Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi mạng sống của khoảng 17,5 triệu người. Có thể nói, bệnh tim mạch là kẻ giết người nguy hiểm nhất thế giới. Theo thống kê, tử vong do bệnh lý tim mạch cao gấp 4 lần tử vong do 3 loại bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại. Cứ 3 phụ nữ tử vong thì có 1 người tử vong do bệnh lý tim mạch. Và mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra mắc các bệnh tim bẩm sinh.
Ngày Tim mạch thế giới (29/9) là sự kiện được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của các cá nhân, cộng đồng về bệnh tim mạch, cách phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị. Trong đó, kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể giảm đến 80% các ca tử vong do bệnh tim và đột quỵ.
Sau đây là vài lời khuyên để kiểm soát các yếu tố nguy cơ và bảo vệ trái tim của bạn, người thân và cộng đồng:
2. Tập thể dục thường xuyên, đều đặn, mỗi ngày 30 phút có thể giúp dự phòng cơn đau tim và đột quỵ. Hoạt động tích cực giúp bạn giảm stress và kiểm soát cân nặng, đây cũng là 2 yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
3. Ngưng hút thuốc lá và tránh xa thuốc lá: Nếu bạn ngưng hút thuốc lá, nguy cơ bệnh mạch vành sẽ giảm trong vòng 1 năm, và theo thời gian sẽ trở về bình thường. Cần phải tránh xa môi trường thuốc lá, bởi vì tiếp xúc thụ động với khói thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ bị cơn đau tim.
4. Duy trì cân nặng hợp lý và hạn chế muối sẽ giúp kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ cơn đau tim và đột quỵ. Một phương pháp tốt có thể giúp theo dõi cân nặng là sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI – Body Mass Index). Để tính chỉ số BMI, lấy cân nặng (tính bằng kg) chia cho bình phương của chiều cao (tính bằng met). Một người trưởng thành khỏe mạnh phải giữ chỉ số BMI trong khoảng 18,5 – 24,9.
5. Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo nguy kịch: Dấu hiệu cảnh báo bệnh mạch vành là cơn đau thắt ngực: đây triệu chứng thường gặp nhất của bệnh mạch vành. Đau thường khởi phát khi gắng sức, ở ngay sau xương ức, đau nhói, thắt chặt, lan ra vai trái, cánh tay trái, bàn tay trái… Đau thường kéo dài vài phút, giảm đi khi nghỉ ngơi. Nếu cơn đau xuất hiện lúc nghỉ hoặc cơn đau quá trầm trọng hoặc kéo dài trên 30 phút thì phải nghĩ đến nhồi máu cơ tim cấp.
6. Cần khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol và hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI). Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ số 1 của đột quỵ, và là yếu tố nguy cơ chủ yếu của khoảng 50% cơn đau tim.
7. Sử dụng thuốc cẩn thận: Phải dùng thuốc theo dơn của bác sĩ và bảo đảm tuân thủ chế độ điều trị
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.