Lần đầu tiên được làm bố mẹ, không ít người sẽ còn bối rối và lo lắng khi chưa biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh như thế nào là đúng. Vì vậy, trong bài viết này Pharmacity sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn các cách chăm sóc trẻ dưới 6 tháng tuổi đơn giản và hiệu quả.
Cách bế trẻ sơ sinh đúng cách và an toàn
Để chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách, việc bế trẻ là một kỹ năng quan trọng. Mỗi bé có thể có sở thích riêng về cách được bế, có bé thích vác vai, có bé thích ẵm ngửa hoặc những tư thế bế khác.
Trước khi bế bé lên, mẹ cần tạo sự thoải mái cho bé bằng cách tương tác và nói chuyện với bé, sau đó đặt tay nhẹ tay dưới đầu, vai và mông để nâng bé lên một cách nhẹ nhàng để tập cho bé làm quen với tiếng nói của mẹ và tránh làm trẻ bị giật mình và hoảng sợ khi bị nhấc lên.
Bế trẻ sơ sinh nhẹ nhàng và luôn giữ đầu vai mông của trẻ
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng tuổi trong việc bú ngủ
Khi cho bé bú và ngủ, mẹ cần đặt bé ở tư thế đúng sao cho bé cảm thấy thoải mái nhất. Để bé có thể ăn no ngủ ngoan, mẹ nên áp dụng một số phương pháp sau đây.
Cho trẻ sơ sinh bú như thế nào là đúng?
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì dễ tiêu hóa, hiếm khi gây dị ứng và chứa nhiều kháng thể giúp bé có thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Sau khi sinh, hãy cho bé bú sớm nhất ngay khi có thể và cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Khi cho bé bú mẹ cần bảo đảm miệng bé phải há rộng, ngậm cả quầng vú, cằm chạm sát vú mẹ, môi dưới đưa ra ngoài. Ngoài ra mẹ cũng nên cho trẻ ở tư thế đặt bé nằm nghiêng quay mặt về phía mẹ sao cho miệng bé áp sát ngực dưới của mẹ.
Dạ dày bé sơ sinh khá nhỏ, bạn cần cho bé bú thường xuyên để con nhận đủ lượng sữa cần thiết. Bé sẽ bú mỗi 1 – 2 giờ/lần trong vài tuần đầu mới sinh, mỗi cữ bú kéo dài khoảng 15 – 30 phút tùy vào lượng sữa mẹ, nhu cầu bú của bé…
Trẻ sơ sinh cần ngủ khoảng 16 – 18 giờ/ngày, mỗi giấc kéo dài từ 1 – 3 giờ nên bạn có thể cho bé bú bù ngay sau khi con tỉnh giấc. Nếu con đã ngủ quá 4 giờ, bạn nên đánh thức bé dậy và cho bé bú.
Sau khi cho bé bú mẹ có thể vỗ ợ hơi bằng cách để bế bé ở tư thế vác vai trong khoảng 10-15 phút, cách này giúp bé giảm nguy cơ bị ợ hơi và trào ngược dạ dày sau khi bú.
Vỗ ợ hơi cho trẻ sau khi bú để tránh tình trạng bé bị trào ngược dạ dày
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc
Việc bé có giấc ngủ ngon sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của bé, bao gồm cả thể chất và tinh thần. Để đảm bảo bé có giấc ngủ dễ dàng và thoải mái, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Đảm bảo bé được bú no trước khi đi ngủ.
- Tạo môi trường ngủ yên tĩnh và thoáng mát trong phòng ngủ.
- Massage cho bé trước khi đi ngủ để giúp bé thư giãn.
- Sử dụng nôi và đung đưa nhẹ nhàng để bé dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
- Hát ru hoặc mở nhạc êm dịu để tạo cảm giác an toàn và dễ chịu cho bé.
- Duy trì nhiệt độ phòng ở 28 độ.
- Tránh để các gối hay thú nhồi bông xung quanh khi bé ngủ.
Cách tắm rửa vệ sinh cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng
Chăm sóc vệ sinh cho trẻ sơ sinh là một quy trình cần được thực hiện cẩn thận, bao gồm từ việc thay tã cho bé đến việc tắm bé, chăm sóc da và vệ sinh rốn. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết các cách chăm sóc trẻ mà bố mẹ có thể tham khảo.
Cách thay tã cho trẻ sơ sinh
Khi chọn tã giấy cho bé, hãy chọn loại có kích cỡ phù hợp và tính năng chống hăm, ngứa. Nếu sử dụng tã vải, mẹ nên chọn loại có chất liệu cotton mềm, thấm nước tốt để đảm bảo sự thoải mái cho bé.
Quan trọng nhất là phải thay tã cho bé ngay sau khi bé đi tiểu hoặc đại tiện. Khi thay, mẹ cần vệ sinh sạch vùng hậu môn và bộ phận sinh dục của bé bằng khăn mềm và nước ấm. Đồng thời, nên thoa kem chống hăm hoặc kem dưỡng da trước khi mặc tã mới cho bé.
Hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh
Để vệ sinh và tắm rửa cho bé một cách dễ dàng, trước tiên mẹ cần chuẩn bị theo các bước sau:
- Rửa tay thật sạch và không nên để móng tay dài hay đeo trang sức vì chúng có thể làm tổn thương làn da mỏng manh của bé.
- Chuẩn bị các vật dụng như khăn xô nhỏ và lớn, quần áo, mũ, bao tay, gạc, bông gòn, tăm bông, băng rốn vô trùng và nước muối sinh lý 0,9%.
- Trước khi tắm bạn nhớ tắt quạt, máy lạnh và tiến hành massage để làm ấm trẻ.
- Sử dụng nước sạch pha với nước sôi để tắm cho bé. Nhiệt độ nước lý tưởng để tắm cho trẻ là khoảng 36 – 38 độ C.
Sau khi đã chuẩn bị mọi thứ, bạn có thể tiến hành tắm cho bé theo các bước sau:
- Lau sạch mắt cho bé bằng bông gòn thấm nước muối sinh lý từ trong ra ngoài.
- Sử dụng khăn tắm mềm để làm sạch lỗ mũi cho bé và lau mặt nhẹ nhàng cho bé.
- Bế bé lên và gội đầu, lưu ý không cho nước chảy vào tai bé. Sau đó, dùng khăn lau khô đầu bé.
- Trong khi tắm cho bé, hãy tạo không khí thoải mái bằng cách trò chuyện và âu yếm với bé, giúp bé cảm thấy an tâm và không hoảng sợ.
- Lau người cho bé, ủ ấm cho bé sau khi tắm.
- Vệ sinh mắt, mũi, tai và miệng cho bé bằng nước muối sinh lý hoặc bông gòn thấm nước.
- Cuối cùng, mặc áo, tã, bao tay cho bé là hoàn thành.
Lưu ý: Nếu muốn cắt móng tay, móng chân cho bé, hãy thực hiện sau khi bé vừa tắm xong khi móng của bé mềm và dễ cắt.
Hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách
Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), sau khi bé sinh ra, một phần của dây rốn sẽ còn dính trên rốn của bé và sau đó sẽ khô lại và rụng đi khi bé khoảng 2-3 tuần tuổi, sóc tốt. Ở trẻ sơ sinh, cuống rốn là vết thương hở, rất dễ nhiễm trùng nếu mẹ không chăm sóc đúng cách.
Để vệ sinh rốn cho bé, mẹ thực hiện theo các bước sau:
- Trước khi chăm sóc rốn cho bé, hãy rửa tay thật sạch và sát trùng bằng cồn 90°.
- Nhẹ nhàng tháo băng rốn và gạc ra.
- Quan sát mặt cắt rốn và vùng quanh xem có dấu hiệu viêm đỏ, có mủ, chảy dịch vàng, chảy máu, hay có mùi hôi không.
- Lau rốn bằng bông gòn với nước chín vô trùng, sau đó thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn.
- Sát trùng vùng da quanh rốn bằng nước muối sinh lý.
- Có thể để hở rốn hoặc che rốn bằng một lớp gạc mỏng vô trùng.
- Quấn tã vùng dưới rốn, tránh để phân, nước tiểu hoặc bất kỳ chất lỏng nào khác vấy bẩn vùng rốn.
Cách chăm sóc da cho trẻ sơ sinh
Để chăm sóc làn da nhạy cảm của bé, mẹ cần tuân thủ một số nguyên tắc quan trọng:
- Sử dụng các sản phẩm đồ dùng cho bé phải đảm bảo an toàn, không gây kích ứng da và không chứa các hóa chất độc hại.
- Chọn quần áo và khăn tã làm từ chất liệu cotton mềm mịn để tránh làm tổn thương làn da mỏng manh của bé.
- Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc như kem bôi, phấn rôm, sữa tắm cần phải có nguồn gốc rõ ràng và an toàn.
- Thay tã cho bé thường xuyên, tránh để da bé tiếp xúc với tã ẩm quá lâu để ngăn ngừa tình trạng hăm tã, kích ứng hoặc nổi mẩn da.
Các vấn đề khác khi chăm sóc trẻ sơ sinh mà bố mẹ nên lưu ý
Ngoài các cách chăm sóc trẻ sơ sinh đã được nêu trên, có một số điều mà bố mẹ cần lưu ý:
- Cho bé chích ngừa đầy đủ, đúng lịch: Cần cho bé tiêm chủng đầy đủ và ghi nhớ lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh. Việc cho trẻ chích ngừa vắc xin giúp trẻ tránh được nhiều bệnh nguy hiểm.
- Chăm sóc trẻ sơ sinh quấy khóc đêm: Tình trạng khóc đêm thường gặp ở trẻ từ 2 – 16 tuần tuổi, cơn khóc của trẻ thường kéo dài khoảng 3 giờ và xảy ra vào chiều, tối. Nếu tình trạng khóc đêm kéo dài, mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để được xử lý kịp thời.
- Theo dõi nhiệt độ của trẻ: Nên luôn có sẵn một nhiệt kế để đo nhiệt độ cho trẻ mọi lúc. Khi bé có dấu hiệu sốt, việc đo nhiệt độ là bước quan trọng đầu tiên để xác định trẻ có cần uống thuốc hay không.
Trên đây Pharmacity đã giúp bố mẹ có thể hiểu rõ các cách chăm sóc trẻ sơ sinh đơn giản và hiệu quả. Sự quan tâm và chăm sóc kỹ lưỡng từ bố mẹ sẽ giúp bé phát triển toàn diện và luôn khoẻ mạnh.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.