Mệt mỏi được coi là một triệu chứng không đặc hiệu vì nó thường không liên quan đến một bệnh cụ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mệt mỏi là triệu chứng của một vấn đề y tế tiềm ẩn cần được điều trị y tế. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn về mệt mỏi nhé.
Tổng quan chung
Người mệt mỏi là trạng thái cơ thể dường như mất hết sức lực một cách bất thường. Nó được thể hiện là sự thiếu hụt năng lượng cả về thể chất và tinh thần. Nó khiến bạn không thể duy trì các hoạt động bình thường. Tình trạng này có thể xuất hiện thoáng qua, kéo dài vài giờ, vài ngày, thậm chí là vài tháng.
Triệu chứng
Đặc điểm lâm sàng nổi bật là triệu chứng mệt mỏi nhiều ngày, có cảm giác như bất lực hoàn toàn và chán nản vô cùng kéo dài ít nhất 6 tháng.
Có thể kèm theo triệu chứng của các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh cơ và các triệu chứng tâm thần rất đa dạng như sau:
- Sốt nhẹ.
- Khó ngủ.
- Khó tập trung.
- Đau đầu.
- Đau họng.
- Giảm cân hoặc tăng cân.
- Nổi hạch cổ.
- Nhịp nhanh.
- Đau cơ.
- Đau ngực.
- Yếu cơ, đau khớp.
- Đổ mồ hôi vào ban đêm.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân gây mệt mỏi là:
- Thiếu ngủ: Nếu ngủ ít hơn nhu cầu bình thường chỉ khoảng 1 giờ mỗi ngày cũng có thể khiến bạn rơi vào trạng thái ủ rũ và không thể làm được công việc bình thường như mọi ngày vẫn làm. Lý do có thể do bạn đi ngủ muộn, hoặc là ngủ không ngon. Người tuổi càng cao thì càng khó ngủ hơn, dễ bị thức giấc và dậy sớm hơn.
- Stress và lo âu: Những người phải làm quá nhiều việc trong một ngày mà không được nghỉ ngơi thì cảm giác khỏe mạnh và sảng khoái là điều xa xỉ. Bạn nên cố gắng đừng để rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng mà hãy tìm cách nghỉ ngơi và thư giãn cần thiết.
Stress là một trong những nguyên nhân gây mệt mỏi
- Lười vận động: Ngược với những người phải làm việc quá sức thì những người ngồi chơi, ít vận động cũng dễ bị mệt mỏi. Lúc đầu thì do mỗi khi vận động họ có cảm giác hơi mệt nên không tập gì nữa. Nhưng vì trong cuộc sống không ai có thể ngồi mãi một chỗ, và mỗi khi phải làm gì đó thì những người này không quen nên cũng rất dễ bị mệt.
- Hãy duy trì chế độ vận động vừa phải trong ít nhất nửa giờ mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần sẽ giúp bạn tránh xa sự mệt mỏi, cải thiện thần sắc và cho bạn cảm giác khỏe mạnh. Lưu ý không nên tập quá gần lúc đi ngủ vì nó có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
- Thói quen ăn uống: Nếu bạn không ăn uống đúng và đủ thì cơ thể bạn sẽ bị rơi vào tình trạng đói năng lượng. Nhưng nếu bạn chữa mệt mỏi bằng cách uống một chút nước có caffein, nhất là vào chiều muộn thì tình trạng này lại có thể còn xấu hơn vì caffein không chỉ làm bạn khó ngủ hơn mà còn làm giấc ngủ không ngon và không sâu.
- Một số thuốc: có thể là thủ phạm gây mệt mỏi, gồm thuốc chẹn beta (điều trị bệnh tim mạch), thuốc kháng histamin (chống dị ứng). Ngoài ra, một số thuốc chống cảm cúm, thuốc giảm đau có chứa caffeine hoặc thuốc kích thích cũng làm bạn mất ngủ và mệt mỏi.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ mệt mỏi là:
- Giới tính: bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn gấp 4 lần so với nam giới
- Tuổi tác: bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 25 đến 45 (đôi khi cũng có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn tuổi).
- Bệnh thường gặp ở những nước đang phát triển
Chẩn đoán
Hiện nay, các bác sĩ thường áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng mệt mỏi của CDC (Trung tâm kiểm soát và dự phòng bệnh Hoa Kỳ) bao gồm:
Mệt mỏi kéo dài mới khởi phát không giải thích được nguyên nhân, tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc và học hành, không liên quan tới gắng sức và không giảm khi nghỉ ngơi
Kèm theo ít nhất là 4 trong các triệu chứng sau (với thời gian kéo dài trên 6 tháng):
- Rối loạn trí nhớ và sự tập trung.
- Đau họng, loét bên trong miệng (nhiệt miệng)
- Sưng đau hạch cổ và hạch nách.
- Đau cơ.
- Đau nhiều khớp nhưng không sưng, không đỏ.
- Nhức đầu.
- Ngủ không yên giấc.
- Uể oải sau khi làm việc gắng sức ít nhất 24 giờ.
Ngoài ra còn có các tiêu chí khác thường đi kèm như:
- Rối loạn đi tiêu, đau bụng, nôn, tiêu chảy
- Ớn lạnh, đổ mồ hôi vào ban đêm
- Thở ngắn
- Ho kéo dài
- Rối loạn về mắt (nhạy cảm ánh sáng, đau mắt hoặc khô mắt)
- Dị ứng hoặc nhạy cảm với thức ăn, rượu, hóa chất, thuốc, tiếng ồn
- Khó khăn trong việc giữ cân bằng cơ thể (chóng mặt, nhịp tim không đều)
- Có những vấn đề về tâm thần (trầm cảm, dễ cáu gắt, lo lắng hoặc có những cơn hoảng loạn)
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác cũng gây mệt mỏi như bệnh Lyme, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, nghiện rượu, đái tháo đường, suy giáp, thiếu máu, lupus ban đỏ, xơ cứng rải rác, bệnh gan mạn và bệnh lý ác tính hoặc do tác dụng phụ của thuốc.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng ngừa mệt mỏi là:
Nâng cao chất lượng giấc ngủ
- Cố gắng đi ngủ và thức dậy cùng một lúc mỗi ngày, ngay cả vào những ngày nghỉ.
- Đặt nhiệt độ phòng ngủ ở mức thoải mái.
- Đảm bảo căn phòng tối và yên tĩnh.
- Tránh thời gian sử dụng màn hình một giờ trước khi ngủ, vì ánh sáng và âm thanh từ TV hoặc màn hình máy tính có thể kích thích hoạt động của não, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
- Tránh ăn trong vòng 90 phút hoặc 2 giờ trước khi đi ngủ.
- Tắm nước ấm hoặc nghe một số bản nhạc nhẹ nhàng có thể giúp bạn giải tỏa tâm trí của mình trước những suy nghĩ căng thẳng và lo lắng trước khi đi ngủ.
Thói quen ăn uống
- Ăn các bữa ăn nhỏ.
- Ăn đồ ăn nhẹ có ít đường.
- Tránh thức ăn vặt và theo một chế độ ăn uống cân bằng.
- Tiêu thụ nhiều trái cây tươi và rau quả.
- Hạn chế đồ uống có cồn và cafein. Tránh cà phê vào buổi chiều và buổi tối.
Ngoài ra, bạn cần:
- Hoạt động thể chất thường xuyên.
- Chế độ nghỉ ngơi làm việc hợp lý.
Điều trị như thế nào?
Mệt mỏi phải làm sao, khi mệt mỏi nên làm gì là mối bận tâm của nhiều người khi gặp phải tình trạng này. Việc lựa chọn phương pháp nào còn tùy thuộc vào tình trạng bạn gặp phải là do đâu.
- Mệt mỏi do mang thai là hiện tượng thường gặp và không quá đáng ngại. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho mẹ bầu thay vì chỉ định thuốc. Phụ nữ mang thai không được tự ý dùng thuốc vì có thể sẽ ảnh hưởng tới thai nhi.
- Nếu bắt nguồn từ lối sống, việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, rèn luyện sẽ giúp cải thiện.
- Với những người gặp phải tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ điều trị sẽ là người quyết định thay loại thuốc, đổi liều lượng hoặc dùng thêm thuốc bổ sung.
- Người mắc các vấn đề về tâm lý cần có liệu trình điều trị tâm lý.
- Đối với những bệnh lý khác, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể. Khi bệnh chuyển biến tốt, tình trạng bị mệt mỏi trong người cũng sẽ được cải thiện, thậm chí biến mất.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về tình trạng mệt mỏi.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.