Cuống rốn là một vết thương hở nên nếu không được chăm sóc đúng cách thì sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, đây là một tình trạng rất nguy hiểm vì có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu cho trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, chúng ta cùng tìm hiểu về cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh, nhiễm khuẩn rốn ở trẻ sơ sinh dưới đây nhé.
Tầm quan trọng của việc vệ sinh, chăm sóc rốn trẻ sơ sinh
Rốn là con đường di chuyển các chất dinh dưỡng và oxy từ bánh nhau của người mẹ đến thai nhi và dây rốn cũng sẽ được nối thẳng vào gan của trẻ.
Nếu trẻ không được chăm sóc rốn đúng cách sẽ dẫn đến nhiễm trùng rốn, gây ra tác hại:
- Nhiễm trùng rốn sẽ rất nhanh lan tới gan, thậm chí có nguy cơ gây nhiễm trùng huyết, nguy cơ tử vong trẻ sơ sinh rất cao lên tới 40-80%.
- Nhiễm trùng rốn có thể dẫn đến nguy cơ uốn ván rốn, một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh.
- Làm chậm quá trình rụng rốn.
Chính vì vậy rốn trẻ sơ sinh cần được chăm sóc đúng cách, tránh nguy cơ nhiễm khuẩn rốn.
Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng rốn, dưới đây là 4 cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh và những ngày đầu sau sinh bố mẹ có thể tham khảo:
Vệ sinh vùng rốn của bé
Bố mẹ nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ sau trước khi vệ sinh rốn cho bé, gồm:
- Que bông vô trùng.
- Gạc vô trùng.
- Nước muối sinh lý.
Lưu ý: Không sử dụng băng rốn, phải để rốn thông thoáng, hở hoàn toàn.
Quy trình chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh như sau:
- Bố mẹ rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Sử dụng que bông vô trùng hoặc bông vô khuẩn đã thấm nước muối sinh lý vệ sinh rốn theo các bước: 1 que bông lau từ chân rốn ngược lên cuống rốn, 1 que bông lau vòng quanh rốn chỗ tiếp xúc với da bụng và 1 bông khác lau vùng da rộng quanh rốn. Bố mẹ nên sử dụng que bông hoặc bông mới ở mỗi lần sát trùng cho trẻ.
- Lau khô rốn bằng bông vô khuẩn. Tiếp đó, để rốn khô thoáng rồi cho trẻ mặc quần áo (có chất liệu thoáng). Đóng bỉm thấp dưới rốn để tránh phân và nước tiểu tràn lên rốn.
- Lặp lại các bước như trên mỗi ngày 1 lần cho đến khi cuống rốn của trẻ rụng tự nhiên.
Dùng tăm bông để vệ sinh rốn cho bé
Cẩn thận khi tắm cho bé
Nhiều bố mẹ chỉ lau người, không tắm cho trẻ cho đến khi thấy cuống rốn rụng. Bố mẹ cần hiểu rằng, việc tắm cho trẻ không hề gây hại gì, miễn là bố mẹ không ngâm người trẻ vào nước và giữ cho cuống rốn được khô ráo. Nếu thấy cuống rốn bị ướt, hãy sử dụng tăm bông mềm để lau khô.
Cuống rốn của trẻ có thể bị bẩn do hoạt động đi tiêu. Khi đó, bố mẹ hãy nhẹ nhàng làm sạch bằng nước, rồi sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh sạch lại và lau khô.
Cẩn thận khi mặc quần áo cho bé
Khi mặc quần áo hoặc quấn tã cho trẻ, bố mẹ hãy chú ý cho tã và quần áo nằm phía dưới rốn để giữ cho rốn được tiếp xúc với không khí, như vậy cuống rốn sẽ nhanh khô hơn. Cố gắng giữ cho vùng rốn hở, tiếp xúc với không khí càng nhiều càng tốt.
Để cuống rốn rụng tự nhiên
Nếu đã theo dõi qua một khoảng thời gian nhưng cuống rốn của trẻ vẫn chưa rụng, bố mẹ đừng lo lắng mà tác động lên nó. Hãy kiên nhẫn chờ đợi bởi đôi khi cuống rốn có thể rụng chậm hơn bình thường. Tuy nhiên, nếu thấy tại vị trí cuống rốn xuất hiện các dấu hiệu bất thường như chảy máu hay dịch mủ, có mùi hôi, vùng da quanh rốn tấy đỏ hoặc trẻ sốt cao, bỏ bú,… bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra và tư vấn đúng đắn.
Sau khi cuống rốn rụng, bố mẹ sẽ nhìn thấy lỗ rốn của trẻ. Khi đó, lỗ rốn có thể nổi hạt màu đỏ gọi là u hạt rốn, hoặc thậm chí là chảy máu. Đó là những hiện tượng bình thường và sẽ tự lành lại trong 1 tuần, vì thế bố mẹ không nên quá lo lắng. Nếu u hạt rốn tồn tại lâu hơn 1 tuần, bố mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn.
Quy trình lành vết thương rốn ở trẻ em
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng chống nhiễm khuẩn rốn ở trẻ sơ sinh
Dấu hiệu nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh
Sau khi trẻ chào đời, cuống rốn sẽ được kẹp lại và tự khô dần. Cũng có thể sẽ có tình trạng chảy máu một chút ở cuống rốn, nhất là ở phần chân rốn khi nó chuẩn bị bong ra, đây là hiện tượng rất bình thường. Thời điểm này, cha mẹ cần chăm sóc vệ sinh rốn cho trẻ đúng cách để rốn của trẻ mau lành.
Nếu quá trình rụng rốn của trẻ có các dấu hiệu bất thường sau đây thì nguy cơ nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh rất cao:
- Nóng, sưng nề, đỏ ở phần da bụng xung quanh chân rốn.
- Ấn vào dây rốn thấy mềm.
- Quanh dây rốn có dịch mủ chảy ra.
- Vùng chân rốn có mùi hôi.
- Trẻ bị sốt, khó chịu thường xuyên, quấy khóc.
- Trẻ bú ít, bỏ bú, li bì, lừ đừ.
Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh trên đây cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ Nhi khoa ngay. Nguy cơ tử vong do nhiễm trùng rốn rất cao nên đây là một cấp cứu y tế ở trẻ sơ sinh mà cha mẹ không được chủ quan.
Cách phòng chống nhiễm khuẩn rốn ở trẻ sơ sinh
- Rửa tay thật sạch. Nên chăm sóc rốn sau khi đã tắm trẻ.
- Một tay dùng gạc vô trùng để nâng dây rốn lên, quan sát chân rốn,dây rốn, mặt cắt cuống rốn và da xung quanh rốn, nhận diện các bất thường như: dịch tiết nhiều, máu, có mủ, vùng da quanh rốn sưng đỏ…
- Dùng que gòn vô trùng tẩm dung dịch sát trùng, lau sạch vị trí xung quanh chân rốn, từ chân rốn lên dây rốn, vị trí kẹp rốn và mặt cắt cuống rốn. Sau đó khử trùng từ chân rốn ra vùng da xung quanh rốn.
- Bình thường rốn của trẻ sơ sinh sẽ rụng trong vòng từ 7 đến 10 ngày sau sinh và sau 15 ngày thì cuống rốn phải liền hoàn toàn. Cha mẹ cần giữ rốn và vùng xung quanh sạch, khô cho đến khi cuống rốn rụng.
- Sau 48 giờ nếu rốn khô nên tháo bỏ kẹp rốn. Để rốn hở sẽ giúp cuống rốn mau khô và dễ rụng hơn. Khi rốn chưa rụng, phụ huynh nên tắm kiểu “đầu” và “chân” để giữ rốn được khô.
- Cần chăm sóc rốn mỗi ngày từ 1 – 2 lần hoặc vệ sinh ngay sau khi rốn bị nhiễm bẩn.
- Khi quấn tã nên để hở phần rốn ra ngoài, mặc tã dưới rốn để không khí có thể lưu thông. Hạn chế sờ, đụng vào cuống rốn và vùng xung quanh rốn để tránh nhiễm trùng từ bàn tay không sạch.
- Vẫn tiếp tục chăm sóc sau khi rốn đã rụng cho đến khi chân rốn khô, không còn dịch tiết.
Hi vọng các thông tin chia sẻ trên có thể giúp các mẹ hiểu hơn về cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh và cách phòng tránh nhiễm khuẩn rốn ở trẻ.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.