Viêm tụy mạn tính là tình trạng tụy bị tổn thương và viêm kéo dài khiến chức năng của cơ quan này giảm dần, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, việc xây dựng một lối sống và dinh dưỡng phù hợp là rất quan trọng.
Viêm tụy mạn tính tái phát là gì?
Tụy là cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, có cả chức năng nội tiết và ngoại tiết:
- Chức năng nội tiết của tụy là tiết ra hormone insulin tham gia vào quá trình chuyển hóa Glucose trong cơ thể. Nếu chức năng này suy giảm, lượng đường trong máu tăng dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường.
- Chức năng ngoại tiết của tụy là sản xuất men tiêu hóa đổ vào tá tràng cùng với dịch mật để phân giải chất dinh dưỡng để hấp thụ đưa vào máu. Nếu chức năng này của tụy suy giảm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động tiêu hóa và hấp thu của cơ thể.
Trước khi tiến triển thành viêm tụy mạn, người bệnh thường gặp nhiều cơn viêm tụy cấp tính tái phát trong thời gian dài. Triệu chứng điển hình là những cơn đau ở tụy dữ dội, đột ngột và lặp lại. Dần dần, những cơn đau giảm về cả mức độ lẫn tần suất khiến người bệnh chủ quan, song thay vào đó là đau âm ỉ kèm theo suy kiệt cơ thể.
Viêm tụy mạn tính tái phát là các đợt viêm tụy cấp tính lặp lại trong thời gian dài không được điều trị tốt. Điều này làm cho tế bào ở tụy bị tổn thương liên tục dẫn đến viêm mạn tính, xơ hóa và suy giảm chức năng.
Nguyên nhân của viêm tụy mạn tính gồm
Nguyên nhân do tắc nghẽn: dị dạng phôi thai tụy đôi, tắc nghẽn ống tụy mật, nang tá tràng trước nhú, rối loạn cơ vòng Oddi,… Bên cạnh đó, viêm tụy mạn tính cũng có thể là biến chứng sau viêm tụy do bệnh lý mạch máu, viêm tụy hoại tử cấp, thiếu máu tại tụy cục bộ,…
- Nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa Lipid máu, suy thận mạn,…
- Nguyên nhân do ăn uống, sinh hoạt:
- Rượu bia: có mặt trong khoảng 70% trường hợp mắc bệnh – là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy mạn tính
- Thuốc lá: là yếu tố tăng nguy cơ tới viêm tụy mạn, đặc biệt là ở người uống rượu nhiều
- Nguyên nhân khác do tự miễn, gen di truyền hoặc một số không rõ nguyên nhân.
Lối sống lành mạnh dành cho bệnh nhân Viêm tụy mạn tính tái phát
Việc thiết lập một chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp góp phần quan trọng giúp kiểm soát các đợt cấp của Viêm tụy mạn tính, nâng cao sức khỏe, khả năng đề kháng của người bệnh.
Trong hầu hết các trường hợp, việc duy trì tập luyện thể thao luôn là biện pháp hữu ích. Tùy vào tình trạng sức khỏe, quỹ thời gian và không gian mà mỗi người có thể chọn cho mình một hình thức tập luyện phù hợp. Ưu tiên các môn thể thao vận động vừa phải như chạy bộ, đạp xe hoặc các bài tập thể dục, yoga đều đặn hàng ngày.
Dinh dưỡng phù hợp dành cho bệnh nhân Viêm tụy mạn tính tái phát
Cùng với một thói quen sinh hoạt, tập luyện khoa học, chế độ ăn uống cũng là rất quan trọng. Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo cân bằng giữa việc bổ sung đầy đủ các nhóm chất, tránh thiếu hụt dưỡng chất và việc hạn chế các nhóm thực phẩm gây tác động xấu đến tình trạng bệnh.
Các loại thức ăn:
- Các thực phẩm tốt cho người viêm tụy mạn tính là các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, ít chất béo, chất đường và muối. Ưu tiên đến các thực phẩm tươi sống, đảm bảo an toàn vệ sinh, có sự đa dạng, thay đổi liên tục trong thực đơn ăn hàng ngày.
- Chế độ ăn cần ăn nhiều bữa, hạn chế mỡ và protein, giảm chất béo (chiếm 25-30% tổng số năng lượng), chỉ nên dùng các chất béo có nhiều triglycerid dễ hấp thu như dầu vừng, dầu đậu tương, dầu lạc, đảm bảo dinh dưỡng mỗi ngày từ 2000-2500 calo. Khi bệnh nhân bị đái tháo đường: cần hạn chế đường, ăn thức ăn giàu vitamin tan trong dầu (A, D, K); bổ sung sắt, vitamin B12, acid folic.
Có một số lưu ý khi chọn thực phẩm như:
- Hạn chế chất béo: Khi tuyến tụy bị viêm, cơ thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc phân hủy chất béo và không thể hấp thụ được nhiều dinh dưỡng. Vì vậy, hạn chế chất béo sẽ giảm bớt gánh nặng cho tuyến tụy.
- Tăng cường các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là những thực phẩm giàu protein để phòng ngừa suy dinh dưỡng: Khả năng suy dinh dưỡng rất dễ xảy ra vì một số vitamin chính (A, D và E) hòa tan trong chất béo và khả năng tiêu hóa chất béo của người bệnh kém có thể khiến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng trở nên khó khăn. Chưa kể có những người bị viêm tụy thường cố gắng ngăn ngừa các triệu chứng bằng cách ăn kiêng nhiều dẫn đến thiếu chất, suy dinh dưỡng.
- Ưu tiên các nguồn protein động vật, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm giàu chất xơ có nguồn gốc từ thực vật cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng mà cơ thể có thể sử dụng để tạo năng lượng mà không gây căng thẳng quá nhiều cho hệ tiêu hóa:
- Sữa: Nên chọn sữa ít béo hoặc không có chất béo, sữa chua hoặc các loại sữa hạt
- Ngũ cốc: Ngoài ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ, người bệnh viêm tụy cũng có thể lựa chọn cơm và bánh mì sẽ giúp tiêu hóa tốt hơn.
- Trái cây và rau quả: Chọn các loại trái cây và rau quả có nhiều chất xơ
Đồ uống:
Tránh hoàn toàn đồ uống có cồn và cafein. Đặc biệt là kiêng hoàn toàn rượu: người ta thấy nếu có suy chức năng tuyến tụy mà tiếp tục uống rượu thì tỷ lệ tỷ vong sau 5- 12 năm có thể đến 50%.
Nước lọc là sự lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra người bệnh có thể uống trà thảo mộc, nước ép trái cây và rau quả không/ít đường
Các thực phẩm nên hạn chế ở người viêm tụy mạn tính gồm:
- Các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá
- Các thực phẩm giàu chất béo, đường, muối, các thực phẩm chiên rán, chế biến ở nhiệt độ cao như bánh ngọt, mỡ động vật, các đồ ăn nhanh (bim bim, gà rán, khoai tây chiên,…)
Viêm tụy mạn tính là một bệnh lý mãn tính, đòi hỏi người bệnh cần thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị nghiêm ngặt để chung sống hòa bình với bệnh, hạn chế các đợt cấp tính tái phát. Hãy luôn tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp với lối sống khoa học để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.