Chè dây, là loại cây leo mọc hoang trong rừng, có tên khoa học là Ampelopsis cantoniensis (Hook. et Arn.) Planch, thuộc họ Nho (Vitaceae). Cây chè dây được biết đến là loại dược liệu mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe. Cùng khám phá ngay lợi ích sức khoẻ mà cây chè dây mang lại ở bài viết dưới đây.
Cây chè dây là gì?
Cây chè dây hay còn gọi là trà dây có danh pháp khoa học là Ampelopsis cantoniensis. Trong Đông y, chè dây còn được gọi là bạch liễm hay khau rả. Đây là loại thảo mộc mọc nhiều ở các khu rừng rậm, vùng núi cao.
Sở dĩ gọi là chè dây vì loại cây này có dạng thân leo, khi phát triển thường quấn vào các cây cổ thụ to, leo lên để đón ánh nắng mặt trời.
Mỗi cây chè dây thường dài khoảng 1 – 2m, phần tua bám vào thân cây cổ thụ rất chắc chắn. Lá cây bản to, dài, đầu lá nhọn, có răng cưa ở hai mép. Lá cây có màu xanh, không có lông, bề mặt nhẵn bóng, phần viền lá màu tím sẫm. Khi mới mọc, lá cây trà dây có màu hơi tím, sau đó chuyển dần sang màu xanh. Khi đạt độ trưởng thành lá cây sẽ có màu xanh đậm.
Cây trà dây có hoa trắng, trên cùng một cây sẽ có hoa đực và hoa cái mọc xen kẽ với nhau. Hoa chè nở thành chùm, thụ phấn nhờ côn trùng. Vào mùa hè hoa chè sẽ nở và kết trái vào đầu mùa thu. Quả của cây chè dây có màu đỏ hơi tím, gần giống với màu lá non, mỗi quả có khoảng 3 – 4 hạt.
Cây chè dây phát triển tốt nhất ở khu vực có khí hậu á nhiệt đới. Chính vì thế loại thảo dược này thường được tìm thấy ở những khu rừng trên núi cao thuộc vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, nhiều nhất là các tỉnh như Thái Nguyên, Lào Cai, Cao Bằng…
Bộ phận chính của cây Chè dây dùng để làm dược liệu là phần thân và lá. Ngoài ra phần rễ cũng được dùng trong một số bài thuốc chữa bệnh.
Thành phần hoá học có trong cây chè dây
Trong cây chè dây có chứa những hoạt chất chính là tanin, flavonoid, glucose. Trong rễ có myricetin, ampelopsin.
Trong đó tỉ lệ thành phần các dược chất như sau: flavonoid toàn phần chiếm khoảng 18.15%. Hỗn hợp flavonoid chứa 2 hoạt chất là dihydromyricetin và myricetin với tỉ lệ lần lượt là 58.83% và 5.32%.
Tác dụng của chè dây
Theo y học cổ truyền
- Công dụng: Tiêu viêm, giải độc, thanh thử nhiệt.
- Chủ trị: Mụn nhọt, tê thấp, nhũ ung, vị thống, giúp chữa viêm loét dạ dày tá tràng, cảm mạo phong nhiệt, viêm kết mạc, viêm họng.
Theo y học hiện đại
- Hàm lượng Flavonoid dồi dào trong dược liệu giúp chống lại sự oxy hóa. Đồng thời ức chế sự phát triển của các tế bào xấu và giúp kháng viêm cũng như dập tắt sự phát triển của các gốc tự do.
- Đẩy lùi các triệu chứng ợ hơi, đau rát thượng vị, ợ chua…liên quan đến bệnh đau dạ dày.
- Cành lá dược liệu còn giúp làm liền sẹo, an thần, đồng thời ức chế xoắn khuẩn Helicobacter pylori.
- Dùng nước sắc dược liệu để súc miệng hằng ngày có thể giúp chống viêm rất tốt, từ đó đẩy lùi tình trạng viêm răng lợi.
- Dược liệu còn giúp giải độc gan, trị mẩn ngứa, mụn nhọt hay nổi rôm nóng ở trong người.
Các bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh từ cây chè dây
Bài thuốc chữa viêm đau dạ dày tá tràng
- Chuẩn bị: 10 – 15g lá chè dây ở dạng khô hoặc đã sao vàng.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm pha trà rồi cho vào 1 ít nước sôi lắc nhẹ và đổ nước đi. Tiếp tục cho thêm 100ml nước sôi vào hãm trong khoảng 15 phút. Uống khi trà còn ấm và duy trì liên tục trong khoảng 15 – 20 ngày cho 1 đợt điều trị.
Bài thuốc chữa tê thấp đau nhức
- Chuẩn bị: Lá chè dây tươi với lượng tùy ý.
- Thực hiện: Đem dược liệu đi giã nát rồi hơ trên lửa nóng. Sau đó gói vào một miếng vải mỏng và đắp trực tiếp lên khu vực bị đau nhức.
Bài thuốc phòng bệnh sốt rét
- Chuẩn bị: 60g chè dây, 12g rễ cỏ xước, 60g lá hồng bì, 12g lá đại bì, 12g tía tô, 12g lá hoặc vỏ cây vối, 12g rễ xoan rừng.
- Thực hiện: Các dược liệu trên đem đi thái nhỏ rồi phơi khô. Sau đó cho hết vào ấm sắc chung với 400ml nước trên lửa nhỏ. Khi lượng nước còn khoảng 100ml thì đem ra uống lúc còn ấm. Bài thuốc có tác dụng hỗ trợ phòng bệnh nên chỉ dùng với liều 3 ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa cảm mạo, hầu họng sưng đau
- Chuẩn bị: 15 – 60g chè dây.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm sắc chung với nửa thắng nước ở trên lửa nhỏ trong 15 phút. Có thể chia thuốc làm nhiều lần uống trong ngày, uống khi còn ấm. Chỉ dùng 1 ngày đúng 1 thang thuốc.
Bài thuốc chữa trúng độc thực vật do vi khuẩn
- Chuẩn bị: 50g rễ chè dây tươi, 15g gừng.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm sắc chung với 2 chén nước đến khi còn 1 chén. Uống khi thuốc còn ấm với liều lượng 1 thang/ngày. Trường hợp bệnh nhẹ hoặc dùng cho trẻ em hay người già thì cần giảm bớt liều lượng
Bài thuốc chữa áp xe
- Chuẩn bị: 15g chè dây.
- Thực hiện: Cho vào nồi rồi thêm nửa rượu nửa nước vào sắc trên lửa nhỏ lấy nước uống. Cách khác là cho thêm thịt heo nạc vào hầm ăn khi còn ấm nóng.
Bài thuốc chữa đau dây thần kinh tọa
- Chuẩn bị: 15 – 30g phần rễ hoặc thân chè dây.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang. Kết hợp với dùng lá chè tươi giã nát, sao nóng để đắp vào chỗ đau nhức.
Tác hại của chè dây khi sử dụng sai cách
Sử dụng chè dây nhiều hơn 70g/ngày, uống chè dây khi đói bụng hay mua chè dây ở những nơi không uy tín sẽ dẫn đến một số tác hại không mong muốn, cụ thể như:
- Nếu sử dụng chè dây không đúng liều lượng quy định, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dùng như gây rối loạn chức năng gan . Các biểu hiện có thể bao gồm da và mắt trở nên vàng, cùng với cảm giác mệt mỏi trên toàn cơ thể.
- Nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác, chè dây có thể tương tác và làm thay đổi hiệu quả điều trị. Do đó, nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng chè dây.
- Sử dụng chè dây để qua đêm rất dễ bị nhiễm khuẩn và sinh ra độc tố, có thể gặp những tác dụng phụ không mong muốn như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng,…
Một số câu hỏi thường gặp
1. Đối tượng nào nên sử dụng chè dây?
Với những tác dụng của cây chè dây, những người nên sử dụng loại dược liệu này để cải thiện tình trạng sức khỏe bao gồm:
- Người đang gặp các triệu chứng ợ chua, ợ hơi một cách thường xuyên.
- Người bị trào ngược dạ dày.
- Người phải đối diện với các vấn đề bệnh lý liên quan như viêm loét dạ dày, hành tá tràng hay bị nhiễm khuẩn HP.
2. Uống chè dây vào lúc nào tốt nhất?
Tác dụng của nước chè dây là trung hòa acid dạ dày, vì vậy thời điểm lý tưởng để uống chè dây là trước bữa ăn khoảng 30 phút. Đặc biệt, việc này có ý nghĩa quan trọng vào buổi sáng, khi lượng acid dịch vị tăng cao nhất. Ngoài ra ở các thời điểm khác trong ngày người bệnh cũng có thể uống thay nước để thanh nhiệt, giải độc.
3. Uống chè dây hàng ngày có tốt không?
Thường thì nên sử dụng từ 30–50g chè dây trong một ngày, chia thành nhiều lần. Bạn có thể sắc hoặc hãm chè dây để uống thay nước. Để đạt hiệu quả tốt nhất, hãy uống theo đợt, mỗi đợt liên tục từ 15–30 ngày.
4. Lưu ý điều gì để dùng chè dây hiệu quả?
Bài thuốc chữa bệnh viêm loét dạ dày, ợ hơi, trào ngược, đầy bụng bằng cây chè dây xuất phát từ đồng bào dân tộc Tày ở Tây Bắc. Đến nay phương pháp này ngày càng phổ biến và được đông đảo bệnh nhân dạ dày biết đến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia để đạt được hiệu quả tốt nhất, khi chữa bệnh bằng cây chè dây, người bệnh nên lưu ý những vấn đề sau:
- Không sử dụng chè dây quá liều lượng, chỉ nên dùng tối đa 60 – 70g trà dây khô một ngày.
- Nên chia lượng chè dây khô ra pha làm 2 lần uống trong ngày để nước trà dây không bị để quá lâu bên ngoài.
- Tốt nhất nên uống trà dây trước khi ăn 30 phút để đạt hiệu quả chữa dạ dày tốt nhất.
- Nước chè dây nên uống khi còn nóng, nếu nước đã nguội thì có thể hâm nóng lại rồi uống.
- Nước chè dây chỉ uống trong ngày, không nên để đến ngày hôm sau để tránh bị thiu sẽ gây tác dụng ngược.
- Khi mùa chè dây phải chọn địa chỉ uy tín, chất lượng, tránh mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Kết luận:
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.