Hen suyễn là bệnh lý hô hấp khó điều trị dứt điểm, gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và đường thở của trẻ. Để có thể kiểm soát tốt bệnh, cần nhận biết những dấu hiệu hen suyễn ở trẻ để có biện pháp khắc phục, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ.
Các triệu chứng hen suyễn ở trẻ thường gặp nhất
Hen suyễn, hay còn được biết đến là hen phế quản, là một bệnh mạn tính liên quan đến hệ hô hấp. Khi xảy ra cơn hen suyễn, niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng tấy, bội nhiễm vi khuẩn và dễ bị kích thích. Việc co thắt và viêm nhiễm này làm giảm lưu lượng không khí vào phổi.
Bệnh hen suyễn ở trẻ em có dấu hiệu và triệu chứng khá đa dạng:
- Ho dai dẳng, ho nhiều về đêm:
- Ho là dấu hiệu hen suyễn ở trẻ em đặc hiệu với cường độ kéo dài và tái phát nhiều lần, có kèm theo khó thở, khò khè.
- Thời điểm trẻ ho nhiều thường về đêm khi ngủ, ho theo mùa, ho khi trẻ gắng sức, khi cười và khi khóc, tiếp xúc với chất kích thích như phấn hoa, khói bụi, lông động vật…
- Cơn ho điển hình là ho khan và ho kích ứng.
- Trường hợp trẻ ho có đờm thì đờm thường có màu trắng và trong.
- Trẻ thở khò khè: Đường thở của trẻ sẽ bị phù nề, không khí khi đi qua sẽ tạo ra âm thanh rít, khò khè. Hiện tượng khò khè thường tái phát khi ngủ hoặc có các yếu tố kích ứng.
- Khó thở: Do đường thở bị thu hẹp, gây ra tình trạng co thắt làm cho trẻ khó thở, càng gắng sức tình trạng khó thở càng trầm trọng hơn.
- Đau tức ngực: Trẻ cảm thấy như có vật gì đè nặng hoặc siết chặt ngực.
- Mặt nhợt nhạt, mồ hôi: Do cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy.
Một số điều phụ huynh cần biết khi chăm sóc trẻ hen suyễn tại nhà
Hạn chế tiếp xúc dị nguyên
Dị nguyên trong nhà:
- Các loại côn trùng, gián, loài gặm nhấm
- Nấm mốc
- Lông động vật: chó, mèo…
- Chất khí từ lò đun nấu, khói thuốc lá
Dị nguyên ngoài nhà:
- Khói bụi
- Phấn hoa
Xử lý khi trẻ bị cơn hen cấp tại nhà
- Bước 1: Đặt trẻ ngồi xuống nới lỏng quần áo và giữ trẻ ở tư thế thoải mái hướng về phía trước là tốt nhất, trấn an trẻ đồng thời hướng dẫn trẻ cách thở sâu và chậm.
- Bước 2: Dùng thuốc cắt cơn hen như Salbutamol. Với trẻ dưới 5 tuổi xịt 2 nhát qua buồng đệm hoặc 2,5mg khí dung. Với trẻ trên 5 tuổi xịt từ 4-10 nhát qua buồng đệm (lưu ý phụ thuộc vào cân nặng của trẻ) hoặc 5mg khí dung. Sau đó đánh giá lại tình trạng của trẻ sau khi dùng thuốc.
- Bước 3: Trong trường hợp cơn hen vẫn không thuyên giảm thì có thể lặp lại thêm 2 lần xịt thuốc, cách nhau 20 phút giữa các lần.
Cân bằng dinh dưỡng, tạo thói quen sinh hoạt tốt cho trẻ hen suyễn
- Cung cấp chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các nhóm thực phẩm, bao gồm rau củ, trái cây, ngũ cốc, thịt, cá, đậu hạt và sữa sản phẩm từ sữa. Hạn chế đồ ăn nhanh, thức ăn chiên xào, đồ ngọt và các loại đồ uống có ga.
- Kiểm soát và duy trì cân nặng của trẻ ở mức phù hợp. Trẻ nên được theo dõi bởi bác sĩ để đảm bảo tăng trưởng và phát triển tốt.
- Tạo lập cho trẻ thói quen tập luyện, tham gia vào các hoạt động thể chất như chơi ngoài trời, tập thể dục, đi bộ, chạy, bơi…
- Cho trẻ ngủ đủ giấc và đúng giờ phục hồi và duy trì sức khỏe.
Để chăm sóc tốt cho trẻ mắc hen suyễn tại nhà, phụ huynh cần trang bị cho mình kiến thức đầy đủ về bệnh hen. Nhờ đó, phụ huynh có thể giúp bé kịp thời xử lý các cơn hen cấp ngay tại nhà. Đồng thời trẻ cũng sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như xẹp phổi, giãn phế nang đa tiểu thùy, tràn khí màng phổi, ngừng hô hấp kèm theo tổn thương bộ phận não hay thậm chí là tử vong.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.