Ốm nghén hiểu đơn giản là cảm thấy buồn nôn và nôn, xảy ra nhiều lần trong một ngày. Với đa số bà bầu thì triệu chứng ốm nghén khi mang thai thường bắt đầu sớm nhất từ tuần thứ 4 – 6 của thai kỳ và sẽ thuyên giảm sau ba tháng đầu. Tuy nhiên, một số người lại diễn biến tình trạng ốm nghén nặng hơn và khó kiểm soát. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về: “Làm thế nào để cải thiện tình trạng nôn nghén khi mang thai?” qua bài viết dưới đây.
Nôn nghén
Ốm nghén là gì?
Ốm nghén là tình trạng khi bà bầu cảm thấy khó chịu, đầy hơi ở bụng, xuất hiện nhiều lần trong một ngày. Khi mới bắt đầu có thai thì ốm nghén là tình trạng rất phổ biến. Ốm nghén khi mang thai thường không gây hại cho thai nhi nhưng nó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của sản phụ, cả khi làm việc hay trong các sinh hoạt bình thường.
Nguyên nhân nôn nghén?
Không có nguyên nhân chính xác của tình trạng ốm nghén khi mang thai, và mức độ nghiêm trọng ốm nghén cũng khác nhau ở từng phụ nữ. Nồng độ hormone tăng trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ là nguyên nhân phổ biến nhất. Giảm lượng đường trong máu cũng là một lý do khác gây ốm nghén. Buồn nôn và ói mửa cũng thường được kích hoạt bởi một số mùi nồng, thức ăn cay nóng, nước bọt… hoặc thậm chí là không có tác nhân nào.
Người thường bị buồn nôn hoặc nôn do say tàu xe, đau nửa đầu, dị ứng với mùi hoặc vị nhất định cũng dễ bị nghén khi mang bầu hơn. Các yếu tố khác có thể làm nặng thêm tình trạng ốm nghén bao gồm:
- Lần mang thai đầu tiên;
- Sinh đôi hoặc sinh ba;
- Mang thai bé gái;
- Đã từng bị ốm nghén nặng trước đây;
- Gia đình có tiền sử bị ốm nghén nặng;
- Tiếp xúc với estrogen (ví dụ như trong thuốc tránh thai) trước khi mang thai;
- Thể trạng yếu, quá mệt mỏi;
- Béo phì (chỉ số BMI ≥ 30);
- Căng thẳng, dễ xúc động;
- Đi du lịch thường xuyên.
Ở một người phụ nữ, tình trạng ốm nghén cũng có thể khác nhau giữa các lần mang thai. Ví dụ bạn đã từng bị ốm nghén nặng khi mang thai đứa con đầu lòng, nhưng trong những lần mang thai kế tiếp bạn có thể bị nghén rất nhẹ.
Trường hợp hiếm gặp, buồn nôn hoặc nôn nghiêm trọng và kéo dài được gây ra bởi một bệnh lý không liên quan đến thai kỳ – chẳng hạn như bệnh tuyến giáp, gan hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
Nguyên nhân gây ra nôn nghén
Triệu chứng của nôn nghén khi mang thai?
Buồn nôn và nôn dễ dẫn đến chán ăn, do đó nhiều bà bầu lo lắng rằng điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến em bé trong bụng. Thực tế thì ốm nghén nhẹ thường không gây hại. Nghén khi mang thai thường không nghiêm trọng đến mức cản trở sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi.
Đối với một số phụ nữ mang thai, cảm giác buồn nôn và nôn khiến họ sụt cân nghiêm trọng. Đây được gọi là hội chứng ốm nghén nặng (Hyperemesis Gravidarum – HG), gây mất cân bằng điện giải và giảm cân không kiểm soát. Nếu không được điều trị, tình trạng này có nguy cơ làm mất nước nghiêm trọng hoặc giảm hơn 5% trọng lượng cơ thể trước khi mang thai, nguy hiểm nhất là gây hại cho em bé của bạn.
Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có biểu hiện:
- Nôn liên tục, không kiểm soát;
- Giảm từ 1-2 kg trở lên;
- Sốt;
- Tiểu rắt / rắt, nước tiểu màu sẫm;
- Choáng váng, chóng mặt hoặc ngất xỉu;
- Tim đập nhanh;
- Buồn nôn dữ dội trong tam cá nguyệt thứ hai;
- Nôn ra máu;
- Đau đầu thường xuyên;
- Đau bụng;
- Xuất huyết hoặc có đốm máu âm đạo.
Thai phụ bị ốm nghén nặng thường phải nhập viện và truyền dịch tĩnh mạch (IV) để bù nước. Trường hợp vẫn bị ốm nghén sau 3 – 4 tháng đầu của thai kỳ, hoặc nếu bạn không tăng đủ cân khi mang thai thì cũng nên đến bệnh viện kiểm tra.
Cách khắc phục tình trạng nôn nghén.
Một số lời khuyên sau đây có thể giúp thai phụ ngăn ngừa hoặc giảm thiểu buồn nôn:
- Uống nhiều nước, trước và sau bữa ăn;
- Nghỉ ngơi;
- Để nhà cửa và nơi làm việc thông thoáng;
- Loại bỏ mùi hương khiến bạn buồn nôn;
- Tránh khói thuốc lá, thức ăn cay và béo;
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày;
- Ăn vặt trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng và trong suốt cả ngày;
- Uống thêm vitamin bổ sung vào ban đêm.
Nếu không có biện pháp nào có hiệu quả với bạn, hoặc nếu bạn vẫn bị nghén khi mang thai sau 3 – 4 tháng đầu, thì điều quan trọng là phải trình bày với bác sĩ. Ngoài ra, trước khi bắt đầu dừng bất kỳ loại thuốc hoặc thử nghiệm biện pháp nào, cần tham khảo rõ ý kiến bác sĩ về các lựa chọn này.
Kết luận
Việc trải qua giai đoạn nôn nghén khi mang thai là một phần không thể tránh khỏi với nhiều bà bầu. Tuy nhiên, tình trạng này thường không gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi nếu được quản lý đúng cách. Để giảm thiểu triệu chứng nôn nghén, các bà bầu nên uống đủ nước, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày và tránh các thức ăn cay nóng, mùi hương khó chịu. Nếu tình trạng nôn nghén nghiêm trọng hoặc kéo dài, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Việc chăm sóc bản thân và duy trì sức khỏe tốt trong suốt thai kỳ sẽ giúp mẹ và bé đều khỏe mạnh. Hãy luôn lắng nghe cơ thể mình và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết để có một thai kỳ an toàn và hạnh phúc.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.