Bệnh viêm tai giữa ở trẻ có nhiều loại: cấp, bán cấp và mạn tính. Đây là một loại bệnh về tai có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đặc biệt là trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi là đối tượng dễ mắc viêm tai giữa nhất.
Viêm tai giữa có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Nhưng nếu không được phát hiện hoặc trì hoãn điều trị, chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa không đúng cách dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, liệt dây thần kinh số 7, ảnh hưởng đến khả năng nghe sau này của trẻ, vì vậy chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh viêm tai giữa với bài viết dưới đây nhé.
Vì sao trẻ em bị viêm tai giữa?
Nhiễm trùng tai xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em từ 3 tháng đến 3 tuổi và phổ biến cho đến khi 8 tuổi. Khoảng 25% trẻ em sẽ bị nhiễm trùng tai nhiều lần. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm tai giữa, có thể do virus, vi khuẩn hoặc đồng nhiễm.
Các vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm tai giữa là Streptococcus pneumoniae, tiếp theo là Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis.
Các nguyên nhân trẻ bị viêm tai giữa khác bao gồm:
- Hệ miễn dịch non nớt
- Cảm lạnh thường là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng tai, thường xảy ra trong mùa lạnh, khi nhiều người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc cảm lạnh. Trẻ có hệ miễn dịch yếu thường dễ bị cảm lạnh dẫn đến nhiễm trùng tai.
- Nhiễm trùng tai do cảm lạnh có thể có các triệu chứng cảm lạnh, chẳng hạn như chảy nước mũi, nghẹt mũi hoặc ho.
- Cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh
- Tai giữa nằm phía sau màng nhĩ và cũng là nơi chứa các xương mỏng manh hỗ trợ thính giác. Những xương này là xương búa (malleus), xương đe (incus) và xương bàn đạp (stapes).
- Cấu trúc của tai bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai giữa là khoảng trống giữa màng nhĩ và tai trong.
- Tai ngoài là vành tai ngoài bên ngoài và ống tai (ống tai ngoài). Tai giữa là không gian chứa đầy không khí giữa màng nhĩ và tai trong. Tai giữa chứa các xương nhỏ truyền các rung động âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong. Đây là nơi nhiễm trùng tai xảy ra.
- Tai trong chứa mê cung hình xoắn ốc giúp chuyển đổi các rung động âm thanh nhận được từ tai giữa thành tín hiệu điện. Dây thần kinh thính giác sẽ mang những tín hiệu này đến não.
- Ngoài ra, còn có vòi nhĩ điều chỉnh áp suất không khí trong tai giữa, kết nối nó với phần trên của họng. VA là những mô lympho phía trên họng, phía sau mũi và gần các vòi nhĩ. VA giúp chống nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập qua miệng.
- Ở trẻ nhỏ, các cấu trúc này chưa hoàn chỉnh. Vòi nhĩ ngắn hơn, ngang hơn khiến vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập vào tai giữa. Các ống này cũng hẹp hơn nên dễ bị tắc hơn.
- Các mô lympho có thể phì đại cản trở hoạt động vòi nhĩ.
- Các yếu tố nguy cơ chính gây nhiễm trùng tai
- Tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi) có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng tai hơn.
- Tiền sử gia đình: Yếu tố gia đình có thể tác động làm tăng khả năng viêm tai giữa.
- Dị ứng: Tác nhân dị ứng gây viêm đường mũi và đường hô hấp trên, có thể làm to các mô lympho. Mô lympho phì đại có thể chặn vòi nhĩ, ngăn dịch chảy ra từ tai. Điều này dẫn đến sự tích tụ dịch trong tai giữa, gây ra áp lực, đau đớn và có thể gây nhiễm trùng.
- Bệnh mạn tính: Trẻ mắc bệnh mạn tính có nhiều khả năng bị nhiễm trùng tai, đặc biệt là trẻ bị suy giảm miễn dịch và bệnh hô hấp mạn tính, chẳng hạn như xơ nang và hen suyễn.
Viêm tai giữa ở trẻ em
Cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa
Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa tại nhà mẹ cần lưu ý 3 vấn đề sau:
Vệ sinh tai, mũi cho bé
Đừng vì sợ bé đau ở tại mà mẹ “ngại” không vệ sinh tai cho con. Khi trẻ bị viêm tai giữa, nếu tai chảy dịch mủ cần phải làm sạch tai cho trẻ, không nên lau quá sâu, không dùng bông nút kín tai trẻ, cần để cho dịch thoát ra ngoài tự nhiên. Khi tắm hay vệ sinh tránh để nước chảy vào tai của bé.
Vệ sinh mũi cho trẻ ngày 2-3 lần bằng nước muối sinh lý. Khi rửa mũi cho bé cần lưu ý rửa đúng cách, nên cho bé đến bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ rửa cho con cho an toàn, tránh việc tự rửa tại nhà khiến nước chảy vào của bé.
Vệ sinh tai cho bé khi bị viêm tai giữa
Ăn uống
Mẹ nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Nên ăn các đồ ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu. Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia ra làm nhiều bữa trong ngày và uống thêm nước hoa quả, tránh ăn/uống đồ lạnh dễ gây kích ứng họng.
Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi còn bú mẹ, nên cho trẻ tăng số lần bú lên.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Nếu trẻ sốt cần chườm nước ấm vào các vị trí như cổ, nách, bẹn để hạ nhiệt. Mặc quần áo mỏng, thoáng mát, dễ thấm mồ hôi.
Trẻ sốt trên 38,5 độ C thì mới cần uống hạ sốt loại paracetamol, liều dùng theo chỉ định của bác sĩ (khoảng 10 – 15 mg/kg cân nặng). Uống cách nhau từ 4-6 giờ. Tuyệt đối không tự ý cho bé uống hạ sốt loại ibuprofen vì nếu bé bị sốt xuất huyết sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Các biến chứng của bệnh viêm tai giữa
Trẻ bị viêm tai giữa nếu được cha mẹ phát hiện và điều trị kịp thời bằng phương pháp phù hợp thì sẽ khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần và không gây ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào cho sức khỏe. Biến chứng viêm tai giữa xảy ra khi ở giai đoạn cấp tính bệnh điều trị sai phương pháp và không kịp thời.
Những biến chứng có thể xảy ra do viêm tai giữa gồm:
Thủng màng nhĩ:
Thủng màng nhĩ là biến chứng phổ biến nhất ở viêm tai giữa vì:
- Diễn tiến tự nhiên của bệnh lý.
- Ứ đọng mủ trong tai giữa làm cho màng nhĩ bị căng phồng, đau đớn và sốt cao.
- Khi màng nhĩ căng quá mức sẽ thủng, mủ chảy ra ngoài, bệnh nhân đỡ đau đớn hơn và giảm sốt.
Với những trường hợp bị thủng màng nhĩ không quá to thì bệnh vẫn có khả năng tự lành. Tuy nhiên, khi không được điều trị thì viêm tai giữa cấp sẽ tiến triển thành mạn tính, khả năng tự liền của màng nhĩ không còn, khả năng nghe vì thế suy giảm hoặc thậm chí có thể biến mất vĩnh viễn.
Viêm tai giữa mạn tính:
Đây là một biến chứng viêm tai giữa xảy ra do ở giai đoạn cấp không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả. Ngoài ra, tác nhân của bệnh cũng có thể do khối viêm VA ở trẻ, tình trạng viêm họng mạn tính.
Bệnh viêm tai giữa mạn tính gồm:
- Viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy: tai chảy mủ dai dẳng kèm ù tai, nghe kém, thi thoảng bị nhói đau tai. Hầu hết những trường hợp mắc biến chứng này không sốt, không tổn thương xương và cũng không gây ra những biến chứng nguy hiểm.
- Viêm tai giữa mạn tính có tổn thương xương (viêm tai giữa hồi viêm): bệnh xuất hiện khi có sự kết hợp xen kẽ với các đợt viêm rầm rộ. Người bệnh sẽ có triệu chứng sốt cao, đau đầu ngày càng mạnh, đau tai, chảy mủ thối ra ngoài tai,…
Các thành phần bên trong tuyến giữa tai bị hoại tử:
Đây là tình trạng rất dễ xảy ra khi trẻ bị viêm tai giữa mạn tính, hậu quả là trẻ sẽ phải đối mặt với các nguy cơ:
- Điếc vĩnh viễn.
- Trẻ bị mất khả năng giữ thăng bằng, thường xuyên cảm thấy chóng mặt vì tai trong bị viêm nhiễm.
- Liệt dây thần kinh số 7 do nó chạy qua tai giữa, lâu dần người bệnh bị liệt mặt và mất hoàn toàn cảm giác ở mặt.
Viêm xương chũm:
Ngoài những biến chứng viêm tai giữa trên đây thì trẻ còn có nguy cơ bị viêm xương chũm. Bộ phận này cấu tạo nên thành trong của tai giữa nên khi tai giữa bị viêm biến chứng thì trẻ cũng dễ bị viêm xương chũm. Hậu quả của biến chứng này chính là:
- Tái phát viêm tai giữa nhiều lần mà không khỏi.
- Xương chũm bị thủng ra ngoài nên xuất hiện tình trạng viêm xương chũm xuất ngoại với các biểu hiện: rò dịch, mủ viêm ra phía sau tai.
- Viêm màng não, viêm não, áp xe não khiến cho trí tuệ của trẻ chậm phát triển, liệt dây thần kinh và thậm chí còn gây tử vong.
Về cơ bản, biến chứng viêm tai giữa là không thể xem thường. Tuy nhiên, nó có thể được ngăn ngừa khi cha mẹ phát hiện sớm bệnh lý này và đưa trẻ đến khám, điều trị tích cực bởi bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh viêm tai giữa cấp gồm 3 giai đoạn nên tùy vào từng giai đoạn mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị cụ thể cho từng trẻ. Việc điều trị viêm tai giữa cho trẻ cần được thực hiện kịp thời, đúng phương pháp thì mới ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm như đã nói ở trên.
Khi nào cần đi gặp bác sĩ khi bị viêm tai giữa?
- Sau 1 đến 2 ngày, nếu bạn đang theo dõi các triệu chứng của trẻ. Nếu triệu chứng đau tai và sốt không giảm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.
- Sau 2 ngày, nếu trẻ đang dùng thuốc kháng sinh và các triệu chứng không giảm hoặc nặng hơn.
- Bạn cũng nên cho trẻ đến gặp bác sĩ sau khi điều trị nhiễm trùng tai một vài tháng nếu trẻ dưới 2 tuổi hoặc có vấn đề về ngôn ngữ hoặc học tập. Bác sĩ sẽ khám tai để đảm bảo dịch tích tụ trong tai đã biến mất. Trẻ có thể cần làm xét nghiệm theo dõi để kiểm tra thính giác.
- Nếu dịch tích tụ trong tai gây mất thính lực và không biến mất sau vài tháng, bác sĩ có thể đề nghị điều trị để giúp thoát hết dịch. Phương pháp điều trị là phẫu thuật để bác sĩ đặt một ống nhỏ vào màng nhĩ.
Hi vọng với các thông tin chia sẻ trên có thể giúp các mẹ hiểu hơn về viêm tai giữa ở trẻ em và cách chăm sóc khi trẻ bị viêm tai giữa.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.