Bạo lực gia đình và tác động tâm lý
Bạo lực gia đình là một dạng hình thức của bạo lực xã hội, là “hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại… với các thành viên khác trong gia đình” (Khoản 1, Điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022), bao gồm ngược đãi về mặt thể chất, tình dục và tâm lý giữa những người sống chung với nhau, bao gồm giữa bạn tình, cha mẹ hoặc người giám hộ và con cái, con cái và ông bà, và anh chị em ruột.
Bao lực gia đình có thể chia thành các dạng:
- Bạo lực thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.
- Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình.
- Bạo lực về kinh tế: là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền tự do lao động, tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản…)
- Bạo lực về tình dục: là bất kỳ hành vi nào mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con.
Theo Công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019:
- Cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).
- Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).
- Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.
Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến tâm lý như thế nào?
- Bạo lực gia đình gây tổn hại đến cả thể chất và tinh thần của nạn nhân.
- Hầu hết tất cả các nạn nhân đều cảm thấy hoang mang, lo sợ, kiệt quệ tinh thần khi phải đối mặt với vấn nạn này. Tinh thần của nạn nhân luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, mất ngủ tự ti, nghi ngờ bản thân, mất niềm tin vào cuộc sống.
- Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân khởi phát chứng trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn, có thể dẫn đến rối loạn nhân cách, rối loạn tâm thần.
- Đối với trẻ em, việc bạo lực gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách và nhân cách của trẻ, khiến trẻ rụt rè, tự ti, không dám bộc lộ cảm xúc, những tổn thương sẽ đi theo trẻ suốt quá trình trưởng thành.
Mối liên hệ giữa bạo lực gia đình và lạm dụng chất kích thích
Do những tổn thương sau bạo lực gia đình về thể chất và tinh thần, người bị bạo lực có thể tìm đến các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá, các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt như Tramadol, Codein…thậm chí là chất kích thích bất hợp pháp như: cocain, thuốc lắc, ma tuý…
Việc lạm dụng sử dụng chất kích thích như vậy nhằm mục đích khiến nạn nhân quên đi nỗi đau về cả thể xác và tinh thần, quên đi hoàn cảnh thực tại.
Đáng báo động hơn,có một một lượng lớn nạn nhân của việc lạm dụng chất kích thích là giải pháp hiệu quả để giải quyết bạo lực gia đình. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, sức khỏe của người bị hại, khiến nạn nhân không chịu đối mặt với hoàn cảnh thực tế, mất đi khả năng phản kháng, đấu tranh vì quyền lợi của bản thân, đồng thời tạo gánh nặng cho toàn xã hội.
Chúng ta cần làm gì để giảm tình trạng lạm dụng chất kích thích do bạo lực gia đình?
- Thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, quan tâm tới nạn nhân của bạo lực gia đình. Đồng hành, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình tìm đến các biện pháp giải quyết theo luật pháp.
- Truyền thông rộng rãi về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đinh để tất cả mọi người nắm và hiểu rõ.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm cung cấp các địa điểm có thể hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân của bạo lực gia đình.
- Kiểm soát việc sử dụng các chất kích thích, tránh tình trạng nạn nhân cố tình lạm dụng.
- Những nạn nhân của bạo lực gia đình cần dũng cảm đấu tranh, đối mặt với hoàn cảnh thực tế, tìm kiếm sự giúp đỡ từ xã hội. Tuyệt đối không nhẫn nhịn, chịu đựng.
Tóm lại, việc lạm dụng chất kích thích do bạo lực gia đình đang trở nên đáng báo động. Toàn xã hội cần chung tay ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình đồng thời giảm thiểu tình trạng lạm dụng chất kích thích.