Khó tiêu không phải là bệnh, mà là tập hợp nhiều triệu chứng của đường tiêu hóa và nhiều bệnh tiêu hóa cụ thể khác. Hầu như ai cũng trải qua các cảm giác đầy hơi, ậm ạch, ợ chua… nhiều lần trong đời. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu Những điều cần biết về khó tiêu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Khó tiêu có thể là biểu hiện của một rối loạn tiêu hóa nhẹ như sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ, đau dạ dày… Tình trạng này sẽ tự hết sau vài giờ. Tuy nhiên, nếu khó tiêu kéo dài thường xuyên kèm theo các triệu chứng khác như sụt cân, thiếu máu, nôn, … thì bạn nên khi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt vì có thể đây là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý trầm trọng hơn.
Triệu chứng
Các triệu chứng đầy bụng khó tiêu là:
- Đầy hơi, ợ hơi
- Buồn nôn và ói mửa
- Cảm giác bỏng rát ở dạ dày
- Dễ cảm thấy no sau khi ăn một bữa ăn bình thường
- Xuất hiện vị chua trong miệng
- Đau bụng
Bạn cũng có thể gặp các dấu hiệu khó tiêu khác không được đề cập ở trên.
Nguyên nhân
Một vài nguyên nhân thường gặp:
- Do ăn uống không cân đối: ăn thực phẩm khó tiêu và dễ sinh hơi và gây ra tình trạng tiêu hóa chậm.
- Những thực phẩm gây trướng bụng, đầy hơi: ăn nhiều tinh bột, món ăn xào rán nhiều dầu mỡ, sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có gas…. ;sử dụng thực phẩm tái, sống (nem chua, tiết canh, rau sống…), hải sản, đồ uống có cồn…
- Thói quen ăn uống không khoa học: Do ăn quá nhanh, không nhai kỹ; ăn không đúng bữa, đúng giờ, vừa ăn xong đã nằm ngay khiến cho hệ tiêu hóa bị trì trệ; Do vừa ăn vừa xem phim, cười nói chuyện trong lúc ăn nuốt làm nhiều không khí gây ra tình trạng chướng bụng.
- Rối loạn tiêu hóa: loạn khuẩn đường ruột, dư acid dịch vị, nhiễm Helicobacter pylori (HP) một loại vi khuẩn gây loét dạ dày– tá tràng.
- Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, stress gây giảm tiết các men tiêu hóa, giảm nhu động đường tiêu hóa;
- Một số người do khả năng dung nạp lactose (có nhiều trong sữa) kém cũng gây chướng hơi, đầy bụng, khó tiêu.
- Do mắc bệnh về đường tiêu hóa: viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày-tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày ảnh hưởng đến khả năng co bóp tống thức ăn.
- Mắc bệnh tuyến tụy tạng gây giảm tiết men tụy, bệnh sỏi mật, viêm gan dẫn đến suy giảm chức năng gan-mật, giảm bài tiết mật và enzym tiêu hóa.
- Tâm lý: Do căng thẳng, áp lực công việc, mất ngủ… có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột, gây khó tiêu, ợ hơi… Đặc biệt, khi stress kéo dài mà sử dụng chất kích thích, thuốc an thần sẽ khiến người bệnh rơi vào tình trạng “bệnh chồng bệnh”, rối loạn tiêu hóa càng nặng thêm.
- Do tác dụng phụ của thuốc: Thuốc kháng sinh làm tiêu diệt vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột đưa đến rối loạn tiêu hóa như: đi ngoài, đau bụng, khó tiêu…
Đối tượng nguy cơ bị khó tiêu
Thói quen hàng ngày của bạn có thể ảnh hưởng đến sự tiêu hóa. Bên cạnh đó một số bệnh và nguyên nhân tiềm ẩn nêu trên có thể gây ra chứng khó tiêu. Một vài tình trạng có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng khó tiêu, chẳng hạn như:
- Hút thuốc
- Uống rượu gây viêm gan
- Ăn quá nhiều và quá nhanh
- Căng thẳng và mệt mỏi.
Chẩn đoán
Phần lớn người bị khó tiêu không cần thiết phải điều trị khi đây là triệu chứng do ăn uống, sinh hoạt gây ra. Nếu triệu chứng xảy ra trong thời gian ngắn, không tái phát khi thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh thì không cần thiết phải thăm khám và điều trị.
Chứng khó tiêu có thể cần chẩn đoán và điều trị nếu bạn từng có tiền sử mắc bệnh dạ dày. Cùng với đó là triệu chứng đi kèm nghi ngờ nguyên nhân bệnh lý, cần chẩn đoán xác định nguyên nhân bằng xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu: Nếu khó tiêu đi kèm với chứng thiếu máu hoặc nghi ngờ tình trạng nhiễm trùng.
- Xét nghiệm vi khuẩn HP qua hơi thở và kháng nguyên phân để xác định sự tồn tại và phát triển của vi khuẩn HP trong dạ dày.
- Nội soi đường tiêu hóa trên nếu nghi ngờ chứng khó tiêu do có tổn thương thực thể tại ống tiêu hóa.
- Chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm ổ bụng, chụp CT, chụp X-quang để thăm dò đánh giá sơ bộ các cơ quan trong ổ bụng.
- Xét nghiệm chức năng gan: Nếu chứng khó tiêu đi kèm với dấu hiệu bệnh lý gan, nguyên nhân có thể do vấn đề bệnh lý của cơ quan này.
Nếu chứng khó tiêu do bệnh lý, cần điều trị từ nguyên nhân mới có thể cải thiện được tình trạng này. Việc sử dụng thuốc điều trị cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng và thay đổi liều lượng.
Phòng ngừa bệnh
Đề phòng chứng đầy bụng khó tiêu cần:
- Thay đổi thói quen ăn uống. Ăn uống đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, chọn các thực phẩm cân đối giữa các thành phần đạm, mỡ, đường.
- Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán, nhiều tinh bột và chất xơ;
- Không nên sử dụng chất kích thích như cafe, rượu, bia, thuốc lá, đồ uống nhiều gas, các gia vị nóng: mù tạt, ớt, hạt tiêu.
- Chế độ sinh hoạt hợp lý. Thường xuyên vận động, tham gia môn thể thao nhẹ nhàng, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, nghe nhạc, đi bộ,… giúp tinh thần thoải mái, giải tỏa stress giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
- Bên cạnh đó nên làm việc điều độ, cần ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày, đây được coi như cách thư giãn và nạp lại năng lượng cho cơ thể.
- Hạn chế dùng thuốc. Hạn chế dùng thuốc gây tác dụng phụ dẫn đến tình trạng khó chịu ở hệ tiêu hóa. Đồng thời nếu bị các bệnh về đường tiêu hóa thì cần khám và điều trị dứt điểm.
Điều trị như thế nào?
Đầy bụng khó tiêu do nguyên nhân sinh lý thường tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị, chủ yếu thay đổi chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng có thể thúc đẩy quá trình hồi phục và ổn định hệ tiêu hóa cũng như hạn chế khả năng tái phát. Tuy nhiên những nguyên nhân do bệnh lý thì phải được chẩn đoán và điều trị.
Điều trị nội khoa
Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc, giúp làm giảm khí tụ bên trong cơ thể, giải quyết tình trạng căng tức bụng cho người bệnh.
Những loại thuốc thường được dùng để điều trị đầy bụng khó tiêu (cần tuân theo chỉ định về liều lượng và thời gian dùng của bác sĩ):
- Thuốc nhuận tràng
- Thuốc làm mềm phân
- Thuốc giảm cảm giác đầy hơi
- Thực phẩm bổ sung chất xơ
Để nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh nên kết hợp với hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ và giãn cơ
Cách trị đầy bụng khó tiêu tại nhà
Người bệnh đầy bụng khó tiêu do sinh lý có thể áp dụng những phương pháp sau đây để làm giảm triệu chứng, bao gồm:
- Chườm ấm bụng: Người bệnh có thể dùng khăn ấm chườm nhẹ lên vùng bụng trên rốn, có thể kết hợp massage nhẹ nhàng để giúp giảm bớt cảm giác căng tức và đau bụng.
- Kê gối cao: Tư thế nằm kê gối cao nửa người giúp cổ họng được nâng cao hơn, từ đó hạn chế tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
- Vận động nhẹ nhàng: Việc vận động nhẹ nhàng giúp giảm bớt khí tích tụ trong hệ tiêu hóa và tình trạng đầy bụng khó tiêu.
Người bệnh hoàn toàn có thể kết hợp những phương pháp này với điều trị nội khoa. Điều này sẽ giúp quá trình điều trị bệnh được diễn ra hiệu quả, đồng thời phòng ngừa được khả năng tái phát bệnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.