Cây hoa hoè là gì?
Cây hoa hòe còn được gọi là hòe mễ, hòe hoa mễ, hòe hoa.
Tên khoa học: Sophora japonica (L.) hoặc Styphnolobium japonicum (L.).
Thuộc họ Đậu: Fabaceae.
Bộ phận dùng:
- Nụ hoa phơi hay sấy nhẹ đến khô của cây hòe (Hoa hòe – Flos Sophorae japonicae)
- Quả hòe hay hòe giác (Fructus Sophorae japonicae).
Công dụng của hoa hòe:
- Lương huyết
- Thanh nhiệt
- Chỉ huyết
- Hạ áp.
Thành phần hóa học của hoa hòe
- Nụ hòe là nguyên liệu giàu rutin, có thể đạt tới 34%. Ngoài ra, nụ hòe còn chứa betulin, sophoradiol, sophorin A, sophorin B, sophorin C, sophorose.
- Hoa đã nở chứa 8% rutin
- Vỏ quả chứa 4 – 11% rutin
- Hạt hòe chứa 1,75% flavonoid toàn phần (trong đó rutin chiếm 0,5%), ngoài ra, còn có 8 – 24% chất béo và galactomannan.
Hoa hoè có tác dụng gì?
Các tác dụng sức khoẻ của cây hoa hoè
- Chữa bệnh trĩ: Trong hoa hòe, có chứa hoạt chất troxerutin có tác dụng làm tăng quá trình vận mạch, cải thiện hiệu quả triệu chứng đau nhức ở những người mắc bệnh trĩ và oxymatrine giúp kháng viêm, giảm sưng mạch máu ở búi trĩ.
- Tốt cho tim mạch và huyết áp: Trong nụ hoa hòe có chứa hoạt chất Rutin, oxymatrine có chức năng bảo vệ, cải thiện chức năng của tim, giúp thúc đẩy các mạch máu khỏe mạnh và hệ thống tim mạch tổng thể. Đồng thời, hoạt chất rutin (hợp chất Glycosid thuộc nhóm Flavonoid Aglycon) có trong hoa hòe là một loại vitamin P có tác dụng tăng cường sức chịu đựng của mao mạch, làm bền thành mạch, giúp giảm huyết áp, phòng các biến chứng của huyết áp cao như: xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ.
- Cầm máu: Rutin trong hoa có khả năng ức chế tính thấm và tăng độ bền của mao mạch. Cơ chế này đặc biệt có lợi trong việc cầm máu, cụ thể là với các trường hợp như: Đại tiện ra máu, chảy máu cam, băng huyết, rong kinh,….
- Trị viêm khớp: Hoa hòe có chứa nhiều hoạt chất giúp cải thiện hiệu quả tình trạng, sưng, viêm mô ở người bệnh mắc viêm khớp mạn tính.
- Giúp ngủ ngon: Theo Đông y, hoa hòe có tính mát, giúp thanh nhiệt, lương huyết an thần và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Ngăn chặn tổn thương do bức xạ: Trên chuột nhắt trắng, rutin tiêm dưới da với liều 2mg/kg có tác dụng làm giảm tỷ lệ tử vong của chuột bị chiếu xạ.
- Chống viêm: Cơ chế chống viêm của rutin có thể do kích thích tuyến thượng thận tăng tiết adrenalin và ức chế men hyaluronidase.
Công dụng của cây hoa hoè
Một số bài thuốc trị bệnh hay từ cây hoa hoè
- Chữa cao huyết áp, đau mắt: Nụ hòe 10g, lá sen hoặc ngó sen 10g, cúc hoa vàng 4g. Sắc nước uống.
- Chữa đi ngoài ra máu: Nụ hòe (sao) 20g, trắc bá diệp (sao) 20g, chỉ xác 12g, hoàng liên 8g, kinh giới 8g. Cắt nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml. CHia làm 2 lần uống trong ngày.
- Chữa tăng huyết áp, đau đầu choáng váng, ngón tay hơi tê, đầu óc căng thẳng, khó ngủ: Nụ hòe (sao vàng), thảo quyết minh (sao), hai loại liều lượng bằng nhau, tán thành bột, mỗi lần uống 5g, ngày dùng 10 – 20g, hoặc dùng riêng mỗi loại 10g, sắc nước uống.
- Chữa băng lâm hạ huyết (ra máu nhiều) ở phụ nữ: Hạt hòe 250g (tẩm rượu sao), đan sâm 125g (tẩm giấm sao), hương phu 60g (ngâm đồng tiện sao). Tất cả nghiền thành bột, làm thành viên nhỏ, mỗi buổi sáng uống 15g với cháo.
- Chữa trĩ nội, viêm ruột: Quả hòe 100g (sao đen), kim ngân hoa 100g, cam thảo 12g, nghệ vàng 10g. Tán thành bột, trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g vào lúc đói.
- Chữa lòi dom (bệnh trĩ): Quả hòe phối hợp với khổ sâm, liều lượng bằng nhau, nghiền thành bột mịn, hòa với nước, dùng bôi ngoài.
- Chữa mất ngủ do can khí uất kết: Hoa hòe (sao đen) 12g, đan bì 12g, chi tử 12g, bạch thược 12g, sài hồ 12g, rau má 16g, bồ công anh 16g, thục địa 12g, chỉ xác 10g, lạc tiên 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
- Chữa sốt phát ban (thường gặp vào mùa xuân hè): Hoa hòe 12g, sài hồ 16g, chi tử 10g, rau má 16g, bạch thược 12g, cỏ mực 16g, thương nhĩ 12g, cam thảo đất 16g, thổ phục linh 16g, kim châu 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nụ hoa hòe được phơi khô làm thuốc chữa bệnh
Tác dụng phụ của hoa hoè
- Hoa hòe không gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng đúng liều lượng. Khi dùng quá liều có thể dẫn đến tiêu chảy.
- Những người bị huyết áp thấp, khi sử dụng hoa hòe có thể gây choáng váng, chóng mặt.
- Hoa hòe có tính hàn nên không phù hợp với người có cơ địa tỳ vị hư hàn, hay đau bụng, kém ăn, chậm tiêu, thiếu máu…
- Quả hòe có thể gây sẩy thai ở phụ nữ đang mang thai.
Cần lưu ý điều gì khi sử dụng hoa hoè?
- Không dùng cho người đau bụng, khó tiêu, kém ăn do cơ địa thể hàn, nếu sử dụng, nên kết hợp với các loại dược liệu có tính nóng.
- Không dùng cho người bị huyết áp thấp.
- Phụ nữ có thai không được dùng hoa cây hòe để tránh nguy cơ sảy thai.
- Phụ nữ đang cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng hoa cây hòe.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.