc tự nhiên để tránh lá bị nhiễm thuốc hóa học có thể gây hại cho làn da của trẻ.
- Rửa sạch lá riềng.
- Đun sôi lá riềng sau đó để nguội rồi đem tắm cho bé.
*Lưu ý: Khi sử dụng các loại lá như vậy, mẹ nên đun nước và để nguội trước khi tắm cho bé, không nên pha thêm nước lạnh để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị mụn sữa
Để đảm bảo an toàn và chăm sóc tốt nhất cho trẻ sơ sinh bị mụn sữa, ba mẹ nên tuân thủ các lưu ý sau đây:
- Tắm cho bé đúng cách, sử dụng nước sạch hoặc sữa tắm dành riêng cho trẻ nhỏ.
- Giữ da bé luôn khô ráo và thoáng mát, đặc biệt là đối với những bé có cơ địa ra mồ hôi nhiều.
- Lựa chọn quần áo rộng rãi, có chất liệu mềm mịn và khả năng thấm hút mồ hôi tốt cho bé.
- Luôn rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với bé để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan.
- Thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh nhà thoáng mát và sạch sẽ.
- Mẹ đang cho con bú cần hạn chế ăn những thực phẩm có thể gây dị ứng và đồ cay nóng để đảm bảo sữa mẹ chất lượng, không gây kích ứng cho bé.
- Theo dõi các biểu hiện trên da bé để có thể đưa ra cách xử lý kịp thời.
- Không nặn mụn sữa cho bé vì điều này có thể làm tổn thương da và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Trong trường hợp cần sử dụng thuốc, cách tốt nhất là nên thảo luận với bác sĩ để được tư vấn chính xác và an toàn nhất.
Mụn sữa ở trẻ sơ sinh là một vấn đề về da phổ biến có thể tự hết nếu được chăm sóc đúng cách. Trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng vẫn kéo dài thì ba mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.