Liệt mặt là một căn bệnh về thần kinh ngoại biên thường gặp. Việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh có thể giúp ích nhiều cho việc phòng ngừa các di chứng nặng ảnh hưởng đến ngoại hình và sức khỏe lâu dài của người bệnh.
Tổng quan liệt thần kinh mặt ngoại biên
Dây thần kinh mặt là một dây thần kinh hỗn hợp, có chứa các chức năng sau: vận động, cảm giác, thực vật, dinh dưỡng và phản xạ.
Liệt thần kinh mặt ngoại biên hay liệt dây thần kinh VII ngoại biên là bệnh lý thần kinh ngoại biên khá thường gặp, đặc biệt ở người trẻ. Phần lớn bệnh nhân có xu hướng phục hồi tốt sau 4 tháng.
Tỷ lệ mắc hàng năm từ 13 đến 34 trường hợp trên 100.000 dân. Không có dự đoán về chủng tộc, địa lý hoặc giới tính, nhưng nguy cơ cao hơn gấp ba lần khi mang thai, đặc biệt là trong ba tháng cuối hoặc trong tuần đầu tiên sau sinh. Bệnh tiểu đường hiện diện ở khoảng 5 – 10% bệnh nhân liệt mặt.
Liệt dây thần kinh mặt căn nguyên do virus, là nguyên nhân phổ biến nhất của liệt mặt ngoại biên tự phát cấp tính. Việc đánh giá bệnh FNA phải xem xét các nguyên nhân khác.
Liệt Bell là tên gọi thường được sử dụng để mô tả bệnh liệt mặt ngoại biên cấp tính không rõ nguyên nhân. Hầu hết bệnh nhân bị liệt mặt ngoại biên được gọi là bị liệt Bell vì không có phương pháp xác nhận virus được chứng minh rõ ràng trong thực hành lâm sàng.
Triệu chứng
Bệnh nhân bị liệt dây thần kinh này thường có những biểu hiện sau:
- Tuyến lệ hoạt động kém, mí mắt sụp, khô mắt, mắt không thể nháy hoặc nhắm mắt bình thường được.
- Một bên miệng khó hoặc không mỉm cười được, không khép lại được, chảy dãi.
- Miệng bị kéo lệch về bên lành.
- Bệnh nhân bị đau ở góc hàm, thái xương, tai,…
- Vị giác thay đổi.
- Nhạy cảm với âm thanh.
- Khả năng nói bị hạn chế, không nói được, miệng méo, khó ăn và uống nước hay bị trào ra ngoài.
Những trường hợp bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số VII do nhiễm trùng còn có thể xuất hiện những cơn đau dữ dội. Kèm theo là nổi mụn nước trong lưỡi hay vòm miệng.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng liệt dây thần kinh số VII, trong đó phổ biến nhất là những nguyên nhân sau:
- Do bị nhiễm lạnh đột ngột, trúng gió qua tai
- Bệnh viêm tai – mũi – họng không được điều trị hiệu quả
- Có bệnh lý ở nền sọ não ảnh hưởng đến dây thần kinh
- Khối u trong hệ thần kinh trung ương
- U dây thần kinh thính giác
- Bị chấn thương ở xương chũm, vùng thái dương,…
- Xơ vữa động mạch
- Do một số loại virus: Virus gây ra bệnh thủy đậu, zona thần kinh, virus bệnh tay chân miệng,…
Đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh liệt dây thần kinh số VII:
- Người mang thai;
- Người có hệ miễn dịch bị suy giảm và sức khỏe yếu;
- Hay uống rượu bia;
- Thường xuyên trải qua tình trạng căng thẳng, thức khuya;
- Người có tiền sử với bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp;
- Những người hay phải đi sớm về khuya, làm việc ban đêm trong môi trường tiếp xúc với gió lạnh…
Chẩn đoán
Với bệnh liệt dây thần kinh số VII, cách chẩn đoán chủ yếu dựa trên các dấu hiệu lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi cụ thể về trường hợp liệt mặt của người bệnh, xác định khu tổn thương giúp chẩn đoán và xác định được vị trí tổn thương thông qua cách xuất hiện tình trạng liệt mặt, các triệu chứng đi kèm như chảy tai, chấn thương, rối loạn vị giác, giảm tiết nước mắt…
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh qua lâm sàng bằng cách:
- Xác định tình trạng liệt mặt ngoại biên với các dấu hiệu đặc trưng của tổn thương như dấu hiệu Charles bell, người bệnh không thể nhắm kín mắt
- Ở trạng thái nghỉ, mặt người bệnh không cân xứng, bị kéo lệch về bên lành, nếp nhăn trán bị xóa so với bên đối diện, cung mày bị rũ xuống, mép bên liệt bị hạ thấp so với bên kia, má nhẽo và phồng lên khi thở ra
- Đối với các tổn thương kín, bác sĩ có thể thấy được nhờ dấu hiệu khi nhắm chặt mi mắt, lông mi bên liệt dài hơn bên lành
Nhìn chung để chẩn đoán chính xác tình trạng liệt dây thần kinh số VII, bác sĩ điều trị cần dựa vào các yếu tố trương lực cơ khi nghỉ, nghiên cứu nhóm cơ ở mặt và thực hiện các thăm khám khác như:
- Khám tai: Tìm các nốt phỏng vùng cửa tai, chảy tai và tình trạng màng nhĩ cho phép hướng chẩn đoán nguyên nhân.
- Khám họng và cổ: Sờ cổ mặt và khám họng để loại trừ khối u tuyến mang tai.
- Khám thần kinh: Tìm các tổn thương dây thần kinh sọ phối hợp khác.
Bệnh nhân có dấu hiệu liệt dây thần kinh số VII ngoài được chẩn đoán lâm sàng, còn được thực hiện các cận lâm sàng, xác định chính xác tình trạng, nguyên nhân gây bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ sọ não có mạch máu não để xác định tổn thương tại trung ương hay ngoại biên
- Ghi chẩn đoán điện: phản xạ Blink test và ghi dẫn truyền vận động dây thần kinh VII
- Các xét nghiệm khác: Công thức máu, Đường máu, Máu lắng, Sinh hóa…
Phòng ngừa bệnh liệt mặt
Để phòng ngừa bệnh liệt mặt, bạn nên có một lối sống, sinh hoạt lành mạnh như:
- Vận động, tập thể dục hàng ngày
- Không uống rượu, bia.
- Không thức khuya
- Tránh gió lạnh
- Phòng ngừa cảm cúm và các loại virus gây bệnh
- Nâng cao sức đề kháng để chống lại các bệnh là yếu tố, nguy cơ gây liệt mặt như đái tháo đường, tai mũi họng, u não, u hệ thần kinh trung ương…
Điều trị như thế nào?
Các mục tiêu chính của việc điều trị bệnh liệt mặt là tăng tốc độ phục hồi, giúp phục hồi hoàn toàn, ngăn ngừa các biến chứng giác mạc và các di chứng khác, đồng thời ức chế sự nhân lên của virus. Tuỳ vào mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị cho bệnh nhân.
- Dùng thuốc: Corticosteroid trong vòng 72 giờ kể từ khi bắt đầu các triệu chứng của bệnh liệt Bell trong vòng 10 ngày. Lợi ích của corticosteroid sau 72 giờ là không rõ ràng. Ở bệnh nhân tiểu đường và phụ nữ có thai nên tùy trường hợp sẽ cân nhắc.
- Bảo vệ mắt: Một trong những vấn đề lớn nhất của bệnh liệt mặt là các tổn thương ở mắt do mắt nhắm không kín và phản xạ nhắm mắt chậm. Do đó, người bệnh cần bảo vệ và chăm sóc kỹ lưỡng cho mắt nhằm tránh các biến chứng có thể dẫn đến suy giảm chức năng mắt. Người bệnh nên bảo vệ giác mạc khỏi bị mất nước, khô hoặc trầy xước bằng thuốc mỡ tra mắt ban ngày và ban đêm theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, người bệnh cần thường xuyên đeo kính khi ra ngoài trời để bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại như nắng, gió và khói bụi.
- Tập vật lý trị liệu: Trị liệu bằng việc tự động xoa bóp cơ vùng mặt giúp mau phục hồi.
- Châm cứu: Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy châm cứu có tác dụng phục hồi vận động dây thần kinh mặt. Châm cứu là một trong những phương pháp điều trị hỗ trợ truyền thống của phương Đông.
- Kích điện qua da: Ở những bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh mặt mãn tính, phương pháp kích thích điện qua da lâu dài có thể giúp điều trị bệnh. Phương pháp này giúp thúc đẩy tái tạo nội tâm thông qua kích thích điện, từ đó cải thiện tình trạng liệt mặt.
- Phẫu thuật: Các loại phẫu thuật dây thần kinh không có chỉ định trong liệt dây thần kinh mặt giai đoạn cấp, chỉ định thường sau giai đoạn tái tạo dây thần kinh mặt mục đích thẩm mỹ là chính trong các trường hợp liệt mặt nặng, điều trị nội khoa muộn để lại di chứng.
Để chữa khỏi được tình trạng liệt mặt khi liệt dây thần kinh VII, bệnh nhân cần được phát hiện từ sớm, xác định nguyên nhân đúng. Quan trọng nhất là có phác đồ điều trị đúng hướng, phương pháp chăm sóc phục hồi tốt. Do vậy, nếu có bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến tình trạng này, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt để tác động kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.