Theo lương y Bùi Đắc Sáng – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tầm bóp là cây rau dại ở nước ta, hay mọc ở các mảnh đất hoang. Một vài địa phương gọi tầm bóp là cây lu lu cái, lồng đèn, thù lù cạnh, bôm bốp. Đây là loài thực vật có hoa thuộc họ cà, được nhà sinh vật học Carl Linnaeus miêu tả đầu tiên vào năm 1753.
Cây tầm bóp thân thảo mọc hoang quanh năm, cao 50-90cm, phân nhiều cành. Thân cây có góc, thường rủ xuống. Lá mọc so le, hình bầu dục. Toàn cây có thể dùng làm thuốc, tên dược là Herba physalis Angulatae.
Tầm bóp có nhiều dược tính nhưng ít được dùng ở nước ta trong các bài thuốc. Ngày trước, loài cây này được xem là rau dại cứu đói, người dân nhặt về ăn. Vài năm trở lại đây, tầm bóp trở thành đặc sản được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Người ta dùng cây tươi hay phơi khô dùng dần làm dược liệu.
Theo y học hiện đại, trong 100g rau tầm bóp có 49kcal; protein 1,5g; carbohydrate11g; đường 3,9g, chất béo 0,5g; chất xơ 0,5g; nước 81%. Loại rau này còn chứa vitamin C 28 mg; lưu huỳnh 6mg; kẽm 0,1mg; sắt 1,3mg; natri 0,0005g; magiê 12mg; canxi 12 mg; phốt pho 39mg; clo 2mg.
Theo quan niệm của Đông y, toàn cây có vị đắng, tính mát, không độc; có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, khư đàm chỉ khái, nhuyễn kiên tán kết. Quả có vị chua, tính bình, tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, tiêu đờm. Thường dùng trị cảm sốt, yết hầu sưng đau, ho nhiều đờm, phiền nhiệt nôn nấc.
Quả tầm bóp ăn được và dùng chữa đờm nhiệt sinh ho, thủy thủng và đắp ngoài chữa đinh sang. Rễ tươi nấu với tim lợn, chu sa chữa được chứng đái tháo đường. Ở Ấn Độ, toàn cây được sử dụng làm thuốc lợi tiểu. Lá rau được dùng trị các rối loạn của dạ dày.
Quả tầm bóp còn phòng ngừa các bệnh về đường tiết niệu như viêm thận, sỏi thận, sỏi bàng quang và chữa bệnh gout. Quả để khô có thể làm mứt. Ở châu Phi, người dân ăn lá cây đã được nấu chín hoặc dùng băng bó các vết thương bị nhiễm trùng. Chúng ta có thể dùng bộ phận lá cây để ăn lẩu, nấu canh ngao, cua, tôm hoặc luộc xào.
Lương y Sáng cho biết thường xuyên ăn rau này có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch do cây tầm bóp cung cấp một lượng lớn vitamin C giúp hạn chế các gốc tự do gây hại các mạch máu. Lượng vitamin C và vitamin A còn mang lại khả năng kiểm soát cholesterol máu, tránh được các bệnh lý do tăng cholesterol máu như bệnh đột quỵ não.
Ngoài ra, hàm lượng vitamin C cao nên loại rau này còn hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, tốt cho người bệnh đang trong quá trình điều trị ung thư phổi, dạ dày, gan, đại tràng, vòm hầu họng…
Người bệnh đái tháo đường ăn rau tầm bóp thường xuyên còn giúp ổn định đường huyết, thành phần vitamin trong rau tăng tác dụng hormone insulin trong máu.
Lưu ý, lương y Sáng khuyến cáo thêm loại cây này lành tính nhưng bạn không nên ăn quá nhiều, không tự ý kết hợp với các thảo dược khác. Người từng dị ứng với rau tầm bóp không nên ăn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.