Khủng hoảng hiện sinh là một trạng thái tâm lý mà nhiều người đã từng trải qua sau khi mất mát hoặc gặp biến cố trong đời. Vậy khủng hoảng hiện sinh là gì? Và nếu bạn đang đối mặt với khủng hoảng này phải làm gì để vượt qua?
Khủng hoảng hiện sinh là gì?
Khủng hoảng hiện sinh (existential crisis) là một trạng thái tâm lý khi con người bắt đầu nghi ngờ về ý nghĩa, mục đích và giá trị của cuộc sống. Đây là giai đoạn mà người ta tự đặt ra những câu hỏi về sự tồn tại của mình, thường xoay quanh mục đích sống, giá trị cá nhân và sự đóng góp của mình cho cuộc sống.
Khủng hoảng hiện sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kể độ tuổi nào. Trạng thái này có thể gây ra cảm giác lo âu và cô đơn, nhưng cũng có thể trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển cá nhân và giúp người ta nhận thức rõ ràng hơn về bản thân.
Khủng hoảng hiện sinh là một trạng thái tâm lý nghi ngờ về mục đích sống mà ai cũng có thể trải qua
Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hiện sinh
Khủng hoảng hiện sinh thường xảy ra sau những mất mát, biến cố và sự kiện lớn trong cuộc sống, chẳng hạn như:
- Thay đổi nghề nghiệp hoặc công việc.
- Cái chết của người thân yêu.
- Đối mặt với bệnh nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng.
- Bước vào một nhóm tuổi quan trọng, chẳng hạn như 40, 50 hoặc 65.
- Trải qua một biến cố bi thảm hoặc đau thương.
- Có con.
- Kết hôn hoặc ly hôn.
Ngoài ra, những người mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và trầm cảm có nguy cơ dễ bị khủng hoảng hiện sinh hơn.
Dấu hiệu nhận biết bạn đang gặp phải tình trạng khủng hoảng hiện sinh
Một số triệu chứng thường gặp ở người đang bị khủng hoảng hiện sinh:
- Luôn trong trạng thái lo lắng, sợ hãi và bất an.
- Tình trạng buồn bã kéo dài dẫn đến trầm cảm.
- Cảm thấy choáng ngợp bởi những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.
- Không có hứng thú giao tiếp xã hội, tự cô lập mình với gia đình và bạn bè.
- Mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày và khó khăn trong việc hoàn thành công việc.
- Cảm giác bị cô lập và thiếu sự kết nối với thế giới xung quanh.
Cách để vượt qua khủng hoảng hiện sinh
Để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn và mệt mỏi này, điều quan trọng nhất là lắng nghe bản thân và áp dụng những phương pháp tích cực sau đây.
Hãy mở lòng bày tỏ cảm xúc
Đừng kìm nén hay bỏ qua cảm xúc của mình mà hãy chia sẻ. Điều quan trọng là lắng nghe những gì cuộc khủng hoảng này đang nói với bạn và lý do tại sao nó xảy ra.
Nếu bạn chưa sẵn sàng để nói chuyện với một ai đó về những trăn trở của mình, hãy thử viết ra những suy nghĩ và câu hỏi hiện sinh của mình, rồi phân tích chúng để hiểu rõ những thông điệp mà các vấn đề này đang cố gắng truyền tải.
Hãy sẵn sàng trò chuyện và chia sẻ những cảm xúc của mình với người thân
Ngồi thiền và chánh niệm
Chánh niệm và thiền định là những phương pháp tuyệt vời để kết nối với nội tâm. Thiền giúp chúng ta cảm nhận vững vàng và giao tiếp sâu sắc với bản thân. Hãy tập trung vào việc tận hưởng giây phút hiện tại bằng tất cả các giác quan của mình. Bạn có thể tìm hiểu thêm về thiền Vipassana và các tư thế ngồi thiền để chăm sóc tốt hơn cho tinh thần của mình.
Viết nhật ký
Viết nhật ký giúp bạn ghi lại những điều tích cực mỗi ngày và những điều bạn biết ơn, dù lớn hay nhỏ. Đây là cách giúp bạn kết nối lại với cuộc sống và nhận định rõ ràng các giá trị của chính mình.
Hãy lấy một cuốn sổ tay và ghi lại suy nghĩ của bạn về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Còn những vấn đề bạn đang nghi ngờ, hãy đưa ra những giải pháp cụ thể để vượt qua chúng.
Dành thời gian viết lại những điều tích cực trong cuộc sống hàng ngày
Chấp nhận quá khứ
Một số người có thể cảm thấy chán nản khi nhìn lại quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta không thể thay đổi những điều đã xảy ra. Vì vậy, đừng hối tiếc những gì đã qua đi mà hãy tiếp tục tiến về phía trước.
Hãy học hỏi những kinh nghiệm từ các bài học của quá khứ và luôn hướng về tương lai với niềm tin và hy vọng. Tương lai luôn mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng mới cho chúng ta.
Tìm kiếm sự hỗ trợ
Sự kết nối là một cách hiệu quả để giảm bớt sự lo lắng. Gặp gỡ và giao tiếp với những người khác, lắng nghe và chia sẻ cùng họ có thể giúp bạn giảm đi cảm giác đau buồn và thoát khỏi sự cô đơn. Những người này cũng có thể lan tỏa sự tích cực cho bạn.
Bạn có thể tự vượt qua cuộc khủng hoảng tâm lý này mà không cần sự can thiệp của chuyên gia. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng khủng hoảng hiện sinh kéo dài, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, hãy cân nhắc đến việc tìm sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hoặc nhà trị liệu.
Hãy chia sẻ vấn đề của bạn với các chuyên gia tư vấn tâm lý
Nhìn nhận lại ý nghĩa cuộc sống
Nỗi sợ rằng cuộc sống không có ý nghĩa thường là gốc rễ của những lo lắng hiện sinh, khiến chúng ta trăn trở về các câu hỏi cơ bản: “Tôi là ai?” và “Mục đích sống của tôi là gì?”.
Để vượt qua khủng hoảng hiện sinh, hãy tái kết nối với những giá trị và mục tiêu mà bạn mong muốn đem lại cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Điều này có thể tạo ra một bước ngoặt quan trọng, giúp bạn tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn đang cảm thấy bất mãn với cuộc sống và có suy nghĩ về tự tử, hãy tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức. Tuy nhiên, ngay cả khi tình trạng chưa đến mức nghiêm trọng này, bạn vẫn nên tìm đến các chuyên gia để giúp giải quyết những lo lắng và triệu chứng trầm cảm. Các chuyên gia có thể hỗ trợ bạn thông qua các liệu pháp như tư vấn tâm lý và liệu pháp hành vi nhận thức.
Khủng hoảng hiện sinh là một tình trạng mà ai cũng đã từng trải qua, nhưng quan trọng là phải nhìn nhận và bình tĩnh để vượt qua nó và phát triển bản thân hơn. Hãy nhớ rằng luôn có cách để giải quyết vấn đề và các chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn trong quá trình này.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.